Theo kế hoạch vay, trả nợ công 2024 được Phó thủ tướng Lê Minh Khái ký hôm 1/4, năm nay, Chính phủ vay tối đa 676.057 tỷ đồng. Mức này tăng hơn 31.600 tỷ đồng so với 2023.
98% khoản vay sẽ dùng để cân đối ngân sách trung ương (659.934 tỷ đồng), cho vay lại khoảng 16.123 tỷ. Nguồn huy động chủ yếu từ phát hành trái phiếu Chính phủ, vay ODA, ưu đãi nước ngoài.
Về trả nợ, Chính phủ trả khoảng 453.990 tỷ đồng, tăng hơn 126.700 tỷ so với năm ngoái. Trong đó, nợ trực tiếp của Chính phủ 395.874 tỷ, các dự án cho vay lại khoảng 58.116 tỷ đồng.
Năm 2023, các chỉ tiêu nợ của Việt Nam đều trong giới hạn an toàn được Quốc hội phê duyệt. Nợ công đến cuối năm ngoái khoảng 37% GDP (hơn 3,8 triệu tỷ đồng), thấp hơn nhiều mức trần 60% Quốc hội đề ra. Cùng đó, nợ Chính phủ khoảng 34% GDP, thấp 16% so với mức trần được cho phép (50%).
Năm nay, chính quyền địa phương sẽ vay 30.619 tỷ và trả nợ 6.993 tỷ đồng. Trong đó, hạn mức tối đa với khoản vay thương mại nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh (tức doanh nghiệp tự vay tự trả) là 6,9 tỷ USD (tương đương gần 170.000 tỷ đồng, theo tỷ giá ngày 2/4).
Riêng với các khoản doanh nghiệp tự vay tự trả ngắn hạn (dưới 12 tháng), Chính phủ lưu ý, chỉ được tăng tối đa 18-20% so với cuối năm 2023. Trường hợp vượt giới hạn này, Bộ Tài chính trình Thủ tướng điều chỉnh kế hoạch.
Cũng theo quyết định này, tổng mức vay 3 năm tới (2024-2026) là hơn 1,8 triệu tỷ đồng. 98% trong số này cho ngân sách trung ương, còn lại là vay về cho vay lại.
Số nợ phải trả ba năm tới hơn 1,1 triệu tỷ đồng, Tổng trả nợ Chính phủ 3 năm tới hơn 1,1 triệu tỷ đồng, gồm 89% trả nợ trực tiếp và 11% nợ vay lại. Chính phủ đảm bảo các khoản vay được cấp bảo lãnh nằm trong hạn mức đã phê duyệt, mức rút vốn không vượt quá nghĩa vụ trả nợ gốc trong năm.
Phương Dung