Ngày 1/4, phiên tòa xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan và 85 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các tổ chức có liên quan, tiếp tục với phần tranh luận.
Trước đó, trong phần thẩm vấn, bị cáo Trương Mỹ Lan khai bản thân không chiếm đoạt tiền của SCB. Ngược lại, bị cáo cho SCB mượn tài sản để tái cơ cấu ngân hàng sau hợp nhất và thực hiện phương án, đề án tái cơ cấu đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phê duyệt.
Tại phiên tòa, vấn đề này cũng được các luật sư bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan đề cập tới.
Tuy nhiên, theo VKS, ngoài các khoản vay theo 5 phương án, đề án thì SCB đã lập nhiều hồ sơ vay vốn khống khác, hợp thức để Trương Mỹ Lan rút tiền sử dụng trái mục đích phương án vay; không quản lý khách hàng, dòng tiền sau vay để thu nợ.
Không chỉ thế, các khoản vay thuộc 5 phương án, các bị cáo cũng không thực hiện đúng phê duyệt, chỉ đạo của NHNN khi lập phương án cho vay khống, sử dụng vốn vay không đúng mục đích, không quản lý dòng tiền sau vay, không thực hiện trả hết nợ cũ và nợ mới theo đề án, phương án tái cơ cấu.
Liên quan đến việc có phải Trương Mỹ Lan cho SCB mượn tài sản để tái cơ cấu hay không. Đại diện VKS khẳng định, Trương Mỹ Lan không cho SCB mượn tài sản mà dùng thủ đoạn đưa tài sản vào để tạo lập khoản vay mới, trả nợ cho các khoản nợ cũ của chính bị cáo và đối tượng liên quan đến bị cáo tại SCB, Ngân hàng Tín Nghĩa từ trước khi hợp nhất.
Về việc bị cáo Trương Mỹ Lan khai đã đưa tài sản gồm các bất động sản, tiền từ nước ngoài chuyển về, người nhà, người thân bị cáo cho bị cáo mượn sổ tiết kiệm để SCB tái cơ cấu, đại diện VKS cho rằng lời khai này là không có căn cứ.
Cụ thể, bị cáo Lan sử dụng SCB như một công cụ tài chính, là nơi cất giữ tiền của mình, khi cần đều có thể lấy ra sử dụng thông qua việc hợp thức hóa hồ sơ vay đề rút tiền mặt.
Đại diện VKS lấy ví dụ, khi Trương Mỹ Lan cần tiền, nữ bị cáo đã chỉ đạo các lãnh đạo SCB, nhân viên dưới quyền hợp thức hồ sơ, rút 108.878 tỷ đồng tiền mặt và hơn 14,7 triệu USD chuyển về nhà riêng của bị cáo để sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau.
Quá trình điều tra, cơ quan điều tra đã kê biên 1.169 tài sản liên quan đến Trương Mỹ Lan. Đây là các tài sản do chính Trương Mỹ Lan thừa nhận là của mình, hoặc nhờ, thuê người đứng tên.
Trong số này, chỉ có khoảng 60 tài sản được bị cáo mua trước năm 2012, còn lại khoảng 1.109/1.169 tài sản bị cáo mua sau năm 2012. Thời điểm hình thành các tài sản trên trùng với thời điểm bị cáo thực hiện các hành vi phạm tội như cáo trạng cáo buộc.
Việc bị cáo Trương Mỹ Lan lấy nguồn tiền từ SCB để mua các bất động sản, đầu tư các dự án bất động sản cũng được các bị cáo Bùi Anh Dũng, Trương Khánh Hoàng, Trần Thị Mỹ Dung khai tại phiên tòa xét xử.
Đối với việc bị cáo Lan khai đã mượn nhiều sổ tiết kiệm của gia đình, người thân đưa vào SCB để cơ cấu khoản vay, VKS khẳng định, kết quả điều tra xác định 9 sổ tiết kiệm trị giá 1.040 tỷ đồng của Ngô Thanh Nhã đứng tên.
Tuy nhiên, nguồn tiền này có nguồn gốc từ SCB khi Trương Mỹ Lan chỉ đạo lập hồ sơ khống đề rút. Ngô Thanh Nhã chỉ là người được nhờ đứng tên các sổ tiết kiệm này, sau đó tiếp tục đưa vào làm tài sản thế chấp cho các khoản vay tại SCB để vay 1.033 tỷ đồng.