Giá vàng quốc tế sáng 1/4 tăng vọt thêm 26 USD/ounce, lên 2.259 USD/ounce, đây là mức cao nhất từ trước đến nay. Đà tăng này tiếp nối mức tăng giá của tuần trước 2,7%. Như vậy, trong tháng 3, kim loại quý đã tăng 9% và tăng 8% trong quý 1. Đợt tăng giá vàng là tín hiệu cho thấy các nhà đầu tư lo lắng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ không thể kiểm soát lạm phát khi cơ quan này bắt đầu cắt giảm lãi suất. Vàng đang phát huy là công cụ phòng ngừa rủi ro địa chính trị khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đến gần.
Dự kiến trong năm 2024, Fed sẽ có 3 đợt cắt giảm lãi suất. Nếu Fed bắt đầu cắt giảm lãi suất, lãi suất trái phiếu sẽ giảm, khiến vàng trở thành nơi trú ẩn an toàn hơn. Đồng thời, một số nhà phân tích lưu ý rằng đồng đô la Mỹ đang mất dần sức ảnh hưởng trên thị trường vàng khi nợ chính phủ Mỹ tiếp tục tăng cao.
Trong tuần này, thị trường vàng sẽ chờ đón một số dữ liệu kinh tế như chỉ số PMI sản xuất của Viện Quản lý cung ứng (ISM), cơ hội việc làm JOLTS, thay đổi việc làm phi nông nghiệp ADP, PMI ngành dịch vụ của ISM, Chủ tịch Fed Jerome Powell phát biểu, yêu cầu thất nghiệp hàng tuần, bảng lương phi nông nghiệp...
Hai thương hiệu vàng trong nước cùng đi lên phiên sáng nay (1/4).
Cụ thể, Công ty vàng Phú Quý điều chỉnh tăng 300.000 đồng/lượng, tuy nhiên lại điều chỉnh giảm 100.000 đồng/lượng ngay sau đó, hiện doanh nghiệp này đang giao dịch quanh mức 78,80-80,90 triệu đồng/lượng,
Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại khu vực Tp.HCM từ 78,30-80,8 triệu đồng/lượng, còn tại Hà Nội và Đà Nẵng chiều mua vào/bán ra từ 78,30-80,82 triệu đồng/lượng, tăng 100.000 đồng/lượng so với chốt phiên trước.
Cùng thời điểm trên, Công ty Doji niêm yết từ 78,80-80,80 triệu đồng/lượng, không đổi so với phiên trước.
Trong khi đó, giá vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu niêm yết ở mức 70,23-71,43 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), tăng 500.000 đồng/lượng so với chốt phiên trước. Chênh lệch chiều mua vào/bán ra giữ nguyên ở mức 1,2 triệu đồng/lượng.
Minh Hoa (t/h)