Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho biết, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 3/2024 ước đạt 1,12 tỷ USD, tăng 46,3% so với tháng 2/2024, nhưng giảm 1,9% so với tháng 3/2023. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 749 triệu USD, tăng 57,8% so với tháng 2/2024, nhưng giảm 3,9% so với tháng 3/2023.
Tính chung 3 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước tính đạt 3,4 tỷ USD, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ ước tính đạt 2,3 tỷ USD, tăng 22,9% so với cùng kỳ năm 2023.
Sự khởi đầu thuận lợi trong những tháng đầu năm với việc các đơn hàng gia tăng, các doanh nghiệp ngành gỗ tăng tốc sản xuất để kịp tiến độ xuất khẩu đã mở ra tín hiệu tích cực và mang tới kỳ vọng cho ngành gỗ của Việt Nam trong năm 2024. Trong đó, nhu cầu tại các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Canada, Anh và các thị trường trong khối EU… đang có sự phục hồi đã đem lại sự lạc quan cho ngành gỗ xuất khẩu của Việt Nam.
Theo báo Công Thương, trong cơ cấu thị trường xuất khẩu, Hoa Kỳ luôn là điểm đến lớn nhất đối với sản phẩm gỗ của Việt Nam. Hai tháng đầu năm 2024, trị giá xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm 53,2% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, đạt 1,2 tỷ USD, tăng 51,7% so với cùng kỳ năm 2023.
Ngoài thị trường Hoa Kỳ, gỗ và sản phẩm gỗ còn xuất khẩu tới một số thị trường khác có tốc độ tăng trưởng cao trong 2 tháng đầu năm 2024, cụ thể: Xuất khẩu tới thị trường Trung Quốc đạt 306,3 triệu USD, tăng 25,3% so với cùng kỳ năm 2023; Tiếp theo là thị trường Canada đạt 36 triệu USD, tăng 47,4%; Anh đạt 32,8 triệu USD, tăng 35,2%; Hà Lan đạt 23,2 triệu USD, tăng 46,9%; Pháp đạt 22,1 triệu USD, tăng 26,7%...
Dù tín hiệu đầu năm 2024 khá lạc quan, tuy nhiên các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ đang đứng trước không ít khó khăn.
Xung đột địa chính trị vẫn diễn biến phức tạp khiến chi phí logistics gia tăng; các quy định về phòng, chống suy thoái rừng sẽ được châu Âu áp dụng từ cuối năm 2024; các loại thuế về carbon sẽ đến nhanh hơn; thị trường Mỹ áp quy định về chống bán phá giá, điều tra tủ bếp… Đây là những thách thức mà doanh nghiệp ngành gỗ, nội thất phải đối mặt và cần kịp thời nắm bắt thông tin để có các giải pháp ứng phó.
Đứng trước bài toán tồn tại và phát triển, mỗi doanh nghiệp đều đang nỗ lực tìm lối đi riêng. Ông Trần Quốc Mạnh, Phó chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam chia sẻ với báo Đầu tư, nhiều doanh nghiệp trong ngành đã chủ động phối hợp với khách hàng nước ngoài, sản xuất những mẫu mã mới mang thương hiệu riêng để chiếm lĩnh thị trường mục tiêu. Nhiều thị trường mới như Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Campuchia, Singapore, Lào, Indonesia, Philippines… được doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ khai thác đang đạt mức tăng trưởng khá tốt.
Cùng với việc phát triển mẫu mã mới, Công ty TNHH Minh Phát 2 (Mifaco) tập trung kiện toàn bộ máy, tìm giải pháp tiết giảm chi phí. Ông Điền Quang Hiệp, đại diện Mifaco nhấn mạnh, dù khó khăn, Công ty vẫn dành ngân sách nhất định để đầu tư máy móc nhằm giảm chi phí nhân công, thông tin tới người lao động để tạo sự đồng lòng, quyết tâm cùng doanh nghiệp tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Không chỉ là câu chuyện phát triển mẫu mã mới hay tiết giảm chi phí, theo ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (Hawa), năm nay có khoảng 10 doanh nghiệp tham gia Hội chợ Nội thất quốc tế Index 2024 (Dubai). Ngoài ra, Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư Tp.HCM cũng hỗ trợ Hawa 1 gian hàng tại Tuần lễ Thiết kế Milan 2024 vào giữa tháng 4/2024. Có khoảng 30 doanh nghiệp ngành gỗ, thủ công mỹ nghệ sẽ tham gia trực tiếp sự kiện này.
“Không chỉ 2 hội chợ nói trên, Hawa sẽ tiếp tục chọn ra những doanh nghiệp tiêu biểu để tham gia các hội chợ khác nhằm thúc đẩy hoạt động thương mại. Kênh hội chợ được đánh giá là cơ hội để các doanh nghiệp trong ngành tìm kiếm cơ hội lội ngược dòng trong năm 2024”, ông Phương nói.
Minh Hoa (t/h)