Sáng 5.4, tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) diễn ra hội nghị phát triển mạng lưới tư vấn viên vận động hiến tặng mô, tạng tại miền Nam. Tại hội nghị, PGS-TS Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (Bộ Y tế) nêu lên thực trạng hiến mô tạng và ghép tạng, ghép mô.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, sau 32 năm Việt Nam thực hiện ca ghép tạng đầu tiên, và 14 năm triển khai công tác lấy tạng từ người cho chết não, cả nước đã thực hiện hơn 8.365 ca ghép mô, bộ phận cơ thể người.
Trong đó, ghép thận 6.764 ca, ghép gan 456 ca, ghép tim 65 ca, ghép thận - tụy 1 ca, ghép tim - phổi 1 ca, ghép phổi 9 ca, ghép chi trên 2 ca, ghép ruột 2 ca… Hiện, cả nước có gần 4.000 người trong danh sách chờ ghép, chủ yếu là bệnh nhân chờ ghép thận và gan.
Chỉ 0,15% người chết não hiến tạng
Theo PGS-TS Đồng Văn Hệ, ở các nước phát triển, tỷ lệ hiến và ghép tạng, ghép mô từ người chết não là rất cao, từ 50% - 60% và thậm chí là hơn 90%, như Tây Ban Nha, Pháp, các nước Bắc Mỹ. Những nước lân cận Việt Nam như Trung Quốc, Thái Lan... cũng ghép tạng từ người chết não rất nhiều. Còn ở Việt Nam thì số được ghép tạng hạn chế, đặc biệt là trong số người chết não, chỉ 0,15% (thống kê vào năm 2023), trong đó ghép tại Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Việt Đức chiếm đến 95%.
Chính vì vậy, sau 32 năm ghép tạng, cả nước mới ghép được 8.365 ca. Nhưng riêng trong 2 năm 2022 và 2023 thì số lượng ghép cao nhất, mỗi năm 1.000 ca, đứng đầu khu vực Đông Nam Á.
Hiện cả nước cũng mới chỉ có hơn 80.000 người đăng ký hiến tạng và số lượng hiến tạng để ghép chủ yếu từ người sống (chiếm 94 - 95%), số người chết não hiến tạng thấp.
"Chính vì không có mô, tạng nên hiện có 26 cơ sở hoạt động ghép tạng, ghép mô kém hiệu quả, không đồng đều, ít đầu tư và không đúng. Chỉ có khoảng 4 bệnh viện ghép trên 100 ca/năm, có nơi 1 tuần ghép 1 - 2 ca. Thực trạng hiện nay nhiều bệnh viện phải dừng ghép tạng, nguyên nhân không phải do họ không làm được mà là do không có tạng để ghép", PGS-TS Đồng Văn Hệ nói.
Làm sao để tăng nguồn tạng hiến từ người chết não?
PGS-TS Đồng Văn Hệ cũng cho rằng việc người chết não ít hiến mô, tạng không phải do quan điểm tôn giáo, tín ngưỡng, do người dân không hiểu mà là những lý do khác. Ông dẫn chứng, các nghiên cứu đã chỉ ra gồm 10 yếu tố liên quan trực tiếp đến việc hiến mô tạng, trong đó có 7 yếu tố liên quan đến trong bệnh viện, 3 yếu tố liên quan đến hệ thống.
Theo PGS-TS Đồng Văn Hệ, hoạt động trong bệnh viện là chìa khóa thành công, nhất là hiệu quả của tổ tư vấn hiến tạng khi chết não. Xây dựng mạng lưới vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người là cấp thiết, vì không có nguồn thì không thể ghép.
Tại hội nghị, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, nguyên thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn và nhiều lãnh đạo bệnh viện đề xuất có thêm cơ chế chính sách cho việc hiến và ghép tạng, như chi phí cho công tác lấy, ghép tạng và thân nhân người hiến tạng.
Trong đó cũng nhấn mạnh vai trò của người tư vấn sau khi bệnh nhân chết não tại các khoa hồi sức của bệnh viện. Bởi hằng năm có hàng ngàn người tử vong do tai nạn giao thông, nếu những người này hiến tạng, mô thì sẽ cứu được rất nhiều bệnh nhân cần ghép tạng, ghép mô.
Tại hội nghị, Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam đã trao quyết định thành lập Chi hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam tại Bệnh viện Chợ Rẫy. TS-BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy được bầu làm trưởng chi hội.
Theo TS-BS Nguyễn Tri Thức, công tác vận động hiến tạng từ người chết não đã diễn ra từ lâu, nhưng chưa có hệ thống hóa từ Trung ương đến địa phương, chưa đi vào quy củ và còn tản mác. Do đó, Chi hội là cánh tay nối dài của Hội, tạo ra nguồn tạng phong phú và đáp ứng nhu cầu người dân.
"Ghép tạng gồm 4 nội dung quan trọng: Vận động, điều phối, ghép và hồi sức. Trong đó, để có nguồn tạng thì công tác vận động phải luôn đi đầu", ông Thức nói.
Tính đến nay, đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người ở Bệnh viện Chợ Rẫy đã tiếp nhận hơn 47.000 đơn đăng ký hiến tạng.