Các bác sĩ cho biết phụ nữ mang thai khi lớn tuổi bằng phương pháp hỗ trợ sinh sản hoặc phương pháp tự nhiên đều tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của thai phụ và thai nhi.
Làm mẹ khi ở chức... bà nội
Tháng 4-2023, Bệnh viện Quân y 354 (Hà Nội) cho biết đã đỡ đẻ thành công cho một sản phụ sinh thường bé gái nặng 3,2kg ở tuổi 51. Sản phụ này đã là bà nội của hai cháu 11 tuổi và 7 tuổi, mang thai hoàn toàn tự nhiên.
Theo chia sẻ của sản phụ, khi nhận thấy không có kinh nguyệt bà cứ nghĩ là mình đã mãn kinh, cho đến khi thấy trong bụng có em bé đạp mới đi siêu âm, bất ngờ biết mình mang thai ở tuần thứ 22.
Sản phụ có ý định bỏ thai vì tuổi đã cao, cháu nội đã lớn và xấu hổ với mọi người, thế nhưng gia đình vẫn quyết định sinh em bé. Suốt quá trình mang thai, sản phụ thường xuyên thăm khám định kỳ, theo dõi và thai nhi không có gì bất thường. Rất may mắn sản phụ sinh đúng dự kiến và em bé chào đời khỏe mạnh.
Hay như mới đây, Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng cho biết cũng đã mổ đẻ thành công cho một sản phụ 60 tuổi, sinh con gái nặng 3,1kg.
Khi ở tuổi 59 vì quá khao khát có con nên hai vợ chồng sản phụ này đã tìm đến trung tâm hỗ trợ sinh sản của bệnh viện để được hỗ trợ thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm. Sau khi chuyển phôi thành công, thai kỳ phát triển thuận lợi, bệnh viện mổ đẻ thành công cho sản phụ.
Bác sĩ CKI Vũ Thị Thu - khoa sản, Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức (TP.HCM) - cho biết trong quá trình thăm khám và điều trị tại bệnh viện, bác sĩ cũng đã tiếp nhận không ít sản phụ mang thai trong độ tuổi 50 - 60. Điển hình như một sản phụ 51 tuổi, đã có cháu nội cháu ngoại, đến bệnh viện thăm khám vì thấy bụng mình to lên nhưng nghĩ là do khối u.
Tuy nhiên khi siêu âm thì phát hiện mình đã mang thai. Sau khi được các bác sĩ đánh giá các yếu tố nguy cơ, thai nhi không có bất thường, sản phụ này quyết định sinh em bé và may mắn em bé ra đời hoàn toàn khỏe mạnh.
Càng lớn tuổi mang thai rủi ro càng cao
Bác sĩ Thu cho biết trước khi bước vào giai đoạn mãn kinh, phụ nữ trải qua giai đoạn tiền mãn kinh, thời gian có thể kéo dài từ 3-5 năm. Ở giai đoạn này, nữ giới có thể xuất hiện các triệu chứng như cơn bốc hỏa, tâm trạng thay đổi, kinh nguyệt không đều, thưa dần... Do vậy, nhiều người thường nghĩ rằng mình không còn khả năng có thai dẫn đến có thai mà không hay biết.
Thực tế, ở giai đoạn tiền mãn kinh nữ giới vẫn có khả năng mang thai, mặc dù tỉ lệ không cao vì lúc này buồng trứng vẫn còn hoạt động trước khi ngừng hẳn. Trong giai đoạn này, nữ giới không nên chủ quan và vẫn nên có biện pháp tránh thai phù hợp.
Bác sĩ Thu cho hay đối với những sản phụ lớn tuổi khi mang thai nguy cơ em bé gặp phải những bất thường sẽ cao.
Cụ thể, thai nhi có thể mắc một số khiếm khuyết theo hướng lệch bội nhiễm sắc thể như hội chứng Down - đây là hội chứng dễ gặp nhất có liên quan đến tuổi người mẹ, đặc biệt khi đã lớn tuổi. Ngoài ra, sản phụ có thể đối mặt với nhiều nguy cơ khác như sẩy thai, sinh non, tiền sản giật...
"Trường hợp nếu lỡ mang thai trong độ tuổi tiền mãn kinh, thai phụ phải tuân thủ tuyệt đối theo hướng dẫn của các bác sĩ. Chú ý đến thăm khám đầy đủ để sàng lọc những yếu tố nguy cơ cho cả mẹ và bé", bác sĩ Thu nhấn mạnh.
Một chuyên gia về sản khoa tại TP.HCM cũng cho biết thêm tại Việt Nam hiện nay đa phần các trường hợp mang thai trong giai đoạn tiền mãn kinh, mãn kinh đều nhờ phương pháp hỗ trợ sinh sản. Tuy nhiên, nếu mang thai ở giai đoạn này bằng cả phương pháp hỗ trợ sinh sản hoặc tự nhiên, nguy cơ bất thường thai nhi là rất lớn, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho cả mẹ và bé.
Theo vị chuyên gia này, giai đoạn tiền mãn kinh của phụ nữ thường kéo dài từ 45 - 55 tuổi. Giai đoạn này trứng đã già, do đó nguy cơ xuất hiện các gene xấu rất lớn. Kể cả phương pháp mang thai bằng hỗ trợ sinh sản hoặc tự nhiên đều tiềm ẩn nguy cơ thai nhi bị dị tật.
Ngoài ra, khi lớn tuổi, trứng và tinh trùng sẽ kém chất lượng khiến thai nhi có nguy cơ mắc phải hội chứng Down rất cao.
"Nhiều phụ nữ khi lớn tuổi có thể mắc một số bệnh lý như cao huyết áp, đái tháo đường... nếu mang thai sẽ nguy hiểm tính mạng cả mẹ và bé, sản phụ sẽ khó sinh thường mà phải mổ lấy thai. Sau khi sinh xong, những sản phụ này có độ hồi phục sức khỏe kém, cần nhiều thời gian để hồi phục hơn. Chưa kể, việc chăm con khi quá độ tuổi lao động cũng có thể ảnh hưởng đến tương lai của trẻ", vị chuyên gia này cho hay.
Các bác sĩ khuyến cáo trong giai đoạn tiền mãn kinh, phụ nữ trung niên nên tuân thủ các biện pháp tránh thai an toàn như uống thuốc tránh thai, dùng que tránh thai, đặt vòng... tùy theo tình trạng sức khỏe của mỗi người, bởi phụ nữ lớn tuổi có nhiều rủi ro khi mang thai và sinh con.
Nữ giới nên sinh con trong độ tuổi nào?
Bác sĩ Trịnh Nhật Thu Hương - trưởng khoa chăm sóc trước sinh, Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) - cho biết giai đoạn vàng trong độ tuổi sinh sản của nữ là từ 20 - 25 tuổi. Đây là giai đoạn mà buồng trứng phát triển tối ưu, ít bị bất thường nhất. Một trong những yếu tố tối ưu để có em bé khỏe mạnh là phải mang thai trong giai đoạn còn trẻ.
Đối với trường hợp phụ nữ trên 35 tuổi đã có thai, bác sĩ Hương cho biết sản phụ sẽ phải tuân theo quy trình khám thai kỹ lưỡng theo hướng dẫn của bác sĩ.
TTO - Bà mẹ họ Tian mang thai tự nhiên nhờ phương pháp điều trị truyền thống của Trung Quốc và sinh con hoàn toàn khỏe mạnh, trở thành người mẹ sinh con ở độ tuổi cao nhất tại nước này.