Nguồn tin của Tuổi Trẻ Online cho biết ông Trần Mai Hạnh mất khi đang trên đường cùng em trai đi thăm lại chiến trường xưa và những người bạn cũ.
Nhà báo Trần Mai Hạnh sinh ngày 1-1-1943 tại TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương.
Ông tốt nghiệp Đại học Tổng hợp văn (nay là khoa văn Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội) rồi làm báo tại Thông tấn xã Việt Nam.
Ông là nhà báo của Thông tấn xã có mặt vào trưa ngày 30-4-1975 tại dinh Độc Lập.
Năm 1996 ông được bổ nhiệm làm tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, được bầu làm ủy viên Trung ương Đảng hai khóa VIII và IX.
Ông cũng được bầu là đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa X.
Nhưng đến năm 2003, trong vụ án Năm Cam, ông Trần Mai Hạnh bị buộc tội nhận hối lộ và làm lộ bí mật để chạy tội cho Năm Cam. Ông bị tước tất cả chức vụ.
Lúc đó ông đang đảm nhiệm vai trò phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hội Nhà báo Việt Nam, tổng biên tập báo Nhà Báo & Công Luận.
Trong phiên phúc thẩm của vụ án Năm Cam, ông bị tuyên án 9 năm tù. Tuy nhiên ông được đặc xá ngày 2-9-2005, sau 2 năm thụ án.
Sau khi ra tù, ông vẫn tiếp tục viết báo và viết văn.
Ông Trần Mai Hạnh có một số tác phẩm như: Nắng Thu Bồn, Tình yêu và án tử hình, Sụp đổ và tự thú (1985), Ngày tận thế, Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 (2017), A war account 1-2-3-4.75 (phiên bản tiếng Anh của Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75), Lời tựa một tình yêu, Thời tôi sống (2018).
Trong đó, tiểu thuyết Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 được trao giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2014 hạng mục văn xuôi, giải thưởng Văn học ASEAN năm 2015.
Trước đó, ngay từ lúc mới cầm bút sáng tác, ông đã giành được giải thưởng cuộc thi truyện ngắn báo Văn Nghệ 1970 - 1971.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, nhà báo Hồng Thanh Quang cho biết ông có một thời gian được làm báo dưới sự lãnh đạo của nhà báo Trần Mai Hạnh, ông Quang rất kính nể tài làm báo, tài tổ chức và tầm nhìn của nhà báo kỳ cựu này.
TTO - Nhà báo, nhà thơ, nhà dịch thuật Bùi Hạnh Cẩn vừa từ trần hồi 16h45 ngày 4-2, hưởng thọ 102 tuổi.