Sáng 4-4, tại Hội thảo khoa học về đề án xây dựng nền công vụ TP.HCM hoạt động hiệu lực, hiệu quả giai đoạn 2024-2030, do Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chủ trì, các chuyên gia, lãnh đạo các sở ngành, quận huyện đã nêu thực trạng cán bộ gặp áp lực do không được người dân tôn trọng.
Người dân tôn trọng, cán bộ cực khổ cũng làm hết sức
Đưa ý kiến tại hội thảo, bà Trương Minh Kiều - chủ tịch UBND quận 5 - cho rằng hiện công chức cơ sở đang gặp nhiều áp lực, giảm động lực làm việc bởi không còn nhận được sự tôn trọng của người dân. Chưa kể khối lượng công việc ngày càng nhiều.
"Tại sao thời điểm dịch COVID-19, động lực làm việc của cán bộ lớn, không cần tiền lương, thưởng nhưng mọi người hết sức. Bởi thời điểm đó công chức thấy được trách nhiệm của mình đối với tính mạng người dân nên xông lên", bà Kiều nói.
Tuy nhiên hiện nay, trước một vụ án cán bộ bị xử lý vì vi phạm, khi đến quận, phường làm thủ tục hành chính, có bộ phận người dân tỏ ra không tôn trọng nhân viên công vụ.
"Ở vị trí là nhân viên công vụ nhà nước cần được tôn trọng", bà Trương Minh Kiều nhấn mạnh.
Nói thêm, chủ tịch UBND quận 5 đề xuất TP có kiến nghị trung ương chỉ tinh giản biên chế khi nền công vụ đã hoàn thiện, chứ không nên tinh giản hằng năm. Đồng thời, TP cần được tự chủ tiền lương và có cơ chế riêng để triển khai Luật Cán bộ công chức, đưa ra cơ chế riêng để bảo vệ cũng như xử lý trách nhiệm công chức trong thực thi công vụ được rõ ràng.
Mức lương cán bộ cần đủ để sống
Về vấn đề này, TS Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - cho rằng để cán bộ muốn làm thì việc tạo động lực rất quan trọng. Trong đó, mức lương của cán bộ cần đủ để họ sống.
Ông Dũng dẫn chứng Singapore thu hút được người tài do nước này trả lương khu vực công cao hơn tư nhân. Ông cho rằng với cơ chế trả lương của nước ta hiện nay thì khó mà phòng, chống tham nhũng. Đồng thời, cán bộ làm tốt phải được thăng tiến, trọng dụng. Thăng tiến phải dựa theo hiệu quả, thành tích công việc.
Một vấn đề khác là cán bộ cần nhận được sự trân trọng của xã hội. Qua nhiều vụ việc hiện nay, danh dự của cán bộ đang bị tổn hại nghiêm trọng.
"Có người xấu nhưng không phải tất cả đội ngũ đều xấu. Đội ngũ này mà tệ thì đất nước làm sao phát triển như bây giờ", ông Dũng nhìn nhận.
Để làm được việc này, ông Dũng cho rằng cần khắt khe ngay từ khâu tuyển dụng cán bộ, tuyển đúng người tài để xây dựng bộ máy hành chính tinh hoa. TP cần có các bộ phận thi tuyển công chức bằng những bộ đề thi đạt yêu cầu, không nên đưa ra những bộ đề chỉ yêu cầu kỹ năng học thuộc. Sau tuyển dụng phải quan tâm đào tạo, cập nhật kiến thức, đạo đức công vụ liên tục cho cán bộ….
Thoát cảnh cán bộ "sống lâu thành lão lãng"
Đưa ý kiến tại hội thảo, TS Trần Du Lịch - chủ tịch Hội đồng tư vấn nghị quyết 98 - cho rằng TP cần được tăng cường phân cấp, ủy quyền được đề cập trong nghị quyết 98. Làm sao nền công vụ hạn chế công vụ xin - cho, phải phân cấp rõ ràng, nêu trách nhiệm giải trình từng cấp.
Cũng theo ông Lịch, cơ quan nhà nước tuân thủ nguyên tắc lãnh đạo tập thể, nhưng thẩm quyền của chủ tịch UBND TP.HCM phải tiệm cận với thẩm quyền thị trưởng như ở các nước.
Bên cạnh đó, các sở ngành phải là cơ quan quản lý nhà nước, chứ không phải tham mưu giúp việc. Cần bớt nhiệm vụ của UBND TP, giao cho giám đốc sở và nêu trách nhiệm giải trình rõ ràng.
Đáng chú ý, liên quan đến việc tổ chức cán bộ, ông Lịch cho rằng TP cần học hỏi mô hình của các nước là bố trí cán bộ theo hiệu quả công việc, tránh tình trạng "công chức sáng xách ô đi, chiều xách ô về, lương thấp nhưng an toàn, không mất việc".
"Tức là một công chức dù mới vào cơ quan nhà nước nhưng có thể ngồi vào các vị trí cao, thoát cảnh sống lâu thành lão làng", ông Lịch.
Nghiên cứu cơ chế khoán quỹ lương, quỹ biên chế
Sau khi nghe ý kiến của các chuyên gia, lãnh đạo các sở ngành, quận huyện, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đề nghị ban soạn thảo và tổ giúp việc đề án tiếp thu, lựa chọn các ý kiến phù hợp để đưa vào đề án.
Đồng thời lựa chọn một số nội dung để tổ chức hội thảo nhỏ, đặt hàng chuyên gia góp ý. Ông Mãi ví dụ như vấn đề nghiên cứu khoán quỹ lương, khoán biên chế và các cơ chế chi lương để tạo động lực cho cán bộ.
Hay nghiên cứu một quy trình hành chính để hiện đại hóa nền hành chính và phân định rõ ràng trách nhiệm công chức cấp xã.
Theo ông Mãi, dự kiến trong tháng 5, UBND TP sẽ hoàn thiện dự thảo đề án để trình Ban Thường vụ Thành ủy TP và báo cáo trung ương.
PGS Trần Ngọc Anh cho rằng muốn nền công vụ của TP.HCM hoạt động hiệu quả thì thu nhập cán bộ phải đủ sống, tạo môi trường pháp lý để cán bộ sáng tạo. Cán bộ phải muốn làm, làm được và được làm.