Ngày 1-4, một ngày sau khi cuộc đàm phán bắt đầu tại Cairo (Ai Cập), quân đội Israel thông báo đã hoàn tất chiến dịch quân sự tại khu vực Bệnh viện Al Shifa ở thành phố Gaza thuộc Dải Gaza.
Sau hai tuần chiến sự, vùng đất này giờ đây chỉ còn lại những tòa nhà đổ nát và thi thể người Palestine nằm rải rác, theo mô tả từ các nhân chứng của Hãng tin Reuters.
Sức ép lên Thủ tướng Netanyahu
"Không thể tiếp tục như thế này được nữa" là lời kêu gọi của lãnh đạo phe đối lập tại Israel Yair Lapid trước đám đông biểu tình ở Jerusalem vào ngày 31-3. Đáp lại, những người biểu tình hét lớn một thông điệp đến Thủ tướng Benjamin Netanyahu: "Bầu cử ngay lập tức".
Sau giai đoạn ủng hộ mạnh mẽ, niềm tin vào chính phủ của ông Netanyahu đang dần cạn kiệt khi các cuộc đàm phán với Hamas để thả con tin tiếp tục bế tắc.
Cuộc biểu tình hôm 31-3 chỉ là khởi đầu của đợt biểu tình dự kiến kéo dài 4 ngày nhằm tăng sức ép từ chức lên ông Netanyahu và chính phủ của ông. Những người tham gia biểu tình kêu gọi tổ chức bầu cử sớm để các nhà lãnh đạo mới của Israel đồng ý với Hamas về một thỏa thuận trao trả con tin. Bởi theo họ, ông Netanyahu đang là trở ngại chính cho những cuộc đàm phán, rằng ông đang đặt lợi ích chính trị cá nhân lên trên lợi ích đất nước và nhân dân.
Theo Đài CNN, đợt biểu tình từ ngày 31-3 có quy mô lớn nhất kể từ khi xung đột Israel - Hamas bùng nổ vào tháng 10-2023. Sức ép không chỉ đến từ trong nước mà còn từ quốc tế, trong đó có nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc yêu cầu Israel và Hamas ngừng bắn ngay lập tức. Nhiều cuộc biểu tình ở nhiều quốc gia để bày tỏ sự đoàn kết với người Palestine đã diễn ra, trong đó có Mỹ.
Nhưng Thủ tướng Netanyahu dường như vẫn không xoay chuyển quan điểm. Trong bình luận trước khi phẫu thuật thoát vị bẹn vào ngày 31-3, nhà lãnh đạo 75 tuổi đã từ chối lời kêu gọi bầu cử sớm, nói rằng điều đó sẽ làm suy yếu nỗ lực tiêu diệt Hamas.
Ông cũng nhắc lại cam kết của mình về một cuộc tấn công trên bộ ở thành phố Rafah phía nam Gaza, khẳng định bất kỳ sự chậm trễ nào của chiến dịch tại Rafah không liên quan gì đến áp lực của Mỹ hay tháng lễ Ramadan.
Những tín hiệu tích cực yếu ớt
Các nước trung gian như Mỹ, Ai Cập và Qatar đã hy vọng sẽ có một lệnh ngừng bắn lâu dài giữa Israel với Hamas trước tháng Ramadan bắt đầu. Nhưng nửa tháng lễ quan trọng của người Hồi giáo đã trôi qua mà lệnh ngừng bắn vẫn chưa đạt được.
Việc đàm phán ở Doha (Qatar) đổ bể khi Israel rút các quan chức về nước càng làm tăng nghi ngờ về mức độ khả thi của một lệnh ngừng bắn. Tuy nhiên, vào cuối tuần trước, Thủ tướng Netanyahu đã đồng ý cử các nhà đàm phán đến Cairo, làm hồi sinh các hy vọng Israel sẽ ngừng bắn 6 tuần ở Dải Gaza để đổi lấy 40 trong số 130 con tin trong tay Hamas.
Về phía Hamas, lực lượng này vẫn chưa trực tiếp tham gia cuộc đàm phán với Israel tại Cairo. Theo Reuters, nhóm này tuyên bố sẽ đưa ra quyết định sau khi nghe kết quả từ những cuộc gặp giữa Israel với các nhà hòa giải trung gian của Ai Cập.
Không loại trừ Hamas và Israel sẽ lại tiếp tục đàm phán gián tiếp, thông qua các nước trung gian để chuyển tải mong muốn. Điều đó sẽ khiến việc đạt được thỏa hiệp mất nhiều thời gian hơn dự kiến, nhưng nó được cho là cách tốt nhất để ngăn cả Israel và Hamas rơi vào những cuộc đấu khẩu không kiểm soát nếu gặp trực tiếp.
Cho đến nay vẫn chưa rõ nội dung cuộc gặp tại Cairo cũng như Tel Aviv nêu yêu cầu gì với Hamas lần này. Tuy nhiên, Thủ tướng Netanyahu đã nêu rõ lập trường không nhượng bộ trước Hamas.
Trong cuộc họp báo hôm 31-3, ông tiết lộ nhóm này đang yêu cầu người dân Palestine phải được tự do trở về nơi ở của họ tại phía bắc Dải Gaza. Nếu chấp nhận điều này, theo ông Netanyahu, trong dòng người đó có cả những tay súng Hamas và nó sẽ gây ra tác động an ninh đến Israel.
Việc nhượng bộ, cũng theo thủ tướng Israel, sẽ chỉ khiến đường về của những con tin trong tay Hamas ngày càng xa bởi nhóm này sẽ "được voi đòi tiên".
Có thể thấy cả Israel và Hamas đều mong muốn đàm phán, đạt được thỏa thuận để giải quyết những khó khăn hiện tại. Tuy nhiên, cả hai lại hướng tới một kết cục khác nhau. Hamas hẳn nhiên muốn tiếp tục hiện diện và nắm quyền tại Dải Gaza, trong khi Israel đã thề sẽ tiêu diệt nhóm này.
Nếu Tel Aviv ngừng bắn, chấp nhận đổi lấy con tin, Thủ tướng Netanyahu có thể xoa dịu được sự tức giận trong nước nhưng ông sẽ bị chỉ trích là chịu sức ép từ Mỹ và quốc tế. Đó là còn chưa kể Israel sẽ không thể tiêu diệt hoàn toàn Hamas, theo một số nhà quan sát, bởi lẽ nhóm này đã phát triển thành một lý tưởng trong đầu những người Palestine ở Dải Gaza.
Trong bối cảnh đó, cách tiếp cận của chính quyền Netanyahu hiện tại đang được hiểu là tranh thủ tối đa thời gian để triệt tiêu càng nhiều càng tốt sức mạnh của Hamas, biến đó thành đòn bẩy trên bàn đàm phán. Chỉ có điều chiến sự càng kéo dài thì người dân Palestine càng khổ và sức ép với Israel càng nhiều trên thế giới.
Chiến dịch của Israel ở Dải Gaza đang kéo dài, và các đồng minh của nước này đang ngày càng lo ngại về hành vi cũng như tính hợp pháp của cuộc chiến.