Truy tố Trương Mỹ Lan tham ô tài sản là đúng
Ngày 2/4, TAND Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phiên tòa xét xử Trương Mỹ Lan và 85 đồng phạm, liên quan đến các sai phạm xảy ra tại tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị liên quan.
Tại phiên tòa hôm qua, ngày (1/4), đại diện VKS đã đối đáp 8 nhóm vấn đề chính, trong đó tập trung vào nhóm bị cáo được dư luận chú ý.
Đại diện VKS bác bỏ hầu hết các quan điểm bào chữa của các luật sư cho bị cáo Trương Mỹ Lan. Cụ thể, VKS cho rằng dù Trương Mỹ Lan không nắm cổ phần lớn theo sổ sách tại SCB, nhưng là người chi phối toàn bộ hoạt động của ngân hàng này. Và bất cứ lúc nào cần tiền, Trương Mỹ Lan đều có thể chỉ đạo cấp dưới tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, SCB để lập hồ sơ khống nhằm rút tiền từ SCB để Lan sử dụng vào các mục đích khác nhau.
Bên cạnh đó, VKS cũng bác bỏ lời khai của bị cáo Trương Mỹ Lan về việc bị cáo nói đã cho SCB mượn tài sản để tái cơ cấu. Lập luận, VKS cho rằng các bất động sản của Trương Mỹ Lan hoặc do bị cáo này nhờ, thuê người đứng tên đều có nguồn gốc là lấy tiền từ SCB để mua. Ngay cả 9 sổ tiết kiệm có giá trị trên 1.000 tỷ đồng do Trương Mỹ Lan nhờ Ngô Thanh Nhã đứng tên cũng có nguồn gốc dòng tiền từ SCB.
Về lập luận của luật sư liên quan đến chứng thư thẩm định giá của Công ty thẩm định giá Hoàng Quân và việc xác định lại thiệt hại thực tế của vụ án, đại diện VKS cho rằng, bị cáo Trương Mỹ Lan đã sử dụng SCB như một công cụ tài chính để phục vụ cho việc rút tiền của ngân hàng, phục vụ cho các mục đích khác nhau của bị cáo.
Việc bị cáo Trương Mỹ Lan dùng tài sản bảo đảm cho các khoản vay là phương thức, thủ đoạn nhằm hợp thức hóa hồ sơ đề bị cáo Lan rút tiền từ SCB. Thực chất, các tài sản bảo đảm này có thể được hoán đổi, rút ra bất cứ lúc nào bị cáo muốn. Có nhiều tài sản bảo đảm được sử dụng thay thế, có giá trị thấp hơn khoản vay của bị cáo Lan tại SCB.
Quá trình điều tra, truy tố, cơ quan tố tụng căn cứ, áp dụng nhiều biện pháp nhằm xác định thiệt hại của vụ án, không phải chỉ riêng việc trưng cầu giám định thiệt hại trong tố tụng hình sự như quan điểm của các luật sư.
Do đó, VKS không chỉ căn cứ vào kết quả thẩm định giá của Công ty thẩm định giá Hoàng Quân để xác định hậu quả vụ án, mà căn cứ vào nhiều biện pháp điều tra khác.
Căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu thu thập được có cơ sở xác định bị cáo Trương Mỹ Lan đã gây thiệt hại hơn 677.000 tỷ đồng.
Về nội dung truy tố bị cáo Trương Mỹ Lan tội Tham ô tài sản, đại diện VKS cho rằng, về bản chất, bị cáo Trương Mỹ Lan đã vi phạm các quy định về ngân hàng kể từ khi bị cáo này chi phối, lũng đoạn SCB từ năm 2012.
Đến ngày 1/1/2018, khi pháp luật quy định tội tham ô tài sản áp dụng với các tổ chức doanh nghiệp ngoài nhà nước, căn cứ vào tính chất, hành vi của Trương Mỹ Lan thực hiện tại SCB có đủ yếu tố xác định hành vi của Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã cấu thành tội tham ô.
Đồng thời, đại diện VKS cho rằng, bị cáo Trương Mỹ Lan và các đồng phạm thực hiện hành vi phạm tội xuyên suốt, có tổ chức.
Tự bào chữa cho mình, bị cáo Lan nói không quanh co, chối tội và nhận thức sai phạm của bản thân, ảnh hưởng của bản thân tại SCB. Từ đó, bị cáo Lan xin HĐXX giảm nhẹ mức hình phạt cho các bị cáo tại SCB hoặc có liên quan đến SCB và các bị cáo tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Một lần nữa, bị cáo Trương Mỹ Lan tái khẳng định bản thân không giữ các chức vụ, quyền hạn tại SCB như cáo buộc và đề nghị được xem xét lại cáo buộc bị cáo hành vi tham ô tài sản.
Ngoài ra, bị cáo Trương Mỹ Lan mong được định giá lại toàn bộ tài sản bị kê biên vì Công ty định giá Hoàng Quân đã định giá quá thấp các mã tài sản đang bị kê biên.
Bị cáo Trương Mỹ Lan cũng xin HĐXX giảm nhẹ hình phạt của chồng là ông Chu lập Cơ, cháu gái Trương Huệ Vân và xin chịu trách nhiệm với các cấp dưới và những bị cáo tại SCB. Trương Mỹ Lan mong HĐXX xem xét vì “họ đã khổ lắm rồi”.
VKS bác bỏ các quan điểm của luật sư liên quan đến sai phạm của các cựu thanh tra NHNN
Cũng tại phiên tranh luận, đại diện VKS còn bác bỏ nhiều lập luận của luật sư bào chữa cho bị cáo Đỗ Thị Nhàn, cựu Trưởng đoàn thanh tra tại SCB và khẳng định việc truy tố bị cáo Nhàn về hành vi nhận hối lộ 5,2 triệu USD từ Trương Mỹ Lan là đúng người, đúng tội, không oan sai.
Theo VKS, bị cáo Nhàn là Trưởng đoàn thanh tra, biết rõ các sai phạm, tình hình tài chính rất xấu của SCB, đủ điều kiện đưa vào diện kiểm soát đặc biệt và chuyển sai phạm sang cơ quan điều tra. Tuy nhiên, Đỗ Thị Nhàn đã lợi dụng sai phạm này để gặp Trương Mỹ Lan để thông báo cho Lan biết tình hình, hướng dẫn bị cáo Lan cách thức đối phó và đồng ý không xử lý đối với SCB.
Sau đó, thông qua Võ Tấn Hoàng Văn, bị cáo Đỗ Thị Nhàn đã 4 lần nhận tổng cộng 5,2 triệu USD để làm sai lệch số liệu thanh tra, bưng bít sai phạm của SCB. Hành vi của bị cáo Nhàn đã cấu thành tội Nhận hối lộ.
Đối với bị cáo Nguyễn Văn Hưng, bị cáo là Phó Chánh thanh tra, là người ra quyết định thanh tra, người trực tiếp chỉ đạo bị cáo Đỗ Thị Nhàn và có trách nhiệm báo cáo kết quả thanh tra.
Bị cáo Hưng biết rõ tình hình tài chính tại SCB, không đủ điều kiện tái cơ cấu và phải đưa vào diện kiểm soát đặc biệt... nhưng bị cáo Hưng lại chỉ đạo bị cáo Nhàn, tổ tổng hợp báo cáo không đầy đủ, bỏ ngoài dự thảo kết luận thanh tra những kiến nghị phân loại nợ xấu.
Bị cáo Hưng còn chỉ đạo đoàn thanh tra chỉnh sửa, hoàn thiện và đưa vào nội dung không trung thực, không đúng với kết quả thanh tra, dẫn đến kết luận thanh tra bị sai lệch.
Bị cáo Hưng đã nhiều lần nhận tiền, lợi ích vật chất từ SCB với tổng giá trị lên đến 390.000 USD để chỉ đạo làm trái công vụ, là có tính vụ lợi.
Do đó, VKS căn cứ vai trò, vị trí, nhiệm vụ để truy tố bị cáo Hưng tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, với vai trò cầm đầu là đúng người, đúng tội và có căn cứ.