vĐồng tin tức tài chính 365

Thầy Bùi Khánh Thế hướng học trò đi vào khoa học chân chính, liêm chính

2024-04-03 12:05
Giáo sư Bùi Khánh Thế (trái) trao tặng tượng trưng khối di sản tài liệu cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam tháng 4-2017- Ảnh: LAM ĐIỀN

Giáo sư Bùi Khánh Thế (trái) trao tặng tượng trưng khối di sản tài liệu cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam tháng 4-2017- Ảnh: LAM ĐIỀN

Tin thầy Bùi Khánh Thế ra đi, dù tôi đã chuẩn bị tâm thế, vẫn là một điều làm tan vỡ trái tim của tôi. Mọi kỷ niệm ùa về, nghẹt thở - những kỷ niệm đẹp của một cậu học trò mà thầy đã hướng dẫn cả luận văn cao học lẫn tiến sĩ...

Người truyền cảm hứng

Những điều tôi biết về thầy cũng chính là những dấu ấn cho chặng đường phát triển của ngành ngôn ngữ học. Cuộc đời thầy phản ánh một phần lịch sử ngành học này.

Tôi nghe thầy kể, thầy từng đi học ở Nga, thầy làm phiên dịch tiếng Nga trong nhiều năm. Chính thầy - GS.TS.NGND Bùi Khánh Thế - là một trong những người có công lớn trong việc xây dựng ngành ngôn ngữ học ở Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM.

Về sau thầy chuyển sang công tác ở Trường đại học Ngoại ngữ - Tin học (HUFLIT) nhưng vẫn luôn gắn bó với Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn và luôn có những đóng góp đặc biệt ở góc độ khoa học và đào tạo.

Trong ký ức loang loáng đó về quá khứ, khi tôi nghe tin thầy ra đi, có những điều làm tôi nhớ lại tức thì. Đó là cách thầy luôn truyền cảm hứng cho tôi (cho chúng tôi - vì thầy hướng dẫn rất nhiều học trò, thậm chí tôi được cùng thầy hướng dẫn học trò khác), mỗi khi tôi gặp khó khăn trong nghiên cứu.

Thầy luôn kiên nhẫn và tận tâm, luôn khuyến khích chúng tôi đi đúng vào con đường khoa học chân chính và liêm chính. Những buổi hướng dẫn của thầy, trước và sau những chuyến điền dã, không chỉ đơn giản là trao đổi thông tin, mà còn là những cuộc trò chuyện sâu sắc, về khoa học, về tình người, về cuộc đời.

Chỉ nhận món quà duy nhất: hai ly kem

Chúng ta có thể nhìn vào các công trình, công bố thầy Bùi Khánh Thế để thấy thầy đã đóng góp như thế nào cho ngành ngôn ngữ học ở Việt Nam. Có thể thấy thầy là người đi tiên phong trong các nghiên cứu về tiếp xúc ngôn ngữ - mà sau này chính thầy đã đề xuất cách gọi ngôn ngữ học tiếp xúc và thể hiện nó trong tuyển tập các nghiên cứu của mình về vấn đề này.

Hàng loạt nghiên cứu khác của thầy, đặc biệt là về song ngữ, về giáo dục ngôn ngữ... có tính chất dẫn đường cho các nghiên cứu theo các hướng này ở Việt Nam.

Không chỉ là thầy hướng dẫn, với tôi, thầy còn là một người bạn đồng hành đáng tin cậy trong cuộc sống. Những lúc tâm trạng tôi không tốt, những khó khăn về gia đình, thầy luôn sẵn lòng lắng nghe và chia sẻ. Những lời khuyên và sự ủng hộ của thầy đã giúp tôi vượt qua những thử thách và khó khăn trong hành trình cuộc sống.

Sự ra đi của thầy là một mất mát lớn đối với cộng đồng ngôn ngữ học, nhưng những kỷ niệm về thầy sẽ mãi mãi sống trong trái tim của những người học trò may mắn được gặp thầy - trong đó có tôi. Thầy ra đi đúng với quy luật của cuộc sống, của vạn vật, nhưng những điều thầy để lại, theo tôi là mãi mãi.

Dù gần đây, biết chuyện này rồi cũng sẽ đến, nhưng tôi vẫn không khỏi cảm thấy tủi thân khi nghĩ lại mình sẽ không có cơ hội mua hai ly kem lên nhà thầy và cùng thầy ăn vui vẻ. Hai ly kem là món quà duy nhất mà thầy vui vẻ nhận. Còn bất cứ thứ gì khác, thầy đều nói: Thầy không nhận quà đâu.

Tôi sẽ luôn giữ những kỷ niệm về thầy trong trái tim và tiếp tục con đường nghiên cứu mà thầy đã dẫn dắt. Tạm biệt, thầy thương mến. Thầy hãy yên nghỉ, thầy nhé.

Tôi định viết nữa, nhưng màn hình vi tính bỗng nhòe đi...

Di Linh, ngày 2-4

Thầy Bùi Khánh Thế làm giảng viên khi chưa có bằng đại học

Ông Bùi Khánh Thế sinh năm 1936, nguyên quán tỉnh Bình Định.

Từ những năm 1945-1951, Bùi Khánh Thế đã tích cực tham gia hoạt động cách mạng. Ông được kết nạp Đảng năm 17 tuổi.

Từ năm 1951-1954, ông hoàn thành chương trình phổ thông ở Trường trung học Hòa Bình, tỉnh Bình Định.

Năm 1956, Bùi Khánh Thế nhận được lệnh tập trung ra Hà Nội để học lớp tiếng Nga. Trước khi thi tốt nghiệp lớp học tiếng Nga, ông được tạo điều kiện thi lấy bằng tốt nghiệp THPT rồi mới lấy bằng tiếng Nga.

Sau khi tốt nghiệp lớp tiếng Nga năm 1958, ông được phân công làm phiên dịch ở nhà máy Trung quy mô (Hà Nội) một thời gian ngắn, rồi được cử về Trường đại học Tổng hợp Hà Nội để dạy tiếng Nga cho sinh viên, dù khi đó ông vẫn chưa có trong tay tấm bằng đại học.

Từ năm 1959, ông là cán bộ thuộc biên chế khoa ngữ văn Trường đại học Tổng hợp Hà Nội với nhiệm vụ chính là dạy Nga văn cho sinh viên trong trường.

Bên cạnh việc dạy tiếng Nga và làm phiên dịch cho chuyên gia Liên Xô, Bùi Khánh Thế còn tranh thủ học tập như một sinh viên chính quy. 10 năm sau (năm 1968) với một quá trình tự học khá đặc biệt, ông mới tốt nghiệp đại học. Ngay sau khi có bằng cử nhân, ông trở thành cán bộ giảng dạy chính thức của bộ môn ngôn ngữ học khoa ngữ văn Trường đại học Tổng hợp Hà Nội.

Năm 1975, đất nước thống nhất, ông được cử vào tiếp quản các trường đại học ở miền Nam. Sau 6 tháng công tác ở Cần Thơ, ông được phân về công tác tại Trường đại học Tổng hợp TP.HCM, phụ trách công tác sinh viên.

Năm 1977, ông được cử làm phó hiệu trưởng Trường đại học Tổng hợp TP.HCM.

Sau khi bảo vệ thành công bản luận án phó tiến sĩ, năm 1981, thầy Bùi Khánh Thế quay trở lại với công tác giảng dạy ngôn ngữ học ở Trường đại học Tổng hợp TP.HCM.

Thông tin lễ tang

Linh cữu GS.TS.NGND Bùi Khánh Thế được quàn tại nhà tang lễ Bệnh viện Thống Nhất (số 1 đường Lý Thường Kiệt, quận Tân Bình, TP.HCM). Lễ viếng từ 6h ngày 3-4. Lễ động quan vào lúc 6h ngày 5-4. Linh cữu sẽ được đưa đi hỏa táng tại trung tâm hỏa táng Bình Hưng Hòa.

Tiếp nhận di sản tư liệu của GS Bùi Khánh ThếTiếp nhận di sản tư liệu của GS Bùi Khánh Thế

TTO - Hơn 2.400 đầu tài liệu của GS.TS Bùi Khánh Thế vừa được chuyển giao cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, lễ tiếp nhận diễn ra tại TP.HCM vào sáng 15-4.

Xem thêm: mth.7211019030404202-hnihc-meil-hnihc-nahc-coh-aohk-oav-id-ort-coh-gnouh-eht-hnahk-iub-yaht/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Thầy Bùi Khánh Thế hướng học trò đi vào khoa học chân chính, liêm chính”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools