Suy thận thường diễn tiến âm thầm, nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ nhanh chóng biến chứng suy thận giai đoạn cuối. Lúc này, bệnh nhân buộc phải lọc máu hoặc ghép thận.
Nguyên nhân khiến suy thận trẻ hóa
Theo thống kê, ước tính mỗi năm Việt Nam có thêm 8.000 người bị suy thận, trong đó có nhiều bệnh nhân dưới 30 tuổi. Hiện có khoảng 800.000 bệnh nhân cần phải chạy thận lọc máu và hàng ngàn người bệnh chờ ghép thận.
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 31-3, bác sĩ CKI Nguyễn Thanh Hoàng, trưởng khoa nội thận - lọc máu Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn (TP.HCM), cho biết hiện khoa đang quản lý và theo dõi điều trị cho 114 bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối, trong đó có nhiều người trẻ.
Mỗi tuần, các bệnh nhân này phải đến khoa chạy thận lọc máu 3 lần với thời gian lọc máu kéo dài từ 3,5 - 4 tiếng đồng hồ/ca.
Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, theo thống kê của khoa thận nhân tạo, từ đầu năm đến giữa tháng 3-2024, khoa đã tiếp nhận 450 bệnh nhân lọc máu chạy thận định kỳ, trong đó có gần 60 người tuổi dưới 35 - chiếm 15%.
Với nhiều năm kinh nghiệm làm việc và điều trị bệnh nhân suy thận, bác sĩ Hoàng cho biết ngày càng có nhiều người mắc suy thận mạn giai đoạn cuối và trẻ hóa số lượng. Dự báo số lượng người mắc suy thận mạn tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Theo ông Dương Đức Hùng - giám đốc Bệnh viện Việt Đức, bệnh suy thận đang trẻ hóa do người trẻ là đối tượng tiếp xúc với nhiều nguy cơ mắc bệnh hơn.
Người trẻ có thể tiếp xúc với môi trường lao động độc hại, ăn các loại thực phẩm không an toàn hoặc lạm dụng rượu bia...
Bên cạnh đó, hiện vẫn còn tình trạng người dân khi phát hiện suy thận không theo phác đồ điều trị của bác sĩ mà tự uống thuốc dân gian không rõ nguồn gốc dẫn đến bệnh chuyển nặng.
Hàng ngàn người chờ ghép thận
Theo thống kê của Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, tính đến ngày 31-3, cả nước có gần 5.000 người trong danh sách chờ ghép thận. Các chuyên gia cho hay đa số bệnh nhân có các bệnh đồng mắc và tăng nguy cơ mắc các biến chứng nguy hiểm như suy tim, suy thận...
Ghép thận là biện pháp cho giai đoạn cuối cùng khi không còn phương pháp điều trị.
Tại Bệnh viện Việt Đức (đơn vị đi đầu trong lĩnh vực lấy ghép tạng) đến nay đã thực hiện ghép thận cho 1.800 bệnh nhân. TS Nguyễn Thế Cường - khoa thận lọc máu Bệnh viện Việt Đức - cho hay trong số các bệnh nhân ghép thận có 33% là nữ và nam là 67%, chủ yếu độ tuổi ghép thận từ 27 - 60 tuổi.
Hiện nay, kỹ thuật lấy - ghép thận cũng ngày càng phát triển, các bệnh viện đã thực hiện lấy thận ghép bằng kỹ thuật nội soi, giúp người hiến tạng sống hồi phục tốt sau khi hiến tạng", bác sĩ Cường chia sẻ.
Mặc dù kỹ thuật ghép thận phát triển đã giúp người bệnh kéo dài sự sống, tuy nhiên bác sĩ Cường nhận định hiện nay nguồn hiến ghép tạng nói chung và nguồn hiến thận nói riêng chủ yếu vẫn là người cho sống.
Người hiến thận là người sống sau khi hiến đòi hỏi theo dõi chăm sóc sức khỏe, ít nhiều gây ảnh hưởng đến cuộc sống.
Cách nào tránh suy thận?
Theo bác sĩ Hoàng, gánh nặng suy thận mạn giai đoạn cuối rất lớn, buộc người bệnh lọc máu suốt đời.
"Còn việc ghép thận thì chi phí rất cao, đặc biệt phải tìm được nguồn cho quả thận thích hợp để ghép. Sau khi ghép thận xong, người bệnh cũng phải uống thuốc suốt đời với giá thành cao. Nhiều trường hợp ghép thận chỉ được vài năm, sau đó quả thận này cũng bị hư", bác sĩ Hoàng chia sẻ.
Để phòng tránh bệnh suy thận, bác sĩ Hoàng khuyến cáo mỗi người cần duy trì lối sống lành mạnh bằng cách cụ thể như ăn ít muối, uống đủ nước (2 lít/ngày), tăng cường vận động, có chế độ dinh dưỡng cân bằng giữa đạm động vật và đạm thực vật.
Ngoài ra, người bệnh không tự ý dùng thuốc giảm đau và thuốc không có nguồn gốc, thường xuyên kiểm tra huyết áp, kiểm tra đường huyết, kiểm tra chức năng thận (nếu có các yếu tố nguy cơ đái tháo đường, tăng huyết áp, béo phì...)...
Nguyên nhân khiến nhiều người trẻ mắc bệnh suy thận?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Dương Đức Hùng, giám đốc Bệnh viện Việt Đức, cho hay suy thận có hai nhóm nguyên nhân chính là suy thận bẩm sinh và do mắc phải.
"Trước đây, suy thận do mắc phải thường do nhiễm khuẩn như viêm thận do liên cầu. Hiện nay, với sự phát triển của kháng sinh, nguyên nhân suy thận do viêm đã giảm đi. Tuy nhiên, một nguyên nhân khác cực kỳ nguy hiểm gây suy thận hiện nay đó là thực phẩm.
Hiện nhiều thực phẩm sử dụng quá nhiều hóa chất độc hại để bảo quản. Về nguyên lý, các chất khi đưa vào cơ thể đều được chuyển hóa, đào thải qua gan và thận.
Chính vì vậy, những thực phẩm này gây ảnh hưởng đến chức năng gan, thận đầu tiên", ông Hùng nói.
Lý giải bệnh suy thận gia tăng ở người trẻ, bác sĩ Hoàng cũng nêu ra các nguyên nhân chủ yếu là do lối sống lười vận động, chế độ ăn uống không khoa học, dễ dẫn đến mắc bệnh cao huyết áp, đái tháo đường và hư thận.
Bên cạnh đó, việc dùng những thuốc mà không biết tác dụng phụ của chúng tác động xấu đến thận, không khám sức khỏe định kỳ hằng năm, khiến nhiều người mắc bệnh thận giai đoạn nặng mà không biết.
"Bệnh suy thận diễn tiến âm thầm, thường không có triệu chứng nào điển hình báo hiệu khi bệnh ở giai đoạn 1, 2 và 3. Chỉ đến khi chúng ta bước sang giai đoạn 4 thì mới có triệu chứng nhưng cũng còn rất mơ hồ. Nhiều người chỉ phát hiện khi ở giai đoạn cuối", bác sĩ Hoàng cảnh báo.
Thường xuyên uống thuốc kháng viêm chứa corticoid, nữ bệnh nhân 58 tuổi bị suy tuyến thượng thận cấp, nhiễm trùng nặng. Bệnh viện Nội tiết trung ương cảnh báo việc dùng corticoid phải có chỉ định và giám sát bởi bác sĩ chuyên môn.