Theo bảng công bố thông tin mới đây, mức lỗ sau thuế của Công ty cổ phần Vua Nệm tăng hơn 43% so với năm 2022. Đây là năm thứ hai liên tiếp, doanh nghiệp thua lỗ. Như vậy, trừ năm 2021, doanh nghiệp này đã báo lãi âm 6 năm kể từ khi công bố thông tin năm 2017 và số thâm hụt lợi nhuận của năm 2023 cũng đạt mức cao nhất.
Hoạt động kinh doanh xấu đi trong nửa cuối năm, trong khi trước đó, công ty từng báo lãi 3 tỷ đồng cho 6 tháng đầu năm. Giải thích với VnExpress, đại diện Vua Nệm cho biết trong hai quý đầu năm, tỷ lệ doanh thu trên chi phí vẫn ghi nhận tăng trưởng theo đúng kế hoạch đề ra. Tuy nhiên suy thoái kinh tế diễn ra mạnh và ảnh hưởng sâu nhất vào nửa cuối năm. Cộng hưởng làn sóng "thắt chặt hầu bao" của người tiêu dùng, sức mua thời điểm này sụt giảm kéo theo doanh thu của công ty đi xuống.
Tuy nhiên, đại diện công ty đánh giá khó khăn về doanh thu chỉ là tạm thời. Vua Nệm cho rằng vẫn còn nhiều tiềm năng tăng trưởng doanh thu với thị trường "giải pháp giấc ngủ ở Việt Nam", dự kiến đạt trên 1 tỷ USD vào 2025.
"Công ty đã có nhiều kế hoạch và hành động để giảm thiểu tác động xấu của thị trường và có những tín hiệu tích cực ở những tháng cuối năm 2023, đầu năm 2024 như tái cấu trúc thương hiệu, tối ưu vận hành hệ thống, tối ưu danh mục sản phẩm", đại diện Vua Nệm nói.
Lợi nhuận âm làm xói mòn vốn chủ sở hữu. Đến cuối năm 2023, chỉ số này giảm 74% về còn hơn 27 tỷ đồng. Tuy nhiên, điểm sáng là tổng nợ phải trả của công ty sụt 29% về khoảng 308 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ trái phiếu chiếm một phần ba.
Vua Nệm từng phát hành một lô trái phiếu trị giá 150 tỷ đồng vào tháng 5/2022, đáo hạn tháng 5 tới. Lãi suất đưa ra ở mức 12,5% mỗi năm. Hiện lô này còn lưu hành khoảng 45,7 tỷ. Trong năm ngoái, công ty tốn gần 18 tỷ để thanh toán lãi cho các trái chủ và không ghi nhận tình trạng chậm trả.
Bàn về kế hoạch sắp tới, đại diện doanh nghiệp nói sẽ dừng kế hoạch mở rộng để tập trung tối ưu hiệu quả. Ở kênh cửa hàng, Vua Nệm nói sẽ tối ưu các chỉ số kinh doanh như tăng giá trị đơn hàng, tăng tỷ lệ chuyển đổi khách hàng và các chỉ số khác, đồng thời cũng tối ưu chi phí vận hành. Kênh online sẽ tập trung tăng hiệu quả chốt đơn ngay lần đầu, tăng số lượng khách hàng có nhu cầu.
Công ty cũng muốn tối ưu chi phí vận hành trong doanh nghiệp, nhất là giảm gánh nặng tài chính từ lãi vay. Gần đây, công ty chủ động thanh toán trước hạn 90,3 tỷ đồng trái phiếu. Việc này đã giúp đơn vị giảm chi phí tài chính xấp xỉ một tỷ đồng mỗi tháng. Đến hết tháng 2, lũy kế chi phí lãi vay tiết kiệm được hơn 4 tỷ đồng. Doanh nghiệp vẫn đang tái cấu trúc toàn bộ nhằm tăng chỉ số lành mạnh cho công ty, giảm bớt áp lực về tài chính.
Hệ sinh thái Vua Nệm có công ty mẹ là Công ty cổ phần Đầu tư Vua Nệm. Doanh nghiệp này sở hữu hai công ty con gồm Công ty cổ phần Chúc Ngủ Ngon - quản lý các khoản đầu tư, và Công ty cổ phần Vua Nệm - kinh doanh chăn, ga, gối, nệm, thảm và các sản phẩm dệt may khác. Phần lớn doanh thu đều đến từ hoạt động bán hàng. Năm ngoái, công ty mẹ Đầu tư Vua Nệm cũng lỗ hơn 91 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ.
Vua Nệm thành lập năm 2007, do nhóm khởi nghiệp được ông Nguyễn Vũ Nghĩa và ông Hoàng Tuấn Anh dẫn dắt. 10 năm sau, Mekong Capital gia nhập và tổ chức lại hệ sinh thái như hiện nay. Hiện tại, chuỗi này có 129 cửa hàng, giảm 21 điểm bán so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn là chuỗi bán lẻ nệm lớn nhất cả nước.
Từ trước đến nay, thương hiệu này chiếm lĩnh thị phần ở phân khúc trung và cao cấp. Tuy nhiên trước thực trạng khó khăn chung của nền kinh tế, Vua Nệm đang muốn định vị lại hình ảnh thành một chuỗi bán nệm thân thiện hơn, chất lượng hơn và giá bình ổn.
Tất Đạt