vĐồng tin tức tài chính 365

Vĩnh Phúc: Những dự án dang dở của Tập đoàn Phúc Sơn

2024-04-04 13:15

Năng lực và chất lượng đều kém

Được thành lập từ năm 2004, tại huyện Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc), Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn (Tập đoàn Phúc Sơn) do Nguyễn Văn Hậu (Hậu "Pháo") làm Chủ tịch HĐQT. Khoảng năm 2015, Phúc Sơn vươn mình lên rất mạnh mẽ, nhận nhiều công trình từ Bắc đến Nam. "Công ty này có 21 dự án, với tổng mức đầu tư trên 40 nghìn tỷ đồng", Trung tướng Tô Ân Xô cho biết trong một lần họp báo.

Theo đó, Tập đoàn Phúc Sơn trúng nhiều hợp đồng rất lớn ở địa phương này và mới đủ sức, "đủ tầm" vươn ra các địa phương khác. Đặc biệt, Hậu "Pháo" kéo quân đến đâu để thực hiện các dự án, ở đó "di sản" để lại cho đến hôm nay là những công trình ngổn ngang, những dự án dở dang với những hậu quả rất lớn mà lãnh đạo các địa phương đang "nát óc" để giải quyết cũng không biết bao giờ mới xong!

Có thể thấy năng lực và bản chất thật của Tập đoàn Phúc Sơn ngay từ dự án đầu tiên của tập đoàn này với tỉnh Vĩnh Phúc hồi năm 2010. Đó là Dự án đầu tư và nâng cấp đê tả sông Hồng, đầu tư từ ngân sách Nhà nước và được UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt với thời gian thực hiện trong 5 năm (2010 - 2015). Dự án này là công trình cải tạo nâng cấp đê tả sông Hồng, kết hợp đường giao thông kéo dài khoảng 28km, gồm 17km qua Vĩnh Tường và 11km qua huyện Yên Lạc, có tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương là 70%, còn lại 30% là ngân sách tỉnh.

Chủ đầu tư dự án là UBND huyện Vĩnh Tường, đơn vị tư vấn lập dự án là Công ty Cổ phần tư vấn Kiến trúc ICA Việt Nam. Trong dự án này, Tập đoàn Phúc Sơn nhận 2 gói thầu số 1 và số 3 với tổng số vốn đầu tư khoảng hơn 940 tỷ đồng. Hai gói thầu này thi công ì ạch, nhiều lần bị UBND tỉnh Vĩnh Phúc, UBND huyện Vĩnh Tường thúc giục vì chậm tiến độ đề ra, ảnh hưởng tới sự phát triển của địa phương.

Toàn cảnh Dự án Chợ đầu mối Vĩnh Tường

Năng lực và chất lượng các công trình của Phúc Sơn tham gia khi ấy đã bị đánh giá thấp, nhưng tập đoàn này vẫn "lớn nhanh như thổi" và trúng nhiều dự án rất lớn. Trong đó, có Dự án Chợ đầu mối Vĩnh Tường (tên đầy đủ là Dự án Khu chợ đầu mối nông sản thực phẩm, hệ thống kho vận và khu đô thị thương mại Vĩnh Tường).

Đây là dự án khiến Phó Bí thư tỉnh Vĩnh Phúc Phạm Hoàng Anh bị Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Bộ Công an khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam về tội "nhận hối lộ" hôm 28/3/2024. Cơ quan CSĐT xác định, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, bị can Phạm Hoàng Anh đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu để tạo điều kiện cho doanh nghiệp của "Hậu Pháo" thực hiện Dự án Chợ đầu mối Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc).

Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng, nằm trên diện tích hơn 187ha thuộc địa phận 3 xã Tân Tiến, Lũng Hòa và Yên Lập (huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc). Dự án này được Tập đoàn Phúc Sơn nhận chuyển nhượng lại từ Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Sông Hồng Thăng Long vào năm 2019. Theo thiết kế, đây là chợ đầu mối được chia thành các phân khu như đô thị thương mại, chợ đầu mối nông sản thực phẩm, hệ thống kho vận và chợ điện tử, vật liệu xây dựng.

Dự án Chợ đầu mối Vĩnh Tường được đánh giá sẽ trở thành đầu mối giao thương sầm uất nhất khu vực phía Bắc, có thời gian tạo nên những "cơn sốt" đất tại đây như vào năm 2021. Tuy nhiên, sau gần 5 năm thi công, nhiều khu vực hạ tầng của dự án chưa được hoàn thiện, một số tuyến đường chưa trải nhựa; nhiều ki-ốt bên trong vẫn dừng lại ở việc thi công phần thô dang dở...

Nhiều dự án "khủng" có tương lai... vô vọng

Dự án "khủng" khác là Khu đô thị mới Tứ Trưng - Vĩnh Tường, với tổng vốn đầu tư gần 2.000 tỷ đồng, có quy mô 30,2ha, trong đó đất ở là 12,6ha, đất công trình dịch vụ thương mại là 1.384m2. Dự án có tổng số 400 căn liền kề, biệt thự, shophouse, căn hộ. Tháng 6/2021, Sở Xây dựng Vĩnh Phúc đã cấp giấy phép xây dựng và giao đất đợt 1 cho Tập đoàn Phúc Sơn để thực hiện dự án, tổng vốn đầu tư ban đầu khoảng 1.668 tỷ đồng.

"Siêu" Nghĩa trang Thiên An Viên sau 10 năm triển khai vẫn chỉ là bãi đất hoang

Tháng 4/2022, theo thông tin từ Sở Xây dựng Vĩnh Phúc, dự án khu đô thị Tứ Trưng - Vĩnh Tường chưa được phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất, đã đầu tư hạ tầng cho người dân tự xây dựng nhà ở. Sở Xây dựng Vĩnh Phúc khuyến cáo, người dân không tham gia giao dịch đối với các bất động sản chưa đủ điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật. Đây là dự án được nhiều lần điều chỉnh đầu tư, cả về quy mô lẫn vốn đầu tư. Sau điều chỉnh, tiến độ đầu tư xây dựng nhà ở; các công trình khác được lùi đến trước quý II/2025. Nay Nguyễn Văn Hậu bị bắt, tiến độ dự án này không biết đến bao giờ mới đầu tư xong.

Một dự án rất lớn khác, đó là từ năm 2015, Tập đoàn Phúc Sơn được UBND tỉnh Vĩnh Phúc chấp thuận đầu tư xây dựng Công viên nghĩa trang Thiên An Viên, có tổng mức đầu tư hơn 1.492 tỷ đồng. Nghĩa trang với hơn 118ha, chủ yếu là diện tích đất đồi núi bạc màu tại phường Khai Quang, xã Định Trung (TP.Vĩnh Yên) và một phần đất xã Kim Long (huyện Tam Dương). "Siêu" nghĩa trang này "nổi tiếng" từ khi mới được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư, dù khi đó chưa được Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh quy hoạch.

Nghĩa trang Thiên An Viên được quảng bá là một "siêu" công viên nghĩa trang có quy mô lớn nhất, hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á. Theo thiết kế, nghĩa trang được chia thành 5 khu: Khu mộ phần, khu công viên cây xanh, khu tâm linh, khu cây xanh mặt nước, khu hành chính dịch vụ kỹ thuật. Một Đài hóa thân sẽ được xây dựng trên diện tích 2.050m2, sử dụng thiết bị hỏa táng của Thụy Điển theo công nghệ lò đốt điện tiên tiến nhất hiện nay, không phát sinh khói bụi và mùi, bảo đảm vệ sinh môi trường. Một nhà tang lễ hiện đại cũng được xây dựng trên khu đất có diện tích 480m2... Thế nhưng tất cả vẫn chỉ là... bánh vẽ, vì dù đã qua gần 10 năm triển khai, hiện trạng "siêu" nghĩa trang vẫn là khu đất hoang hóa.

Một dự án cũng rất "nổi tiếng" của Tập đoàn Phúc Sơn ngay trên quê hương Vĩnh Phúc. Đó là Dự án đầu tư xây dựng trụ sở mới của trường Trung học Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Phúc được phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng từ năm 2006, với số tiền gần 100 tỷ đồng. Thời điểm được phê duyệt, các nhà quy hoạch của Sở Xây dựng Vĩnh Phúc đã bỏ qua đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.Vĩnh Yên năm 2004.

Cụ thể, đây là tuyến đường bộ song song với đường sắt Hà Nội - Lào Cai, đoạn giao với đường vành đai TP.Vĩnh Yên. Đến năm 2012, sau khi UBND tỉnh phê duyệt hướng tuyến và phê duyệt quy hoạch chi tiết tuyến đường bộ này thì việc chồng lấn quy hoạch không thể sửa chữa. Điều lạ lùng là tại khu đất trụ sở cũ của ngôi trường bỗng mọc lên một dãy nhà ở liền kề sầm uất, đó là Dự án nhà ở xã hội phường Liên Bảo, TP.Vĩnh Yên.

Ngày 20/5/2011, UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt quy hoạch chi tiết khu nhà ở cao tầng tại trụ sở cũ trường Trung học Văn hóa Nghệ thuật Vĩnh Phúc, phường Liên Bảo, TP.Vĩnh Yên. Tháng 6/2012, UBND tỉnh công nhận Tập đoàn Phúc Sơn làm chủ đầu tư dự án. Từ chỗ quy hoạch là khu nhà ở thương mại cao tầng, đến tháng 7/2014, UBND tỉnh Vĩnh Phúc bỗng điều chỉnh lại quy hoạch, theo đó chuyển sang khu nhà ở xã hội cao tầng, kèm với đó là các quyết định về việc thu hồi đất để giao cho Tập đoàn Phúc Sơn làm chủ đầu tư.

Kết quả, cho đến thời điểm hiện tại, không những trường Trung học Văn hóa Nghệ thuật tỉnh không đạt được mục đích nâng cấp lên cao đẳng mà còn bị sáp nhập về trường Cao đẳng Vĩnh Phúc, còn dự án đầu tư xây dựng trụ sở của trường thì vẫn dở dang!

XUÂN NHÂN

Xem thêm: lmth.327061_nos-cuhp-naod-pat-auc-od-gnad-na-ud-gnuhn/et-hnik-hnin-na/nv.moc.nagnoc

Comments:0 | Tags:An ninh kinh tế

“Vĩnh Phúc: Những dự án dang dở của Tập đoàn Phúc Sơn”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools