Điều hành tỷ giá và an toàn gửi tiền là một trong những nội dung nóng thu hút sự quan tâm của các cơ quan thông tin tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ diễn ra chiều 3/4 tại Hà Nội. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú đã chia sẽ và làm rõ những vấn đề dư luận quan tâm.
Ngoại tệ vẫn đảm bảo trạng thái "dương"
Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, NHNN luôn nhận định, tỷ giá là một trong những điều hành kinh tế vĩ mô rất quan trọng. Tỷ giá không chỉ ảnh hưởng đến giá trị đồng tiền, sức mua của đồng Việt Nam mà nó còn ảnh hưởng đến các chính sách kinh tế, đặc biệt là giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tác động tâm lý thị trường chung, nhu cầu ngoại tệ cũng như niềm tin của nhà đầu tư.
Chính vì vậy, NHNN luôn coi trọng công tác điều hành tỷ giá và đây vẫn là nội dung được tập trung thời gian tới. Theo đó, việc điều hành tỷ giá sẽ được NHNN thực hiện theo cơ chế điều hành linh hoạt. Điều này đảm bảo trong quá trình điều hành, dù tỷ giá có thể lên – xuống phù hợp với xu thế chung những vẫn đảm bảo mục tiêu đặt ra là sự ổn định, đủ nguồn tiền, đảm bảo hài hòa trạng thái ngoại tệ dương; cân đối và đảm bảo nhu cầu hợp pháp của nền kinh tế - Phó Thống đốc khẳng định.
Nhận định về tình hình chung, Phó Thống đốc Đào Minh Tú đánh giá: "Tỷ giá 2023 rất sôi động và công tác điều hành tỷ giá nhiều lúc cũng gặp khó khăn do tác động của chính sách kinh tế thế giới. Điều này đã tác động trực tiếp đến nền kinh tế Việt Nam, nhất là hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu".
Đầu năm 2024, cụ thể là quý trong I, vấn đề tỷ giá vẫn tiếp tục nóng. NHNN cho rằng, đây là một nội dung được quan tâm và tập trung điều hành. Theo Phó Thống đốc, lý do chính của tỷ giá gia tăng là Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) chưa đưa ra thời điểm cụ thể về nới lỏng chính sách tiền tệ, hạ lãi suất. Chính vì thế, giá trị đồng đô la (USD) tăng rất mạnh trong mấy ngày vừa qua. Sự tăng giá này sẽ tác động đến việc giảm giá trị tiền tệ của các nước khác trên thế giới và trong khu vực; trong đó có Việt Nam.
Cùng đó, thời gian qua, với chính sách hạ lãi suất của Việt Nam, mức lãi suất giảm sâu. Điều này cũng tạo bất cập khi chênh lêch lãi suất giữa USD và VND trên thị trường liên ngân hàng tiếp tục âm. Lãi suất VND thấp hơn USD trên thị trường liên ngân hàng. Chính vì đó, áp lực tỷ giá USD càng nóng.
Ngoài ra, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong quý I/2024 cũng rất tích cực. Do đó, nhu cầu ngoại tệ phục vụ nhập khẩu cũng gia tăng, nhiều hơn. Cùng đó là một số chính sách khác cũng có tác động đến tỷ giá.
Tuy nhiên, Phó Thống đốc khẳng định, với điều hành của NHNN, tỷ giá hiện nay vẫn đảm bảo duy trì ổn định, đảm bảo thị trường ngoại tệ. Đặc biệt, NHNN luôn đảm bảo trạng thái "dương" về ngoại tệ cho các ngân hàng thương mại (NHTM) và nền kinh tế; đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Đây là sự ổn định lớn mà Việt Nam đang duy trì được.
Đồng thời, Phó Thống đốc cũng cho rằng, tỷ lệ mất giá của VND so với USD nếu so với các nước khác thì vẫn thấp. Năm 2023 tỷ lệ mất giá của VND so với USD khoảng 2,9%, Tuy nhiên, thời điểm hiện nay, trên thị trường liên ngân hàng thì tỷ giá giữa VND và USD có mức tăng 2,6%.
So với các nước có nền kinh tế lớn khác như Trung Quốc thì thấy, đồng Nhân dân tệ (NDT) mất giá khoảng 1,74%, đồng WON của Hàn Quốc ở mức 3,88%, YEN của Nhật Bản lên đến 7,52%. Điều này cho thấy, các nền kinh tế lớn cũng đang chịu ảnh hưởng lớn về tỷ giá đối với USD.
Theo Phó thống đốc, ngoài các công cụ điều hành chính sách tiền tệ nói chung cũng còn nhiều yếu tố khác liên quan như cần tuyên truyền để tạo niềm tin cho thị trường; tránh tình trạng và tâm lý găm giữ ngoại tệ. Bởi trên thực tế, lượng dự trữ ngoại hối của NHNN trong trường hợp cuối cùng cần thiết vẫn can thiệp để đảm bảo được sự ổn dịnh.
Do đó, Phó Thống đốc muốn thông tin để người dân và doanh nghiệp hiểu rõ, điều hành tỷ giá luôn được Chính phủ quan tâm, điều hành và quản lý. NHNN sẽ luôn sử dụng các công cụ một cách tích cực để đảm bảo mục tiêu tiêu bình ổn tỷ giá thời gian tới.
Bác bỏ nghi ngờ có "lỗ hổng" mang tính hệ thống
Ảnh minh họa
Liên quan đến vụ khách hàng bị mất tiền trong tài khoản mở tại một chi nhánh của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Hàng hải Việt Nam (MSB) khiến dư luận lo lắng liệu có "lỗ hổng" mang tính hệ thống trong các ngân hàng tại Việt Nam hay không.
Trước nghi vấn này, Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, không có "lỗ hổng" mang tính hệ thống tại các ngân hàng. Mà qua mỗi vụ việc xảy ra đều luôn được NHNN rút kinh nghiệm chung.
Theo ông Đào Minh Tú, đã từ lâu, các quy định liên quan đến mở tài khoản thanh toán, chuyển tiền, gửi tiết kiệm của người dân, doanh nghiệp đã được hệ thống các văn bản quy phạm quy định đầy đủ; có cở sở để xác định trách nhiệm của hệ thống các ngân hàng thương mại; quy trách nhiệm cụ thể của các đối tượng liên quan nhằm đảm bảo an toàn. Có thể nói, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã rất đầy đủ
Các Thông tư hướng dẫn của NHNN thường xuyên được cập nhật bổ sung, nhất là với điều kiện hiện nay có nhiều thủ tục thực hiện trực tuyến nhiều. Hành lang pháp lý đảm bảo được các quy định chung nhưng việc triển khai thực hiện là của các ngân hàng thương mại lại có các quy định nội bộ thì đó là trách nhiệm mà các ngân hàng thương mại sẽ phải thực hiện. Do đó, các ngân hàng thương mại cần xem xét lại đã thực hiện đúng chưa. Quan điểm của NHNN là trách nhiệm đối với người gửi tiền luôn được đảm bảo.
Vụ việc xảy ra tại MSB, Phó Thống đốc cho biết, NHNN đã nhận được báo cáo. Vụ việc này cũng không phải do khách hàng phát hiện ra mà MSB phát hiện và chủ động gửi thông tin lên Bộ Công an đề nghị điều tra từ 10/2023 để làm rõ trách nhiệm và người liên quan. Tuy nhiên, kết luận cuối cùng vẫn phải chờ kết quả điều tra của cơ quan công an. Phó Thống đốc cũng khẳng định, nguyên tắc là quyền lợi chính đáng của khách hàng phải được bảo vệ. Cá nhân sai thì phải chịu trách nhiệm.
Phó Thống đốc khuyến cáo, ngoài quy định cụ thể, cả ngân hàng lẫn khách hàng đều cần quan tâm đến cơ chế kiểm soát số dư tài khoản cũng như tiết kiệm của mình; đồng thời bảo vệ thông tin cá nhân, tài khoản cá nhân và tài sản của mình. Bản thân khách hàng phải quan tâm đến quyền lợi của chính mình./.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.31024253230404202-hnid-no-us-oab-mad-aig-yt-hnah-ueid-ehc-oc-taoh-hnil/et-hnik/nv.vtv