Giá vàng chạm mức cao kỷ lục vào sáng 1/4 sau khi dữ liệu cho thấy lạm phát của Mỹ giảm nhẹ trong tháng 2/2024, thúc đẩy đặt cược vào khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng Sáu.
Phiên này, giá vàng giao ngay tăng 1% lên mức 2.255,39 USD/ounce vào 8 giờ 30 phút (giờ Việt Nam). Trước đó cùng phiên, giá kim loại quý này đã có thời điểm chạm mức cao kỷ lục 2.256,09 USD/ounce. Giá vàng Mỹ giao kỳ hạn cũng tăng 1,7% lên 2.275,70 USD/ounce.
Chỉ số đồng USD - được coi là thước đo "sức khỏe" của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác - phiên này giảm 0,1%. Diễn biến đó giúp vàng trở nên hấp dẫn hơn đối với những nhà đầu tư nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Giá vàng chạm mức cao kỷ lục nhờ hy vọng về thời điểm Fed hạ lãi. Ảnh minh họa.
Số liệu được Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 29/3 cho thấy Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát ưa thích của Fed - chỉ tăng 0,3% trong tháng Hai, thấp hơn mức dự báo của thị trường là 0,4%. So với cùng kỳ năm ngoái, PCE đã tăng 2,5% sau khi tăng 2,4% trong tháng Một.
Giá hàng hóa tại Mỹ tăng 0,5% trong tháng Hai, được thúc đẩy khi giá xăng và các sản phẩm năng lượng khác tăng 3,4%.
Những tín hiệu tích cực cho triển vọng của nền kinh tế đã củng cố khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất. Hiện thị trường đang đặt cược Fed có 69% khả năng sẽ bắt đầu hành động tại cuộc họp tháng Sáu.
Giá vàng luôn nhạy cảm với các động thái điều chỉnh lãi suất của Mỹ. Bởi lãi suất hạ sẽ khiến đồng USD yếu đi, song lại gia tăng đáng kể sức hấp dẫn của các tài sản không sinh lời như vàng.
Giá vàng thỏi cũng được đẩy cao hơn bởi nhu cầu ở nước ngoài, Caesar Bryan, giám đốc danh mục đầu tư tại công ty quản lý đầu tư Gabelli Funds, nhận định.
"Tại Trung Quốc, các nhà đầu tư tư nhân bị thu hút bởi vàng khi lĩnh vực bất động sản gặp khó", Bryan nhận định và nói thêm về những khó khăn chung ở nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới cùng thị trường chứng khoán và tiền tệ không mạnh.
Cavatoni từ Hội đồng Vàng Thế giới cho biết đợt tăng giá vàng hiện nay được thúc đẩy bởi hoạt động mua vào mạnh mẽ từ các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới nhằm đa dạng hóa danh mục dự trữ của họ trước những rủi ro địa chính trị, lạm phát và sự mất giá của đồng USD.
"Câu hỏi đặt ra là liệu họ có còn tiếp tục mua mạnh nữa hay không", ông Cavatoni nói.
Theo Hội đồng vàng thế giới, Trung Quốc vẫn là động lực hàng đầu với vàng, cả về tiêu dùng lẫn nhu cầu dự trữ của ngân hàng trung ương.
VTV.vn - Trong phiên giao dịch 25/3, giá vàng thế giới đi lên nhờ kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất trong năm nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.99332534110404202-cul-yk-oac-cum-mahc-ioig-eht-gnav-aig/et-hnik/nv.vtv