Khác với mọi năm, năm nay cổ đông các ngân hàng không còn chất vấn về cổ tức vì năm nay các ngân hàng chi cổ tức rất phóng tay.
Tại hai đại hội cổ đông của ngân hàng được tổ chức gần đây tại TP.HCM, các cổ đông đều chất vấn liên quan đến mảng bancassurance (phân phối bảo hiểm qua ngân hàng - hay còn gọi là banca).
Mở màn phần hỏi đáp tại đại hội cổ đông thường niên của Ngân hàng Quốc tế Việt Nam (VIB) hôm 2-4, cổ đông đã đặt hàng loạt câu hỏi xoáy vào vấn đề nóng trên thị trường thời gian qua, như hàng loạt vụ lùm xùm ở mảng bancassurance có ảnh hưởng đến việc bán bảo hiểm qua ngân hàng tại VIB?
Trả lời về vấn đề này, ông Hàn Ngọc Vũ, thành viên hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc VIB, cho biết banca là hoạt động rất phức tạp về nghiệp vụ, đòi hỏi sự cẩn trọng và chuyên môn ở mức cao vì có sự tham gia của cả hai ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Do vậy những yêu cầu bắt buộc và khuyến cáo của Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng rất tuân thủ.
"Năm vừa qua, sau hàng loạt lùm xùm xảy ra thì cẩn trọng càng cao hơn. Ngân hàng thường xuyên huấn luyện, đào tạo để cán bộ nhân viên nắm rõ quy định và tạo thành quy trình để cán bộ nhân viên phải tuân thủ theo.
Song song đó VIB cũng thanh tra, giám sát thường xuyên để phát hiện, chỉnh sửa, nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý kịp thời và nghiêm minh", ông Vũ nói.
Đồng thời, ông cũng cho biết hiện VIB và Prudential đang hợp tác về banca. Cả hai bên đã soạn thảo bộ quy định về ứng xử với khách hàng để hoạt động này không chỉ đáp ứng quy định của pháp luật mà ứng xử của cán bộ nhân viên với khách hàng cũng phải tốt.
"Banca không phải là sản phẩm bán kèm, kiểu "bia kèm lạc", mà phải giới thiệu để khách hàng hiểu", lãnh đạo VIB nhấn mạnh.
Tại đại hội cổ đông Ngân hàng ACB tổ chức hôm 4-4, cổ đông cũng chất vấn về vấn đề này.
Ông Từ Tiến Phát, tổng giám đốc ACB, cho biết doanh số bán bảo hiểm qua ngân hàng của ACB có sụt giảm so với năm trước.
"Thị trường banca trong năm 2024 sẽ có sự sụt giảm do khó khăn chung của thị trường và cái nhìn của người tiêu dùng đối với mảng này đang thiếu tích cực.
Nhưng với sự kiểm soát chặt chẽ của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước sẽ giúp cho thị trường banca nói chung sẽ minh bạch rõ ràng hơn", ông Phát nói.
Ông Phát cũng cho biết hiện ACB tách bạch mảng tư vấn và giới thiệu dịch vụ bảo hiểm. Tất cả nhân viên ACB chỉ là người giới thiệu, còn người tư vấn phải chuyên nghiệp và hiện nay đội ngũ tư vấn của ACB liên quan đến mảng này đến 500 người.
Đây là những người được đào tạo và cấp chứng chỉ của Bộ Tài chính và có trách nhiệm minh bạch thông tin.
"Hiện nay tất cả tư vấn ngân hàng đều ghi âm và khi khách hàng đăng ký hợp đồng rồi thì 21 ngày sau có bộ phận kiểm soát phía sau sẽ gọi điện xác nhận. Nếu khách hàng còn phân vân thì có thể hủy hợp đồng", ông Phát khẳng định.
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, sau hàng loạt vụ lùm xùm "bán bia kèm lạc", gần đây cơ quan quản lý đã siết chặt hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước cũng liên tục có văn bản nhắc nhở các ngân hàng.
Tại kỳ họp bất thường lần thứ 5 được tổ chức hồi tháng 1 vừa qua, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã được Quốc hội khóa XV thông qua.
Tại khoản 5, điều 5, Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi bổ sung nghiêm cấm hành vi "tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, người quản lý, người điều hành, nhân viên của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức".
Lãnh đạo Cục C03 cho hay cơ quan chức năng đang xác minh việc có hay không lãnh đạo SCB chỉ đạo nhân viên tuyên truyền cho khách hàng chuyển từ tiền gửi tiết kiệm sang gói bảo hiểm của Manulife.