Tờ hóa đơn mua bán mặt hàng cát, đá có trị giá hàng hóa gần 450 triệu đồng. Tuy nhiên, cơ quan công an xác định - mọi thông tin trên tờ hóa đơn đều là kê khống. Vì trên thực tế chẳng có mặt hàng nào được mua bán giữa 2 công ty cả. Mặc dù là giám đốc một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất bê tông ở Hà Nam - nhưng người phụ nữ này lại lập ra nhiều công ty khác ở các tỉnh thành với mục đích duy nhất là xuất hóa đơn khống - để hợp pháp hóa cho nguồn nguyên liệu cát, đá sỏi đang tiêu thụ "lậu" của mình.
Mượn chứng minh thư của người thân mở công ty ma xuất hóa đơn khống nên khi bị phát hiện người thân cũng phải vào tù. Có nguồn hóa đơn đầu vào không giới hạn - giám đốc doanh nghiệp còn ung dung xuất bán hóa đơn tài nguyên "khống" cho hơn 300 đơn vị, cá nhân ở khắp nơi như Hà Nam, Hà Nội, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hải Dương, Hòa Bình. Chỉ trong vòng chưa đầy 2 năm, đã có tổng số 1.500 hóa đơn GTGT được xuất bán với trị giá hàng hóa lên đến 730 tỷ đồng.
Đây không phải là vụ án mua bán hóa đơn điện tử đầu tiên trên địa bàn cả nước - nhưng một lần nữa tiếp tục cho thấy những kẽ hở trong việc phát hành hóa đơn điện tử hiện nay - khi thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp quá dễ dàng - để các đối tượng lợi dụng thực hiện hành vi phạm tội. Các doanh nghiệp "ma" được lập ra chỉ xuất hóa đơn với giá trị rất lớn trong một thời gian ngắn rồi nhanh chóng ngừng hoạt động.
Không chỉ tiếp tay và hợp pháp hóa cho nạn khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép, sự tồn tại đường dây mua bán hóa đơn trái phép như trong vụ án này - đã trực tiếp làm thất thu cho ngân sách nhà nước, khi doanh nghiệp trốn được cả thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp. Hiện cơ quan điều tra đang tiếp tục truy xét mở rộng vụ án để thu hồi tiền thuế mà các đơn vị doanh nghiệp liên quan đã trục lợi từ hành vi phạm pháp của mình.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!