24 tuổi, Đỗ Thái Tử đang quản lý khoảng 100 nhân viên, cộng tác viên tại Công ty cổ phần Box Việt Nam. Tử nói "có nghe có biết" không ít nhận định này khác về thế hệ mình nên càng nỗ lực chứng minh nhiều hơn.
Gen Z giỏi chuyên môn, ưng thái độ
Như nhiều bạn cùng thế hệ, Thái Tử từng bị động trong công việc, nhảy việc và cũng khoái "bật" sếp. Nhưng qua va vấp, Tử nói càng chững chạc hơn, sửa dần những thành kiến về gen Z ở chính mình.
Không ít người thuộc nhóm Tử quản lý thuộc gen Y (thế hệ Millennials, sinh từ 1981-1996).
Làm việc với thế hệ lớn hơn, theo Tử, cần thể hiện bằng năng lực và kết quả. Anh sẵn sàng chỉnh ngược lại sếp, nhưng phải chỉ ra cách khắc phục khuyết điểm đó, nếu không sẽ lợi bất cập hại.
"Giao thiệp với cấp trên là điều cần lưu ý nhất khi đi làm. Tôi luôn thể hiện tinh thần cầu tiến, sẵn sàng hỏi dù đó là lĩnh vực mình đã biết. Điều này khiến sếp nghĩ họ luôn có giá trị và giúp đỡ được mình nên mối quan hệ sẽ thuận lợi hơn" - Tử chia sẻ.
Từ kinh nghiệm bản thân, Tử cho rằng đa phần các bạn gen Z thường bị đánh giá về thái độ với những "bệnh" cố hữu. Vấn đề là mỗi người cần biết điểm mạnh yếu của bản thân để phát huy. Tử ủng hộ việc bày tỏ quan điểm nhưng phải đúng lúc, đúng nơi để tránh bị đánh giá thái độ này nọ.
Gắn bó với công việc hiện tại ba năm, Diệp Tuyền (26 tuổi, nhân viên Công ty Puratos Grand-Place Việt Nam) cho biết từng khá ngại giao tiếp khi mới vào công ty do là người nhỏ tuổi nhất nhóm, trong khi các anh chị đều có kinh nghiệm 5-10 năm trở lên. May mắn là mọi người gần gũi, dễ mến, có xu hướng trẻ hóa, cập nhật xu hướng gen Z, không quá xa cách nên Tuyền hòa nhập nhanh với môi trường làm việc.
Vì là người mới, Tuyền luôn ý thức học hỏi, trau dồi chuyên môn. Tuyền nói làm việc với các anh chị lớn tuổi có nhiều cái lợi, trong đó được chia sẻ nhiều kinh nghiệm. Còn trẻ nên Tuyền tiếp thu nhanh.
Cô bạn cũng hào hứng với nhiều hoạt động khác tại công ty, làm người dẫn chương trình, lên kế hoạch sự kiện. "Mấy điều này tôi thấy không áp lực gì. Công việc của tôi cần giao tiếp nhiều nên càng thuận lợi, mà người trẻ như tôi khá thích những hoạt động này" - Tuyền nói.
Gen "già" học hỏi gen Z
Là trưởng nhóm marketing một doanh nghiệp, Lâm Chi cho biết cô cũng học hỏi nhiều từ cách làm sáng tạo của nhân viên gen Z. Chị kể, thường khi gửi báo cáo cho cấp trên chỉ soạn thành văn bản đơn giản, nhưng có lần nhận báo cáo của một nhân viên và thấy bạn trình bày sinh động với đủ thứ hiệu ứng nên đã nhờ bạn này chỉ cho làm.
Chi khoe cũng thích gu ăn mặc của các bạn trẻ gen Z. "Mỗi lần mua quần áo hay phụ kiện gì, mình hay rủ nhân viên theo. Nếu mua trực tuyến, mình gửi hình tham khảo ý kiến các bạn để có chọn lựa ưng ý nhất" - Chi cười.
Trong khi đó, anh Khánh Tài (40 tuổi, TP Thủ Đức, TP.HCM) cho biết đang phụ trách bộ phận có ba bạn gen Z cùng làm. Thời gian đầu có hơi khớp vì cách làm việc, nhưng nay họ đã thành một nhóm ăn ý.
Anh Tài nói rất thích các bạn ở chỗ dám nghĩ dám làm. Và khi các bạn hứng thú sẽ dồn hết tâm sức, thức đêm hoàn thành công việc.
Nhờ mấy bạn này mà anh biết cách sử dụng phần mềm Canvas, ứng dụng trí tuệ nhân tạo tìm kiếm thông tin.
Với anh Tài, một ưu điểm khác của gen Z là dám từ bỏ. "Có thể có bạn hơi vội vàng, nhưng điều này cũng khiến thế hệ chúng tôi suy nghĩ. Chúng tôi hay sống trong vùng an toàn, sợ được mất. Còn các bạn chọn thử thách, dám từ bỏ nếu thấy không phù hợp" - anh Tài bày tỏ.
Giữ hình ảnh cá nhân trên mạng
Làm tốt chuyên môn, ứng xử hòa nhã ở nơi làm việc chưa đủ, cả Thái Tử và Diệp Tuyền đều cho biết bản thân luôn giữ hình ảnh cá nhân trên mạng xã hội. Tuyền chủ yếu dùng Facebook giải trí, đăng vài hoạt động tại công ty.
Làm việc cho tập đoàn nước ngoài, Tuyền nói luôn chú trọng đầu tư kỹ năng, ngoại ngữ và cập nhật thông tin trên trang mạng xã hội nghề nghiệp LinkedIn. "Trang cá nhân không nên đưa vấn đề tiêu cực và không muốn thể hiện mình trên này quá nhiều" - Tuyền nói.
Với Thái Tử, việc xây dựng hình ảnh là cách hiệu quả giúp anh tìm kiếm cơ hội. Trang cá nhân là tấm gương phản chiếu tính cách, sở thích và trình độ mỗi người nên tùy môi trường sẽ xây dựng hình ảnh phù hợp với đồng nghiệp và văn hóa công ty.
"Quan trọng nhất là phải chỉn chu, không chia sẻ tiêu cực. Cần đặt ranh giới giữa xây dựng và khoe mẽ vì nhiều bạn hơi lố, thậm chí công khai điều lẽ ra nên riêng tư" - Tử bày tỏ.
Ứng xử nào với gen Z?
Trong những phản hồi gửi về, bạn đọc Xuân Tài cho rằng thế hệ Z cần xem lại mình, có phải vì được hưởng thụ quá sớm nên giờ đi làm tự cao. Bạn đọc Trần Trí Nhân để ý trong đơn vị những cán bộ trẻ gen Z đa phần không có tính tháo vát, năng lực và tư cách không tốt, hễ không hài lòng việc gì của đơn vị là đưa lên mạng nói bóng gió.
Nhẹ nhàng, bạn đọc có email duocmypham...@gmail.com đưa giải pháp: "Cần cơ chế riêng cho gen Z làm việc như linh hoạt giờ giấc, sếp trẻ trung và tâm lý hơn. Giữa các thế hệ luôn có khoảng cách nên khó tránh xung đột, vấn đề là hài hòa lợi ích để tạo ra năng suất lao động tốt, không nên đối chọi nhau làm gì!".
Bạn là một gen Z hay từng làm việc với thế hệ Z, bạn có gì muốn chia sẻ? Xin gửi về email: quoclinh@tuoitre.com.vn.
Không ít hội nhóm của gen Z trên mạng xã hội là nơi chỉ để xả giận những chuyện liên quan đến sếp, đồng nghiệp, đối tác. Và có khi sáng đèn 24/7.