Can kiệt nước ngọt ở vùng ngọt hóa Gò Công
Ngày 1.4, PV Báo Thanh Niên ghi nhận thông tin hàng ngàn hộ dân ở 2 huyện Tân Phú Đông và Gò Công Đông (Tiền Giang) đang trong cảnh thiếu nước ngọt sinh hoạt trầm trọng.
Hai huyện này nằm ở cuối tuyến ống cấp nước ngọt sinh hoạt, có trạm bơm đặt tại TP.Mỹ Tho và H.Châu Thành (cách khoảng 60 km). Trong khi đó, nguồn nước ngọt thô trên sông Tiền cấp cho các nhà máy nước đang bị mặn bủa vây. Tình hình này khiến nước sinh hoạt tại nhà dân chảy nhỏ giọt từ hơn 1 tháng qua. Người dân phải xếp hàng ngày đêm tại 60 vòi nước công cộng, do Công ty TNHH MTV cấp nước Tiền Giang mở cấp miễn phí, để hứng từng can nước.
Đại diện lãnh đạo Công ty TNHH MTV cấp nước Tiền Giang cho biết, dù đã điều tiết tối đa, nhưng mỗi ngày cũng chỉ cấp được khoảng 3.000 m3 cho người dân.
Nhiều hộ dân phải thắt chặt chi tiêu, dành tiền mua nước ngọt từ các xe lôi với giá khoảng 250.000 đồng/xe (1 m3). Nếu nhà ở nơi hẻo lánh, xe lôi khó di chuyển tới, người dân phải trả 300.000 đồng/xe.
"Không chỉ thiếu nước ngọt sinh hoạt, 5 con bò cùng với vườn rau và củ cải trắng ở nhà tôi cũng đang thiếu nước trầm trọng. Tôi đã tính đến chuyện bán bò, còn vườn rau thì đã chín rục dưới nắng thiêu đốt nhiều ngày qua. Thiếu nước ngọt quá khổ", anh Nguyễn Văn Út ở H.Gò Công Đông thở dài.
Các kênh, mương nội đồng tại vùng ngọt hóa Gò Công (gồm các huyện Chợ Gạo, Gò Công Tây, Gò Công Đông và TX.Gò Công) của tỉnh Tiền Giang đã trơ đáy từ nhiều tuần qua vì chính quyền cho vận hành các cống ngăn nước mặn. Gia súc thiếu nước uống, vườn rau thiếu nước tưới tiêu, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế gia đình của đa số hộ dân ở vùng đất được ngọt hóa từ hơn 20 năm nay.
Hàng chục ngàn hộ dân ở Long An héo hon vì thiếu nước ngọt
Tình cảnh thiếu nước ngọt sinh hoạt cũng đang xảy ra đối với hàng chục ngàn hộ dân ở toàn bộ xã Tân Tập, một phần xã Phước Vĩnh Tây (H.Cần Giuộc) cùng các xã Tân Phước Tây, Nhựt Ninh, Đức Tân, Bình Trinh Đông (H.Tân Trụ, Long An).
Ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch UBND H.Cần Giuộc, cho biết xã Tân Tập và một phần xã Phước Vĩnh Tây bị thiếu nước ngọt cục bộ từ khoảng 1 tháng qua do địa bàn này nằm cuối nguồn của hệ thống cấp nước. Hiện, chính quyền địa phương yêu cầu người dân chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện chứa nước khi được cấp nước tạm thời và dùng tiết kiệm để vượt qua đợt hạn mặn khốc liệt năm nay.
Ông Đức cho biết thêm, địa phương đang phối hợp với các ngành chức năng tỉnh Long An quan trắc tìm các mạch nước ngầm để đầu tư, sẵn sàng cấp nước ngọt cho dân khi có sự cố xâm nhập mặn. Bên cạnh đó, UBND H.Cần Giuộc cương quyết loại bỏ những nhà đầu tư không có năng lực mà chỉ "xí phần" dự án rồi để đó trong thời gian qua và phân vùng hợp lý hơn đối với các doanh nghiệp đang cấp nước ngọt trên địa bàn.
Để giải quyết tình trạng thiếu nước ngọt sinh hoạt cục bộ tại một số xã trên địa bàn H.Tân Trụ, Phòng NN-PTNT huyện này đang phối hợp với Công ty TNHH môi trường đô thị Long An sử dụng xe bồn chở nước ngọt từ TP.Tân An về cấp miễn phí cho người dân.
Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường tỉnh Long An đã có văn bản trình UBND tỉnh Long An tiến hành quan trắc, khai thác từ các mỏ nước ngầm để tăng công suất tại các trạm cấp nước nông thôn thuộc các xã đang thiếu nước ngọt sinh hoạt ở H.Tân Trụ.
Trao đổi với PV Báo Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng Long An, cho biết nhằm khắc phục tình trạng thiếu nước ngọt vào mùa khô, cuối năm 2023, UBND tỉnh Long An đã cấp chủ trương đầu tư trạm bơm tăng áp 30.000 m3/ngày đêm cho Công ty CP cấp nước Biwase đã có để đảm bảo lưu lượng, áp lực cấp cho khu vực Cần Đước, Cần Giuộc. Sở Xây dựng cũng đã cấp giấy phép xây dựng trạm bơm cho dự án này tại xã Mỹ Lệ, H.Cần Đước hồi tháng 1. Chủ đầu tư đang triển khai xây dựng.
Ngoài ra, theo chỉ đạo của UBND tỉnh Long An, Sở TN-MT đang xem xét gia hạn khai thác nước ngầm cho một số đơn vị cấp nước (Công ty đô thị Bến Lức, Công ty Hoàng Long, Công ty Hà Lan...) khi nguồn nước mặt đầu vào của các đơn vị này chưa đảm bảo đáp ứng.