Để là nơi được nhà đầu tư đặt các nhà máy trung hòa carbon trị giá hàng tỷ USD, thì vấn đề hạ tầng không chỉ là về quỹ đất và kết nối đường sá thuận lợi, mà còn là về hạ tầng xanh và thông minh. Nghĩa là khu công nghiệp phải được đầu tư các hạng mục về năng lượng tái tạo, hay công nghệ chuyển đổi số, để có thể đấu nối, phục vụ nhu cầu nhà đầu tư.
Tập đoàn Gia Định đang trong quá trình làm thủ tục đầu tư 2 cụm công nghiệp xanh, quy mô mỗi cụm 70 hecta. Bắt tay vào làm, điều doanh nghiệp băn khoăn lúng túng nhất là thủ tục cho các hạng mục như hệ thống điện năng lượng mặt trời, hay hệ thống đốt rác lấy điện để phục vụ nhà đầu tư trong cụm.
Ông Nguyễn Chí Trung, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Gia Định đưa ra ý kiến: "Kiến nghị lớn nhất của chúng tôi hiện nay là về vấn đề chính sách. Nhà nước phải có những hướng dẫn chính sách hết sức cụ thể, tiêu chí cụ thể. Bởi vì Việt Nam hiện nay chưa có tiêu chí cụ thể nào về 1 cụm công nghiệp xanh, kinh tế tuần hoàn".
Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài kiến nghị cần sớm ban hành DPPA - cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo và doanh nghiệp sử dụng điện lớn. Đây là yếu tố quan trọng giúp thu hút nhà đầu tư lớn vào những ngành mới như công nghiệp bán dẫn.
"Điện trong nhà máy sản xuất bán dẫn thì yêu cầu của điện đó là phải cấp cực kỳ ổn định và điện rất sạch. Chính vì vậy nhà đầu tư cũng đặt vấn đề là chúng ta phải có nhà máy cung cấp điện trực tiếp cho họ, và hai bên chịu trách nhiệm với nhau về hợp đồng kinh tế. Ổn định, đủ công suất, chất lượng tốt", ông Nguyễn Văn Toàn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư Nước ngoài cho biết.
Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, thách thức hiện nay là cơ chế chính sách liên quan đến tăng trưởng xanh chưa đầy đủ, nằm ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau. Do đó, Bộ đang nghiên cứu, xây dựng chính sách phải đảm bảo tính khả thi và đồng bộ.
Ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ Trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh: "Chúng ta vừa làm, vừa học hỏi vừa nghiên cứu, và phải phù hợp với hoàn cảnh, bối cảnh thực tế của Việt Nam để chúng ta đưa ra được các giải pháp phù hợp. Lồng ghép vào trong các quy hoạch, trong các chiến lược của các ngành. Phải đồng bộ như thế chúng ta mới giải quyết được vấn đề".
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết việc cần làm ngay là có được Bộ Tiêu chí khoa học về phân loại xanh quốc gia. Hiểu nôm na là hệ thống phân loại các ngành kinh tế xanh, để phân biệt được ngành nào 'xanh' hay 'không xanh'. Đây sẽ là hành lang pháp lý để các doanh nghiệp phát triển xanh thuận lợi hơn. Bộ sẽ sớm trình Chính phủ Bộ Tiêu chí này trong thời gian tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.64920803220404202-hnax-idf-ort-oh-hcas-hnihc-gnat-ah-neiht-naoh-mos/et-hnik/nv.vtv