Từ hôm nay (25-12-2023), cầu Mỹ Thuận 2 và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ được đưa vào sử dụng không chỉ rút ngắn một nửa thời gian đi lại giữa hai đô thị lớn nhất phía Nam là TP.HCM và Cần Thơ, mà còn đưa miền Tây và TP.HCM gần nhau hơn trong một không gian phát triển mới, tăng cường liên kết nội vùng và phối hợp liên vùng.
Hai công trình giao thông trọng điểm này chính là "nhịp cuối" hoàn thành cầu nối liên vùng sau gần hai thập niên khởi công cao tốc TP.HCM - Trung Lương, đoạn tuyến cao tốc đầu tiên trong lịch sử hơn 300 năm vùng đất Nam Bộ.
Thời kỳ tăng tốc đầu tư cho cao tốc với hàng loạt cao tốc đã hoàn thành và đang triển khai, chuẩn bị đầu tư tạo ra trục xương sống quốc gia trên vùng đất Tây Nam Bộ.
Hạ tầng giao thông đồng bằng khởi sắc là mảng sáng đáng ghi nhận trong bức tranh phát triển gần đây. Các tuyến cao tốc và công trình giao thông có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tháo các điểm nghẽn, mở ra không gian phát triển mới, tăng cường thu hút đầu tư, tạo việc làm tại chỗ, góp phần giải quyết "vòng xoáy đi xuống" khiến 1,3 triệu người xuất cư khỏi vùng ĐBSCL và sự tụt hậu của ĐBSCL so các vùng miền khác.
Thời gian tới, hợp tác liên vùng và liên kết giữa TP.HCM với Cần Thơ và các tỉnh vùng ĐBSCL cần ưu tiên cho mục tiêu phát triển chung, tạo lập không gian kinh tế chung, phát huy tốt nhất lợi thế so sánh của nhau và huy động tốt nhất các nguồn lực phát triển.
Cần sớm hoàn thiện thể chế liên kết nội vùng, phối hợp liên vùng, có kế thừa những kết quả và thực tiễn tốt trong giai đoạn trước, không cầu toàn nhưng phải bảo đảm thực chất, hiệu quả, khả thi.
Để tiếp tục khơi thông dòng chảy các nguồn lực, việc tăng cường thu hút đầu tư, phát triển địa phương thì việc phát triển vùng mới mang ý nghĩa thật sự.
Càng có ý nghĩa hơn khi gắn kết hai công trình giao thông trọng điểm này với các công trình trọng điểm khác như cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, cầu Rạch Miễu 2, cầu Châu Đốc, cầu Đại Ngãi đang triển khai thi công và hiện thực hóa các công trình hạ tầng giao thông khác ở miền Tây đã được xác định trong quy hoạch vùng, quy hoạch các tỉnh.
Việc phát triển giao thông phải gắn liền với yêu cầu phát triển hạ tầng logistics, đảm bảo các yêu cầu tích hợp trong quy hoạch và thực hiện quy hoạch, không cục bộ địa phương.
Các tỉnh, thành vùng cần chủ động gắn kết phát triển địa phương với quy hoạch vùng, tận dụng tất cả cơ hội phát triển các đô thị, khu công nghiệp, thương mại và dân cư phù hợp để khai thác lợi thế từ các công trình giao thông trọng điểm mang lại.
Người dân kỳ vọng các cơ quan trung ương và các địa phương có công trình đi qua cần tập trung cao cho giải phóng mặt bằng, đảm bảo nguồn cung vật liệu, tăng cường phối hợp triển khai. Tập trung hoàn thành hệ thống giao thông kết nối, đường gom để phát huy tối đa hiệu quả. Cần xây dựng bộ máy quản lý thi công công trình cũng như vận hành khai thác chuyên nghiệp, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ hiện đại trong vận hành, khai thác công trình hiệu quả.
Cầu Mỹ Thuận 2 và cao tốc TP.HCM - Cần Thơ thông suốt không chỉ rút ngắn khoảng cách địa lý, giảm thời gian đi lại mà quan trọng hơn là khơi thông nguồn lực, kết nối liên vùng phát triển cho thời kỳ mới.
Ngày 24-12, Bộ Giao thông vận tải phối hợp 2 tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long tổ chức lễ khánh thành, thông xe cầu Mỹ Thuận 2 và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ.