Theo đó, kế hoạch vay của Chính phủ tối đa 676.057 tỉ đồng, gồm vay cho cân đối ngân sách trung ương 659.934 tỉ đồng.
Khoản này sẽ được sử dụng để bù đắp bội chi ngân sách trung ương tối đa là 372.900 tỉ đồng, vay để trả nợ gốc không quá 287.034 tỉ đồng; vay về cho vay lại: khoảng 16.123 tỉ đồng.
Các nguồn vay nợ sẽ huy động linh hoạt
Nguồn vay này sẽ được huy động linh hoạt từ phát hành trái phiếu Chính phủ; vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài. Trong trường hợp cần thiết sẽ vay từ các nguồn tài chính hợp pháp khác.
Trả nợ của Chính phủ khoảng 453.990 tỉ đồng, trong đó trả nợ trực tiếp của Chính phủ không quá 395.874 tỉ đồng, trả nợ của các dự án cho vay lại khoảng 58.116 tỉ đồng.
Đối với bảo lãnh cho doanh nghiệp vay trong nước và ngoài nước, không bố trí hạn mức bảo lãnh Chính phủ năm 2024 do các dự án không có nhu cầu rút vốn, chỉ trả nợ.
Quyết định nêu rõ vay từ nguồn vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ và các nguồn vay khác khoảng 30.619 tỉ đồng.
Trả nợ của chính quyền địa phương khoảng 6.993 tỉ đồng, gồm chi trả gốc khoảng 4.119 tỉ đồng và chi trả lãi khoảng 2.874 tỉ đồng.
Đối với giai đoạn 2024 - 2026, các khoản vay được phê duyệt tối đa khoảng 1,862 triệu tỉ đồng. Gồm có vay cho ngân sách trung ương khoảng 1,818 triệu tỉ đồng; vay về cho vay lại khoảng 43.900 tỉ đồng.
Tổng trả nợ của Chính phủ giai đoạn 2024 - 2026 tối đa 1,102 triệu tỉ đồng. Bao gồm trả nợ trực tiếp khoảng 976.400 tỉ đồng, trả nợ vay lại khoảng 126.400 tỉ đồng.
Chủ động bố trí nguồn thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ, không để xảy ra tình trạng nợ quá hạn, làm ảnh hưởng đến các cam kết quốc tế của Chính phủ.
Quyết định được phê duyệt nêu ra mục tiêu kiểm soát chặt chẽ cấp bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay trong phạm vi hạn mức bảo lãnh, mức rút vốn không vượt quá nghĩa vụ trả nợ gốc trong năm.
Ưu tiên vốn cho dự án hạ tầng, chuyển đổi số
Về vay, trả nợ của chính quyền địa phương, sẽ khống chế hạn mức bội chi và nợ của chính quyền địa phương theo quy định.
Để đảm bảo các mục tiêu trên, Thủ tướng giao Bộ Tài chính kiểm soát chặt chẽ bội chi, mức vay nợ của ngân sách địa phương, tỉ lệ nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ. Nghiên cứu phương thức huy động vốn vay mới.
Trong đó lưu ý là cần đảm bảo huy động đủ vốn vay cho đầu tư phát triển, đáp ứng các dự án lớn về hạ tầng giao thông, chống biến đổi khí hậu, cam kết phát thải ròng về 0, chuyển đổi số đồng thời kiểm soát nợ công, nợ nước ngoài quốc gia trong giới hạn trần, ngưỡng cảnh báo giai đoạn 2021 - 2025 và giai đoạn tiếp theo.
Bộ Tài chính chủ động trong phát hành trái phiếu Chính phủ theo nhu cầu và khả năng hấp thụ của thị trường, đảm bảo đáp ứng nhu cầu vốn của ngân sách trung ương với lãi suất phù hợp điều kiện thị trường. Phát hành đa dạng các loại kỳ hạn trái phiếu Chính phủ, đảm bảo kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ bình quân theo mục tiêu đề ra của Quốc hội.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện hạn mức nợ nước ngoài tự vay tự trả của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh. Chủ trì quản lý nợ nước ngoài của khu vực tư nhân và chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng trong trường hợp diễn biến tiêu cực.
TTO - Mức bội chi ngân sách năm 2020 sau quyết toán là hơn 216.405 tỉ đồng (gần 9,3 tỉ USD), tương đương 3,44% GDP theo nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách năm 2020 vừa được Quốc hội thông qua.