Thống kê năm học 2022-2023 từ các cơ sở giáo dục đại học cho thấy số lượng sinh viên đại học chính quy đang theo học tại trường khá khiêm tốn. Không chỉ các trường đại học tư mà ngay cả các trường công, phân hiệu đại học lớn cũng có quy mô đào tạo rất khiêm tốn.
Năm 2004, tròn 19 năm phân hiệu Đại học Huế tại Quảng Trị tuyển sinh đại học. Cơ sở giáo dục đại học này có cơ ngơi khá hoành tráng, tổng diện tích đất năm học 2022-2023 là 250.000m², diện tích sàn hơn 22.000m², 26 giảng viên cơ hữu, tuyển sinh 5 ngành.
Thế nhưng thời điểm công khai năm 2022-2023, quy mô đào tạo của phân hiệu này chỉ vỏn vẹn 158 sinh viên đại học chính quy.
Cũng chính vì quá ít sinh viên nên Phân hiệu Đại học Huế tại Quảng Trị lập luôn kỷ lục mà hiếm trường nào đạt được. Diện tích đất/một sinh viên lên đến 3.246m² và diện tích sàn cũng lên đến 291m²/một sinh viên.
Tương tự là Trường đại học Tài chính - Kế toán (Quảng Ngãi). Đây là trường đại học trực thuộc Bộ Tài chính, được thành lập năm 2011 trên cơ sở Trường cao đẳng Tài chính - Kế toán. 7 năm sau, phân hiệu tại Huế của trường đại học này được thành lập.
Kết quả là cả trụ sở chính và phân hiệu Huế đều tuyển sinh èo uột. Quy mô đào tạo đại học chính quy năm 2022-2023 của phân hiệu Huế chỉ có 340 sinh viên và trụ sở chính là hơn 1.200 sinh viên.
Trong khi đó, năm học 2021-2022, Trường đại học Tân Tạo cũng có quy mô đào tạo vỏn vẹn 430 sinh viên. Riêng khối ngành sức khỏe chiếm hơn 50% với 292 sinh viên.
Nhiều cơ sở giáo dục khác cũng có quy mô đào tạo chính quy dưới 1.000 sinh viên dù đã được thành lập từ rất lâu. Trong khi đó nhiều trường đại học có quy mô dưới 2.000 sinh viên.
Trong số các trường đại học có quy mô dưới 2.000 sinh viên, nhiều trường đại học địa phương góp mặt.
Theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong dự thảo quy hoạch mạng lưới giáo dục đại học, cả nước hiện có 26 cơ sở giáo dục đại học trực thuộc UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Các trường đại học này trong nhiều năm không có nhiều cải thiện về quy mô đào tạo, công tác tuyển sinh gặp nhiều khó khăn.
Hoạt động của hầu hết các trường địa phương không hiệu quả, đặc biệt trong bối cảnh tự chủ đại học được đẩy mạnh. Hầu hết các cơ sở giáo dục đại học trực thuộc các địa phương có quy mô nhỏ, chỉ đóng góp 6,3% tổng quy mô đào tạo trình độ đại học, 3,5% thạc sĩ và 1% tiến sĩ của toàn hệ thống.
Chỉ có 3 cơ sở giáo dục đại học có quy mô lớn hơn 10.000 sinh viên, trong khi có tới 8 cơ sở giáo dục đại học có quy mô thấp hơn 2.000 sinh viên.
Một năm trường đại học chỉ tuyển được 8 thí sinh
Hiện nay rất nhiều trường đại học không thực hiện công khai hoặc công khai không đầy đủ các nội dung theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Trong đó, Trường đại học Lương Thế Vinh (Nam Định) không công khai quy mô đào tạo. Chúng tôi tìm thông tin trong đề án tuyển sinh của trường đại học này và có những con số rất đáng ngờ.
Trong đề án tuyển sinh 2021, kết quả tuyển sinh hai năm gần nhất cho thấy năm 2019 trường chỉ tuyển được 8 sinh viên (chỉ tiêu 1.456). Năm 2020 khá hơn với 83 thí sinh trúng tuyển.
Đề án tuyển sinh 2023 cho thấy kết quả tuyển sinh của hai năm 2021 và 2022. Tuy nhiên những con số về chỉ tiêu và thí sinh nhập học rất lạ lùng. Hầu hết các ngành có chỉ tiêu như nhau: 345, 389, 390... và số thí sinh trúng tuyển nhập học các tổ hợp xét tuyển ở nhiều ngành cũng y chang nhau.
Theo đề án này, chỉ tiêu của các ngành quá lớn. Chẳng hạn các ngành có chỉ tiêu mỗi tổ hợp xét tuyển lên đến vài trăm. Điều này dẫn đến tổng chỉ tiêu rất lớn.
Sẽ sắp xếp những trường không đạt chuẩn
Định hướng phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo xác nhiều phương án củng cố, sắp xếp những trường đại học không đạt chuẩn cơ sở giáo dục đại học.
Theo đó, tái cấu trúc và tập trung đầu tư để đạt chuẩn trong lộ trình từ 3 đến 5 năm, sáp nhập để trở thành một đơn vị đào tạo hoặc một phân hiệu của một cơ sở giáo dục đại học có uy tín, đình chỉ hoạt động đào tạo trước năm 2028 và giải thể trước năm 2030.
Hiện một số trường đại học địa phương đã có đề án sáp nhập vào các đại học lớn. Trong đó Trường đại học Hà Tĩnh dự kiến sáp nhập vào Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường đại học Quảng Nam sáp nhập vào Đại học Đà Nẵng.
Kể từ sau thời kỳ đổi mới đến nay, đã có một số quy hoạch mạng lưới giáo dục đại học được phê duyệt. Tuy nhiên, nhiều quyết định chỉ trong những khoảng thời gian không dài đã bộc lộ những hạn chế và rất cần sự đổi mới trong cách tiếp cận.