Sáng 2/4, mỗi thùng dầu Brent tăng 0,4%, lên 87,8 USD. Dầu WTI cũng có giá mới 84 USD một thùng. Đây là mức giá cao nhất từ cuối tháng 10/2023.
Trước đó, giá Brent và WTI đều tăng 1% chốt phiên 1/4. Nguyên nhân là nhà đầu tư dự báo kinh tế Mỹ và Trung Quốc khởi sắc, kéo nhu cầu dầu lên cao. Chẳng hạn, tại Mỹ, chỉ số sản xuất tháng 3 lần đầu tăng trong 1,5 năm qua.
Tuần trước, Bộ Thương mại Mỹ công bố số liệu cho thấy chỉ số tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát ưa thích của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) - chậm lại trong tháng 2. Trong đó, chi phí năng lượng và nhà ở giảm đáng kể. Phần lớn nhà phân tích cho rằng việc PCE chậm lại sẽ giúp duy trì khả năng Fed hạ lãi suất tháng 6. Điều này sẽ thúc đẩy kinh tế và tăng nhu cầu dầu.
Tại Trung Quốc, chỉ số sản xuất tháng 3 cũng tăng trở lại. Nước này hiện là quốc gia nhập dầu thô lớn nhất thế giới. "Nhu cầu dầu từ Trung Quốc là yếu tố lớn duy nhất, trừ biến động địa chính trị, có khả năng kéo nhiên liệu lên mức cao mới. Tiêu thụ dầu phục hồi và sử dụng xăng mùa hè tăng cao, có thể kéo giá lên 100 USD một thùng", Bob Yawger - Giám đốc Hợp đồng phái sinh năng lượng tại Mizuho dự báo.
Tương tự, nhu cầu dầu tại châu Âu tăng mạnh hơn dự kiến, đạt 100.000 thùng một ngày trong tháng 2, theo số liệu của Goldman Sachs. Điều này trái ngược dự báo của giới phân tích, rằng tiêu dùng dầu tại khu vực này giảm 200.000 thùng mỗi ngày trong năm nay.
Trong khi cầu tăng, nguồn cung dầu thắt chặt do Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) giảm sản lượng. Theo nguồn tin của Reuters, Arab Saudi - nước xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới - có thể nâng giá bán chính thức loại dầu Arab Light trong tháng 5.
Các hãng dầu của Nga sẽ giảm sản lượng, thay vì hạ xuất khẩu trong quý II. Việc này nhằm tuân thủ cam kết giảm sản lượng của OPEC+. Những vụ tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine vào nhà máy lọc dầu Nga cũng khiến công suất lọc dầu của Moskva giảm sút.
Hà Thu (theo Reuters)