Bị cùm xe khi đậu dưới đường trong khu đô thị
Anh H.B.T. sống tại tòa nhà F., phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng cho biết ngày 1-4 vừa qua, khi đậu xe con trên đường gần tòa nhà thì bị cùm xe.
Ngoài ra ban quản lý tòa nhà thông báo hình thức "xử lý vi phạm" là phạt tiền.
Bất ngờ, anh T. đã gọi điện đề nghị Công an phường Hòa Hải can thiệp và lập biên bản liên quan vụ việc.
"Xe tôi đậu dưới lòng đường bên ngoài tòa nhà, đây không phải là đường cấm đậu xe. Nhưng ban quản lý lại cho nhân viên cùm xe tôi là xâm phạm tài sản của tôi và thông báo xử lý trong đó có nói xử phạt tiền là không thể chấp nhận được" - anh T. bức xúc.
Anh T. cho biết sau khi công an có mặt lập biên bản, ban quản lý tòa nhà F. đã tháo cùm xe và không nói đến chuyện xử phạt nữa.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một nhân viên kỹ thuật của ban quản lý tòa nhà F. cho biết đây là lần thứ ba xe của anh T. đậu dưới lòng đường vị trí này.
Khi phát hiện xe đậu lần thứ nhất và thứ hai, nhân viên chụp ảnh xe và nhắc nhở. Lần thứ ba, nhân viên được yêu cầu cùm xe đậu sai vị trí.
"Đây là phần đường nội bộ của khu đô thị nên chúng tôi đã ra thông báo nhắc nhở nhưng chủ xe vẫn cố tình đậu" - người này nói.
Không được đặt ra các quy định trên tài sản công cộng
Theo luật sư Nguyễn Công Tín, Đoàn luật sư thành phố Đà Nẵng, khi xây dựng các dự án về nhà ở, khu đô thị, chủ đầu tư phải bảo đảm xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hoàn thiện trước khi người dân vào ở, trong đó có các công trình về giao thông.
Tại nội dung của đề xuất dự án đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng, đồ án xây dựng hoặc các văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nhà ở, khu đô thị đều có quy định rõ phần diện tích đất chủ đầu tư phải hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật để bàn giao cho Nhà nước quản lý hoặc sử dụng vào mục đích công cộng.
Đối với các phần diện tích đất này, pháp luật quy định chủ đầu tư không phải nộp tiền sử dụng đất, phần hạ tầng kỹ thuật được xây dựng trên đất này được xem là tài sản công cộng.
Vì vậy chủ đầu tư hay ban quản lý tòa nhà chung cư không được đặt ra các quy định để hạn chế các quyền của công dân. Bao gồm việc cấm, hạn chế quyền lưu thông, dừng, đỗ xe trên các tuyến đường tại dự án.
"Chỉ có Nhà nước mới có quyền đặt ra các yêu cầu, hạn chế và xử phạt theo quy định của pháp luật" - luật sư Tín nêu quan điểm.
Tuy vậy, đối với dự án phát triển khu đô thị, ngoài phần hạ tầng kỹ thuật bắt buộc bàn giao cho Nhà nước, chủ đầu tư có quyền được đầu tư, xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật khác phục vụ cho cư dân tại dự án theo nội dung dự án đã được phê duyệt.
Do đó, chủ đầu tư hoặc cư dân tại dự án có toàn quyền quyết định việc sử dụng phần hạ tầng kỹ thuật này bằng việc ban hành các quy chế sử dụng riêng.
Xác định đường cùm xe thuộc Nhà nước hay của chủ đầu tư
Liên quan đến việc chủ đầu tư khóa bánh xe của công dân khi đang đậu, đỗ tại khu vực đường thuộc khu đô thị F. City, luật sư Tín cho rằng cần phải làm rõ khu vực đường này thuộc diện bàn giao Nhà nước, tài sản công cộng hay khu vực nội bộ thuộc sở hữu của chủ đầu tư, cư dân tại dự án.
Trường hợp phần đường này thuộc diện phải bàn giao cho Nhà nước theo nội dung dự án đã được phê duyệt thì chủ đầu tư không có quyền được cấm, hạn chế hoặc xử phạt người dân.
"Trường hợp này người dân bị chủ đầu tư khóa xe, cản trở quyền lưu thông có thể yêu cầu các cơ quan nhà nước có thẩm quyền can thiệp, trường hợp bị thiệt hại thì có thể yêu cầu chủ đầu tư, chủ thể có lỗi phải bồi thường" - ông Tín nói.
Nếu đậu xe máy trên vỉa hè ở TP Huế, bạn phải quay đầu xe ra phía bên ngoài sát mép lề đường, nếu không sẽ bị lực lượng chức năng xử phạt tiền.