Khu vực nguyên sơ nơi phát hiện các sinh vật được xem là địa điểm khai thác các kim loại quý hiếm và thiết yếu dưới biển sâu, bao gồm những nguồn tài nguyên thiên nhiên được sử dụng nhiều trong các tấm pin mặt trời, ắc quy ô tô điện, công nghệ xanh và các mục đích khác.
Nhiều sinh vật còn mới với khoa học
Chuyến thám hiểm kéo dài 45 ngày tới vùng Clarion-Clipperton, ghi lại sự đa dạng sinh học ở vùng đồng bằng biển thẳm. Sử dụng phương tiện điều khiển từ xa, các nhà khoa học đã chụp ảnh cuộc sống dưới biển sâu và lấy mẫu để nghiên cứu trong tương lai.
"Nhiều loài trong số này còn mới đối với khoa học. Đôi khi chúng đã được nhìn thấy, quan sát hoặc biết đến trước đó nhưng không được thu thập hoặc mô tả chính thức", Regen Drennan, nhà sinh học biển tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên London, cho biết. "Những mẫu vật này sẽ được đưa đến bảo tàng để xác định và nghiên cứu trong nhiều năm tới", cô nói thêm.
Trong khi đó Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ ước tính có 21,1 tỉ tấn polymetallic nodules (quặng hỗn hợp của nhiều kim loại dưới đáy biển) khô đang tồn tại ở Vùng Clarion-Clipperton. Vùng này chứa trữ lượng kim loại thiết yếu nhiều hơn tất cả trữ lượng kim loại của đất liền trên thế giới cộng lại.
Cơ quan liên bang ước tính, nếu hoạt động khai thác dưới biển sâu đi theo quỹ đạo tương tự như sản xuất dầu ngoài khơi, tính đến năm 2065, hơn 1/3 số kim loại quan trọng này sẽ đến từ các mỏ nằm sâu dưới đại dương.
Theo Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên, các nhà khoa học tin rằng nhiều sinh vật sống ở khu vực bị khai thác và xem nơi đây là nhà sẽ khó có thể phục hồi một khi các quặng kim loại bị lấy đi. Họ đang kêu gọi các biện pháp bảo vệ những loài này.
Cân nhắc giữa khai thác và bảo vệ môi trường
Trong vùng biển quốc tế, vùng Clarion-Clipperton nằm ngoài phạm vi quyền tài phán của bất kỳ quốc gia nào. Cơ quan đáy biển quốc tế, theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển, đã ban hành 17 hợp đồng thám hiểm.
Một số quốc gia, bao gồm Vương quốc Anh và Pháp, đã bày tỏ sự thận trọng, ủng hộ lệnh tạm ngừng hoạt động hoặc cấm khai thác dưới biển sâu để bảo vệ hệ sinh thái biển và bảo tồn đa dạng sinh học.
Theo một nghiên cứu vào tháng 6-2023 được công bố trên tạp chí Current Biology, khoảng 6.000 đến 8.000 loài có thể đang chờ được khám phá ở vùng Clarion-Clipperton.
Hải sâm amperima màu hồng, có biệt danh là "lợn Barbie", là một trong những động vật không xương sống lớn nhất sống ở đáy biển sâu. Cùng với loài đơn bào trong suốt, sinh vật này là một loại lợn biển thuộc họ khoa học có tên là Elpidiidae.
Drennan, người không trực tiếp tham gia vào cuộc thám hiểm, giải thích lợn Barbie ăn các mạt vụn chìm từ mặt nước xuống đáy biển và đóng vai trò rất quan trọng trong việc luân chuyển chất hữu cơ.
Đoàn thám hiểm cũng chụp được hình ảnh loài bọt biển hình chiếc cốc, được cho là có tuổi thọ lên tới 15.000 năm, cao nhất so với bất kỳ sinh vật nào trên hành tinh.
Theo Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên, nhiều sinh vật sống ở độ sâu này phụ thuộc vào polymetallic nodules, vốn hình thành dần dần thông qua các quá trình hóa học dưới nước.
Các nhà nghiên cứu ước tính phải mất khoảng 1 triệu năm để polymetallic nodules phát triển kích thước chỉ hàng chục mm. Các polymetallic nodules lớn nhất từng được biết đến có đường kính khoảng 20 cm, cho thấy những môi trường ở đáy đại dương hầu như không thay đổi trong hàng chục triệu năm.
Họ cho rằng tiếng ồn có thể ảnh hưởng đến các loài động vật có vú ở biển như cá voi và cá heo, còn các chất cặn trong quá trình khai thác có thể chứa hợp chất độc hại do thiết bị dưới đáy biển gây ra, sau đó phân tán, gây hại cho hệ sinh thái dưới nước.
Các nhà khoa học cảnh báo khai thác dưới biển sâu cũng có thể phá vỡ cách lưu trữ carbon trong đại dương, góp phần gây ra khủng hoảng khí hậu.
Đến Thủy cung Lotte World Hà Nội, khách tham quan có thể ngắm thế giới đại dương sống động, xem những tiết mục biểu diễn dưới nước đầy ấn tượng… Nhưng ít ai biết rằng, đó là thành quả của những nhân viên đang hàng ngày cần mẫn chăm sóc sinh vật biển.