Ngày 4.4, sau khi kết thúc phần tranh luận bổ sung của luật sư và các bị cáo, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án, bị cáo Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) cùng đồng phạm được nói lời sau cùng trước khi HĐXX nghị án.
Bị cáo Chu Lập Cơ (Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư Times Square) bị cáo buộc ký các tài liệu để hợp thức thủ tục vay vốn nêu trên hơn 30.100 tỉ đồng, giúp sức cho vợ là Trương Mỹ Lan gây thiệt hại cho Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) hơn 9.110 tỉ đồng.
Bị cáo bị đề nghị 10 - 11 năm tù về tội vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.
Được nói lời sau cùng, bị cáo Chu Lập Cơ dù hết sức bình tĩnh nhưng vẫn chưa thể tin hậu quả đang phải gánh chịu. Mặc dù, không biết tiếng Việt nhưng cảm giác vợ là Trương Mỹ Lan phải chịu trách nhiệm cả những thiệt hại nhỏ nhất của SCB.
Hối hận vì để vợ Trương Mỹ Lan đưa ra quyết định rủi ro
Bị cáo cảm giác xót xa với người vợ khiến bản thân khó tha thứ cho mình. Bị cáo bày tỏ, nếu thời điểm đó, bị cáo sát cánh cùng vợ để hiểu rõ rủi ro thì bị cáo đã can ngăn vợ việc tham gia tái cơ cấu SCB. Nếu can ngăn thì theo bị cáo sẽ không có cảnh gia đình tan nát, mỗi người mỗi cảnh thế này.
"Tôi vô tình trở thành đồng phạm, vô tình hay hữu ý cũng không thay đổi được gì. Chỉ mong HĐXX cứu xét cho vợ Trương Mỹ Lan không bị tử hình, cháu ruột Trương Huệ Vân được giảm án để có thể lo cho gia đình, tạo điều kiện cho bị cáo khắc phục hậu quả vụ án", bị cáo Chu Lập Cơ nghẹn ngào bày tỏ.
Tại tòa, bị cáo cũng gửi lời xin lỗi từ con tim đến Trương Mỹ Lan vì để vợ đơn độc trên con đường kinh doanh, đưa ra quyết định rủi ro. Đồng thời, hứa trước HĐXX sẽ dùng phần đời còn lại sát cánh với bị cáo Trương Mỹ Lan để khắc phục hậu quả vụ án.
Bị cáo lao vào cuộc sống mưu sinh, đánh mất mình là ai
Còn bị cáo Trương Khánh Hoàng (38 tuổi, cựu quyền Tổng giám đốc SCB) bày tỏ, thời gian đầu bị bắt, tự đặt câu hỏi, tại sao mình lại mắc nhiều lỗi lầm, gây ra nhiều hậu quả như vậy.
"Tới 1 ngày bị cáo nhận ra tuổi trẻ của mình quá nông nổi và bồng bột để lao vào cuộc sống mưu sinh, đánh mất mình là ai và mục đích cuộc đời là gì? Bị cáo biết ơn cơ quan tố tụng giúp cho bị cáo có cơ hội nhìn lại cuộc đời mình đã sống, có cơ hội thức tỉnh để sống cuộc đời còn lại ý nghĩa hơn", bị cáo Hoàng nghẹn ngào nói.
Nghe lời nói sau cùng của bị cáo Hoàng khiến những người dự khán cũng xót lòng.
Bị cáo Trương Khánh Hoàng mong muốn, nếu có cơ hội trở về bị cáo muốn bản thân là công dân bình thường, là người con thiết thực của cha mẹ 2 bên, là chồng tử tế và người cha gương mẫu.
"Bị cáo được ban phước làm cha 2 đứa nhỏ. Đây là bài học rất đắt giá cho bị cáo, bị cáo là lao động chính duy nhất, sau khị bắt, vợ phải bôn ba lo cho gia đình 2 bên, 18 tháng chưa được gặp. Bị cáo xin lỗi anh chị trong SCB bởi họ tin vào mình để rồi vướng vào lao lý. Bị cáo cầu mong HĐXX khoan dung, độ lượng, khoan hồng cho tất cả các bị cáo", bị cáo Hoàng nhấn mạnh.
Bị cáo khóc vì nhớ gia đình
Được nói lời sau cùng, bị cáo Hồ Bửu Phương (Chủ tịch HĐQT Công ty CP chứng khoán Tân Việt, Phó tổng giám đốc phụ trách tài chính Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) bày tỏ sự hối hận, không ngờ xảy ra vi phạm pháp luật, nay bị đề nghị án (18 - 19 năm tù về tội tham ô tài sản - PV) quá sức tưởng tượng.
Bị cáo Phương đau khổ nói: "Qua xét xử bị cáo nhận thức mình là mắt xích trong bức tranh đó. Có hay không có vai trò của mình thì tiền vẫn chảy ra khỏi SCB. Bị cáo chỉ là người làm công ăn lương, thu nhập như những chỗ khác. Nay rất ăn năn hối lỗi, ngày tháng trong trại giam đêm nằm mơ, mở mắt ra 4 bức tường, không biết đâu là thực, là mơ. Bị cáo ngồi khóc vì nhớ gia đình".
Bị cáo Hồ Bửu Phương nói tiếp, hành vi của bị cáo gây ảnh xấu đến gia đình, trước giờ bị cáo không muốn mình là gánh nặng của ai. Chặng đường bị cáo dài, mong HĐXX đánh giá lại hành vi của bị cáo, dù kết quả ra sao bị cáo cũng mong được xin lỗi.