Ngày 1-4, Tổng cục An ninh Liên bang Nga (FSB) thông báo đã bắt một số chiến binh nước ngoài vào ngày 31-3 tại thành phố Kaspiysk và thủ phủ Makhachkala của khu vực Dagestan, phía nam nước Nga.
Nga bắt thêm 4 nghi phạm
Những người này được cho là "liên quan trực tiếp đến việc cung cấp tài chính và phương tiện khủng bố" cho những kẻ xả súng ở Matxcơva vào tháng trước.
Hãng tin Interfax dẫn lời FSB cũng cho biết 1 trong 4 người đàn ông bị bắt đã thú nhận đích thân mang vũ khí đến cho những kẻ tấn công.
"Tôi đã lấy vũ khí cho họ, những kẻ đã tấn công nhà hát Crocus City Hall. Tôi đã lấy vũ khí của họ từ Makhachkala", người này nói.
Dagestan là khu vực có đa số người Hồi giáo ở vùng Caucasus phía nam nước Nga.
Trước đó, chính quyền Nga ngày 31-3 xác nhận đã bắt giữ một nhóm người tham gia lên kế hoạch tấn công nhưng không cung cấp thông tin về quốc tịch của những người này.
Ngày 22-3, vụ tấn công nhà hát Crocus City Hall ở ngoại ô Matxcơva làm ít nhất 144 người thiệt mạng.
Nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã tuyên bố nhận trách nhiệm, nhưng Nga khẳng định "những người theo chủ nghĩa dân tộc Ukraine" có liên quan đến vụ tấn công. Kiev đã bác bỏ cáo buộc này.
Sau vụ việc, chính quyền Nga đã bắt giữ 12 người có liên quan đến vụ tấn công, bao gồm 4 công dân Tajik được cho là các tay súng.
Trong khi đó, Đài RT đưa tin Ủy ban điều tra Nga đã mở cuộc điều tra các cáo buộc Ukraine và các đồng minh phương Tây dính líu đến vụ tấn công ở Matxcơva.
Theo cáo buộc của các nghị sĩ Nga, Mỹ và các đồng minh được cho là đã thúc đẩy một loạt cuộc tấn công trên đất Nga. Ủy ban điều tra nói trên sẽ xem xét cáo buộc các nước này "tổ chức, tài trợ và thực hiện các hành động khủng bố".
Ông Nikolay Kharitonov, một trong những nghị sĩ đệ đơn khiếu nại, nhấn mạnh rằng các quốc gia phương Tây "được hưởng lợi" từ vụ tấn công khủng bố vào nhà hát Crocus City Hall.
Nga cáo buộc Mỹ bao che Ukraine
Ngoài ra, Cơ quan tình báo nước ngoài của Nga (SVR) ngày 1-4 cũng đưa ra báo cáo cho rằng chính quyền Tổng thống Mỹ Biden muốn bóp méo thông tin vụ tấn công và loại bỏ nghi ngờ đối với Ukraine.
Trong thông cáo báo chí, SVR tuyên bố họ đã nhận được thông tin rằng các tổ chức phi chính phủ và phương tiện truyền thông liên quan tới Mỹ đã được giao nhiệm vụ "loại bỏ khỏi cộng đồng quốc tế mọi nghi ngờ về sự liên quan của (Tổng thống Ukraine) Volodymyr Zelensky và đoàn tùy tùng của ông ta trong tội ác này".
Cơ quan tình báo Nga cho rằng Nhà Trắng lo ngại rằng việc phát hiện ra "dấu vết của Kiev" trong vụ tấn công, sẽ cho thấy "bản chất khủng bố của chính quyền Ukraine" và làm chệch hướng nỗ lực của Washington nhằm tăng cường hỗ trợ cho Ukraine.
Theo cáo buộc của Nga, các cơ quan Mỹ đã thuyết phục các đồng minh rằng IS chịu trách nhiệm vụ tấn công, "nhồi nhét" những câu chuyện về việc Nga từ lâu là mục tiêu của những kẻ khủng bố Hồi giáo tìm cách trả thù cuộc chiến ở Chechnya vào đầu những năm 2000.
"Bằng việc tẩy trắng cho chính quyền tội phạm Kiev, (Mỹ) có nguy cơ bị nghi ngờ có liên quan đến khủng bố quốc tế", SVR cảnh báo.
Tờ New York Times cho biết các quan chức Mỹ không chia sẻ với Nga toàn bộ thông tin về kế hoạch khủng bố ở Matxcơva vì sợ bị lộ nguồn tin tình báo.