Chiều 3/4, sau 9 ngày xét xử và nghị án, TAND Cấp cao tại Hà Nội dự kiến tuyên án phúc thẩm vụ án lừa đảo 433 tỷ đồng liên quan ba ngân hàng VietABank, NCB và PVcombank.
Trước khi tuyên án phúc thẩm, HĐXX quay lại phần xét hỏi để chốt lại các con số về thiệt hại, qua đó cho thấy trong 433 tỷ đồng thiệt hại vụ án, tài sản của bị cáo Thành dùng khắc phục hậu quả mới chỉ hơn 100 tỷ đồng. Tại phiên sơ thẩm, Thành bị tuyên chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Những ngày khai báo trước đó, Thành nói có 26% cổ phần tại Công ty Cổ phần đầu tư MHD, hiện bị VietABank thực hiện biện pháp phong tỏa để đảm bảo khoản vay. Thành có nguyện vọng dùng cổ phần này khắc phục thêm để được giảm án.
Tại thời điểm mua, năm 2018, số cổ phần này trị giá hơn 75 tỷ đồng.
Quá trình toà xét xử phúc thẩm, VietAbank chưa đưa ra câu trả lời cuối cùng về giá trị số cổ phần và chưa thống nhất được phương án xử lý.
Chiều nay, tòa cho hay luật sư của Thành báo có một nhà đầu tư muốn mua lại cổ phần này để thay Thành trả nợ các bị hại. "Nhà đầu tư kinh doanh nhiều lĩnh vực trong đó có bất động sản, không công bố danh tính, do thuộc bí mật kinh doanh", chủ tọa nêu.
Trước việc Thành muốn trao đổi lại với nhà đầu tư để thống nhất phương án mua lại số cổ phần này, tòa nghỉ 5 phút, dành thời gian cho hai bên.
Sau trao đổi, tại tòa, vị đại diện nhà đầu tư khẳng định doanh nghiệp có khả năng khắc phục, mong HĐXX tạo điều kiện thực hiện các thủ tục cần thiết.
Chủ tọa Nguyễn Thế Lệ nhắc nhở, doanh nghiệp nếu chấp nhận mua lại cổ phần và dùng tiền đó khắc phục cho Thành thì phải thực hiện thực chất bằng tiền gửi vào Cục Thi hành án Hà Nội.
Việc chia lợi tức và giá trị 26% cổ phần tại thời điểm hiện tại, tòa không can dự do "là việc tự nguyện đôi bên".
"Chủ trương lớn nhất là khắc phục hậu quả, vì hành vi đã quá rõ. Thiệt hại vụ án lớn, liên quan nhiều cá nhân, đơn vị, công ty, ngân hàng và ai cũng có trăn trở riêng. Tòa mong các bên giữ tinh cần tích cực, tạo điều kiện cho nhau", chủ tọa nêu quan điểm.
Cho rằng xuất hiện các tình tiết mới, theo kiến nghị đồng thuận của các bị cáo, luật sư và đại diện VKS, tòa hoãn tuyên án để Thành và doanh nghiệp thống nhất phương án mua lại cổ phần.
Tòa chưa công bố ngày mở lại, song cho biết sẽ không quá 3 tuần.
Những ngày tranh tụng tại phiên sơ thẩm và phúc thẩm, HĐXX nhiều lần đặt câu hỏi và lưu ý các ngân hàng về trách nhiệm của pháp nhân, khi nhân viên của mình làm sai. "Nhân viên làm sai, ngân hàng có phải chịu trách nhiệm không?", HĐXX nói với đại diện VietABank chiều 27/3.
VietABank cho rằng "ai sai người đó phải chịu trách nhiệm, cá nhân nhân viên đó gây hậu quả, thì cá nhân phải chịu trách nhiệm".
"Nhưng trước khi cá nhân đó chịu trách nhiệm thì ngân hàng có phải chịu trách nhiệm về mặt pháp nhân không?", thẩm phán Nguyễn Thị Thanh Xuân truy vấn. Đại diện VietAbank không trả lời trực tiếp: "Ở đây nhiều loại trách nhiệm, về mặt hành chính và về mặt dân sự và hình sự...".
"Tóm lại khi cán bộ ngân hàng thực hiện các hoạt động nghiệp vụ, có nhân danh ngân hàng không?", thẩm phán hỏi.
VietABank đáp: "Trong vụ án này thì bị cáo là cán bộ ngân hàng chỉ nhân danh chi nhánh đó". Phía ngân hàng giữ nguyên quan điểm Hà Thành phải bồi thường cho các đại gia; còn sổ tiết kiệm là "công cụ phạm tội" cần được ngân hàng giữ lại.
Quan điểm này cũng được VietABank nhiều lần đưa ra tại phiên sơ thẩm, bị VKS khi đó phản đối gay gắt.
Theo VKS, ngân hàng còn có tư cách là pháp nhân, nhân viên làm sai đương nhiên pháp nhân phải có trách nhiệm. Khi tuyển dụng nhân sự, không nâng cao công tác đào tạo, dẫn đến làm sai là "lỗi rất lớn của các ngân hàng".
Tại phiên phúc thẩm, HĐXX cũng nhắc lại "ngân hàng và các cán bộ của mình có mối quan hệ pháp nhân. Khi cán bộ ngân hàng thực hiện nghĩa vụ, quyền lợi phát sinh thì ngân hàng cũng được hưởng lợi. Đồng thời khi có sai phạm, ngân hàng cũng phải chịu trách nhiệm".
Đáp lại, VietABank khẳng định "chỉ chịu trách nhiệm phần làm đúng".
Bản án sơ thẩm xác định, từ năm 2016, để có tiền kinh doanh, Thành dùng nhiều thủ đoạn để huy động tiền từ các tổ chức, cá nhân. Không có tài sản đảm bảo, Thành cùng Nguyễn Thanh Tùng sử dụng Công ty Jeongho để lập khống hồ sơ năng lực phục vụ vay tiền. Thành sau đó cầm sổ tiết kiệm của người cho vay làm tài sản đảm bảo và giả chữ ký để làm thủ tục vay tiền ngân hàng.
Thành còn vay tiền của một số người khác bằng hình thức cùng gửi tiết kiệm đồng sở hữu vào ngân hàng. Thành sau đó thỏa thuận với nhân viên ngân hàng về việc phát hành thêm hợp đồng tiền gửi, bên cạnh sổ tiết kiệm. Với hợp đồng tiền gửi, Thành đưa cho người đồng sử hữu, còn mình dùng sổ tiết kiệm làm tài sản đảm bảo để đáo hạn ngân hàng.
Từ tháng 6/2018 đến 11/2018, Thành mất khả năng thanh toán các khoản nợ nên cùng một số người nhiều lần dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tiền của ba ngân hàng và các cá nhân. Để Thành thực hiện thành việc này, VKS xác định đã có "sự giúp sức của các nhân viên ngân hàng".
Tòa xác định, Thành đã chiếm đoạt của NCB 47,5 tỷ đồng, của PVCombank 49,4 tỷ đồng, của VietABank hơn 273 tỷ đồng, chiếm đoạt của 4 cá nhân 63 tỷ đồng.
Thanh Lam