Nhiều dự án nhà ở xã hội tại Hà Nội không triển khai
Chính sách về nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân là một chính sách nhân văn. Vì thế, nhiều địa phương đã tích cực thu hút đầu tư, thúc đẩy khởi công xây dựng nhà ở xã hội. Bên cạnh nhiều dự án triển khai tốt, vẫn còn các dự án chậm trễ, vướng mắc, cần giải pháp đồng bộ để tháo gỡ… Câu chuyện tại TP Hà Nội là một trong những câu chuyện điển hình cho cả trăm dự án nhà ở xã hội đang nằm trên giấy nhiều năm, dù người dân vẫn luôn mong chờ được mua nhà ở giá rẻ để an cư lập nghiệp.
Dự án nhà ở xã hội Bảo Ngọc có tổng mức đầu tư gần 1.200 tỷ đồng xây 800 căn hộ. Theo thông tin cuả chủ đầu tư thì dự kiến tới quý IV năm nay sẽ cung ứng ra thị trường. Dù đã làm lễ khởi công, đã nằm trong danh sách 13 dự án mở bán giữa năm ngoái của TP Hà Nội nhưng hiện tại khu vực này quây tôn kín và bỏ hoang.
Dự án nhà ở xã hội bị bỏ hoang.
Giống nhiều người dân ngoại tỉnh cư trú bám trụ hàng chục năm tại Hà Nội để buôn bán và lo cho con cái ăn học, ông Nguyễn Văn Sáng (ngõ 184 Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội) cũng rất muốn được mua nhà ở xã hội, nhưng sau tìm hiểu thì ông và cả 2 người con đều không đủ điều kiện và kinh tế.
Cũng trên địa bàn quận Long Biên, dự án nhà ở xã hội Him Lam Thượng Thanh quy mô 600 căn hộ. Dù có chủ trương đầu tư từ 2018, dự án cũng đã từng khởi công rồi cũng bỏ hoang.
TP Hà Nội mong muốn có khoảng 1,2 triệu m2 nhà xã hội trong giai đoạn 2021 - 2025. Mục tiêu này đang là thách thức khi nhiều dự án đang vướng mắc, chậm trễ.
Theo Bộ Xây dựng thì nhiều thành phố trọng điểm như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh chưa thể đạt được 20% kế hoạch phát triển nhà ở xã hội từ nay đến năm 2025. Trong khi nhiều dự án đang gặp khó về tiếp cận đất đai, thủ tục đầu tư xây dựng thì cũng có nhiều dự án đã được phê duyệt khởi công nhiều năm lại bỏ hoang, gây lãng phí.
Hàng trăm dự án nhà ở xã hội bỏ hoang
Chính phủ và các bộ ngành, cũng như các địa phương thời gian qua cũng đã tạo nhiều chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư, gỡ khó khăn vướng mắc nhiều thủ tục hành chính. Thế nhưng, hiện mới đạt khoảng 40% mục tiêu và nhu cầu. Còn nhiều dự án bao năm qua vẫn nằm trên giấy, hoặc khởi công xong, quây rào kín và để yên, kéo theo kết quả phát triển nhà ở xã hội thời gian qua trên cả nước còn thấp.
Chỉ cần điểm qua một số tỉnh thành địa phương đã thấy có cả trăm dự án nhà ở xã hội "nằm trên giấy" không được triển khai xây dựng nhiều năm như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Ninh Bình, Bắc Ninh, Thanh Hoá, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu… Đây đều là những tỉnh thành phố có nhu cầu nhà ở xã hội rất lớn.
Đơn cử như TP Hồ Chí Minh, rất nhiều dự án nhưng con số hoàn thành đếm trên đầu ngón tay. Giai đoạn 2016 - 2020, thành phố có 93 dự án nhà ở xã hội, nhưng chỉ hoàn thành 19 dự án, số còn lại nằm yên trên các văn bản kế hoạch và chuyển sang giai đoạn 2021 - 2025 với chỉ tiêu cung ứng khoảng 35.000 căn nhà. Nhưng hiện cũng chỉ mới hoàn thành được thêm 2 dự án.
Số còn lại vẫn còn gặp nhiều vướng mắc về thủ tục pháp lý, về mặt bằng sạch, về năng lực chủ đầu tư chưa đủ để triển khai dự án. Đây cũng là nguyên nhân chung khiến tốc độ tăng nhà ở xã hội của nhiều địa phương không đảm bảo như mục tiêu đề ra.
Một lý do nữa chính là sự vào cuộc chưa thực sự quyết liệt của các địa phương. Hiện mới chỉ có 28/63 tỉnh thành gửi văn bản công bố 53 danh mục dự án tham gia gói vay 120.000 tỷ với tổng nhu cầu vay 27.000 tỷ đồng.
Điểm sáng nhà ở xã hội tại Bình Dương
Thị trường nhà ở xã hội hiện nay cũng có sự phân hóa, khi vẫn có những địa phương ghi nhận kết quả thực hiện tốt, đưa ra những căn nhà ở xã hội có giá thành từ 150 triệu đồng/căn trở lên cho người thu nhập thấp. Như tại Bình Dương - một trong những điểm sáng trong phát triển nhà ở xã hội.
Tính đến nay, tỉnh Bình Dương đã kêu gọi, thu hút đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng được khoảng hơn 1,8 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Theo đề án mới nhất đến năm 2030, tỉnh đặt mục tiêu sẽ xây dựng hơn 172.000 căn. Giải pháp được đưa ra là làm sao tạo được quỹ đất với chi phí thấp nhất cho các doanh nghiệp, thứ hai là giảm thiểu thời gian xử lý các hồ sơ liên quan đến nhà ở xã hội
Trong bối cảnh thị trường khó khăn, việc tháo gỡ nhanh vấn đề pháp lý là "điểm sáng" giúp doanh nghiệp có thêm niềm tin vào việc phát triển, đầu tư tiếp tục tại tỉnh.
Tỉnh Bình Dương đã kêu gọi, thu hút đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng được khoảng hơn 1,8 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Đại diện Sở Xây dựng tỉnh cho biết, đến nay, đa số nguồn cung nhà ở xã hội trên địa bàn là từ các doanh nghiệp tư nhân. Tỉnh cũng xác định vai trò của địa phương là phải thiết lập được quỹ đất sẵn có với chi phí cạnh tranh thì mới hấp dẫn được đầu tư tư nhân. Do đó, từ các khâu quy hoạch các khu, cụm công nghiệp tỉnh cũng bố trí đi kèm song song các khu đất để phát triển loại hình nhà ở này.
Ông Huỳnh Phạm Tuấn Anh - Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương cho biết: "Chúng ta chuẩn bị toàn vẹn từ bước quy hoạch đến bước mời gọi nhà đầu tư và đặc biệt là huy động từ nhiều nguồn lực xã hội về vốn để có thể đầu tư trong phân khúc này đạt hiệu quả cao. Thứ hai là vị trí địa lý của Bình Dương so với TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai thì quỹ đất vẫn còn nhiều, đặc biệt là giá đất cũng không cao so với các đơn vị này - đây là một lợi thế".
Ngoài ra, hiện các mô hình nhà ở xã hội của tỉnh cũng rất đa dạng với giá bán rất linh hoạt. Các căn hộ tầm thấp có giá bán từ 150 đến dưới 200 triệu/căn, cao cấp hơn thì giá bán từ 500 đến 600 triệu/căn… Chính sự đa dạng này đã giúp cho nhiều tầng lớp lao động của tỉnh có được cơ hội tiếp cận nhà ở phù hợp với nhu cầu và thu nhập.
Theo các chuyên gia, có 2 nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc hàng trăm dự án nhà ở xã hội chỉ nằm yên trên giấy, hoặc khởi công động thổ xong rồi để bỏ đất hoang đó là chủ đầu tư thiếu năng lực, chậm giải phóng mặt bằng và thiếu quỹ đất 20% cho phát triển nhà ở xã hội ở nhiều địa phương.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.2410510210404202-yaig-nert-man-ioh-ax-o-ahn-na-ud-ueihn/et-hnik/nv.vtv