Chỉ tiêu ít do phải "chia sẻ" giữa nhiều phương thức xét tuyển cộng với cách tính điểm chuẩn được coi là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng điểm chuẩn cao "ngất trời" ở một số ngành, một số trường.
Ngậm ngùi điểm 9
Tại Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM), một số ngành có điểm chuẩn trên 27 điểm như báo chí, truyền thông đa phương tiện, quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành. Như vậy, thí sinh đạt 9 điểm mỗi môn thi vẫn không trúng tuyển các ngành này.
Điểm chuẩn Học viện Báo chí và Tuyên truyền có ngành 9,5 điểm/môn vẫn trượt. Cụ thể, ngành truyền thông đa phương tiện tổ hợp C15 của trường này lấy 28,68 điểm.
Tương tự, để trúng tuyển vào Học viện Ngoại giao bằng tổ hợp C00 ngành có điểm chuẩn thấp nhất, trung bình mỗi môn thí sinh phải đạt 9,25 điểm. Điểm chuẩn tổ hợp C00 vào 8 mã ngành của Học viện Ngoại giao dao động từ 27,77 - 28,46 điểm.
Đặc biệt, ghi nhận tại Đại học Bách khoa Hà Nội, hai thủ khoa toàn quốc khối A00 đạt 29,35 điểm đã trượt nguyện vọng 1 khi điểm chuẩn ngành khoa học máy tính của trường này lấy 29,42 điểm.
Các ngành có điểm chuẩn cao kế tiếp là khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo 28,80 điểm, kỹ thuật máy tính 28,29 điểm, công nghệ thông tin Global ICT 28,16 điểm, an toàn không gian số 28,05 điểm... và nhiều ngành khác lấy điểm chuẩn trên 27 điểm.
Ngành khoa học máy tính (chương trình tiên tiến) tại Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM) cũng có điểm chuẩn lên đến 28,05. Như vậy, nếu không có điểm cộng ưu tiên, thí sinh đạt 9 điểm mỗi môn vẫn trượt nguyện vọng yêu thích.
Chỉ tiêu ít, cách tính điểm chuẩn riêng
Theo ông Phạm Tấn Hạ, phó hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM), có nhiều lý do dẫn đến điểm chuẩn cao: ngành "hot" nên thí sinh quan tâm đăng ký nhiều, điểm thi cao cùng với chỉ tiêu cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT không nhiều do xét tuyển nhiều phương thức.
"Trường tuyển nhiều phương thức để tạo thêm cơ hội cho thí sinh tham gia xét tuyển. Do vậy, nếu thí sinh có năng lực và điều kiện nên tham gia nhiều phương thức xét tuyển để tăng cơ hội trúng tuyển vào những ngành mong muốn.
Thực tế những ngành hot, trường cũng muốn chọn được những thí sinh thực sự giỏi và phù hợp. Chẳng hạn ngành truyền thông đa phương tiện, những thí sinh tuyển thẳng rất giỏi. Họ đã tham gia thực hiện các hoạt động truyền thông từ thời phổ thông" - ông Hạ nói.
Bà Hoàng Thanh Tú, phó trưởng phòng thông tin - truyền thông Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM), cho rằng chỉ tiêu các phương thức được trường xác định sớm, trong đó chỉ tiêu cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT chiếm từ 30 - 50%.
Ngành khoa học máy tính luôn có điểm chuẩn cao trong những năm gần đây vì số lượng thí sinh giỏi nhất, nhì quốc gia tham gia các phương thức xét tuyển sớm nhiều.
Ngành này cũng có chỉ tiêu tổng thấp nhất trường nên sau khi tuyển các phương thức khác, chỉ tiêu cho xét điểm thi tốt nghiệp còn đúng bằng chỉ tiêu trường xác định ban đầu. Chỉ tiêu ít, thí sinh điểm cao nên điểm chuẩn cao.
PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, phó hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Hà Nội, cho biết ngành sư phạm lịch sử năm nay có điểm chuẩn cao nhất 28,42 điểm vì năm nay có 16 học sinh đạt giải quốc gia môn lịch sử đăng ký vào ngành này và đã nhập học trước theo diện xét tuyển thẳng. Do vậy chỉ tiêu xét điểm tốt nghiệp THPT giảm, còn lại khoảng 30 chỉ tiêu.
Về việc hai thủ khoa toàn quốc khối A00 là Nguyễn Mạnh Thắng và Nguyễn Mạnh Hùng đều đạt 29,35 điểm nhưng vẫn không đỗ nguyện vọng 1 vào ngành khoa học máy tính, đại diện Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết nguyên nhân do cách tính điểm chuẩn riêng của Đại học Bách khoa Hà Nội.
Cụ thể, với ngành này, điểm chuẩn được tính theo công thức: [(môn 1 + môn 2 + môn toán x 2) x 3/4] + điểm ưu tiên. Hai thủ khoa đều đạt 9,6 điểm, thấp hơn điểm toán của nhiều thí sinh khác. Khi áp dụng công thức tính điểm hai thí sinh này có tổng điểm không bằng các thí sinh khác có điểm môn toán cao hơn.
Dù ngành khoa học máy tính của Đại học Bách khoa tuyển 300/7.985 chỉ tiêu toàn trường, thế nhưng bên cạnh việc xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, Đại học Bách khoa Hà Nội còn rất nhiều phương thức xét tuyển quan trọng khác cho ngành này như xét tuyển tài năng (xét tuyển thẳng học sinh giỏi, xét tuyển dựa trên các chứng chỉ quốc tế SAT, ACT, A-Level, AP và IB, xét tuyển dựa theo hồ sơ năng lực kết hợp phỏng vấn), xét tuyển theo kết quả kỳ thi đánh giá tư duy 2023, xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo...
Phải tận dụng mọi phương thức xét tuyển?
Em Nguyễn Thị Phương (Bắc Ninh) cho biết khi thấy hai thủ khoa toàn quốc khối A00 trượt nguyện vọng 1 vào ngành yêu thích, Phương rất sốc và lo lắng cho bản thân vì sang năm em sẽ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học.
"Tôi rất hoang mang khi chứng kiến cảnh nhiều thí sinh đạt điểm gần tuyệt đối vẫn trượt nguyện vọng 1. Phải chăng ở thời điểm này, thí sinh phải tham gia tất cả các kỳ thi đánh giá năng lực, thi vấn đáp, "cày" chứng chỉ ngoại ngữ để tận dụng mọi phương thức xét tuyển để không bỏ sót cơ hội?" - Phương thắc mắc.
Khối sư phạm tăng "khủng"
Năm 2023, Trường đại học Sư phạm Hà Nội công bố điểm chuẩn trúng tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT từ 18,3 - 28,42 điểm. Trong đó, có tám ngành đào tạo giáo viên có điểm chuẩn trên 27 điểm, gồm: giáo dục đặc biệt, giáo dục công dân, giáo dục chính trị, sư phạm toán dạy bằng tiếng Anh, sư phạm ngữ văn, sư phạm lịch sử, sư phạm địa lý, sư phạm tiếng Anh.
Đặc biệt, ngành sư phạm lịch sử dẫn đầu điểm chuẩn với tổ hợp C00 28,42 điểm (tương đương 9,47 điểm/môn), tổ hợp D14 của ngành này cũng là 27,76 điểm; kế tiếp là ngành sư phạm giáo dục chính trị 28,13 điểm tổ hợp C19 (tương đương 9,38 điểm/môn).
Tại Trường đại học Sư phạm Hà Nội 2, ngành sư phạm lịch sử lấy điểm chuẩn cao nhất 28,58 điểm, tương đương 9,52 điểm/môn. Ngoài ra, sư phạm ngữ văn cũng có điểm chuẩn 27,47, sư phạm lịch sử - địa lý 27,43.
Ngành sư phạm lịch sử Trường đại học Sư phạm Thái Nguyên cũng lấy điểm chuẩn tổ hợp C00, C19, D14 cùng mức 28 điểm.
Điểm chuẩn tăng 10 điểm!
Trong khi đó, dù điểm chuẩn không cao ngất ngưởng như nhiều trường khác nhưng điểm chuẩn Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM lại tăng đột biến so với năm 2022. Nhiều ngành có điểm chuẩn tăng 10 điểm.
Nhiều ngành năm trước chỉ có điểm chuẩn 15, năm nay tăng vọt lên 24 - 25 điểm. Chẳng hạn ngành khai thác vận tải (chuyên ngành quản lý và kinh doanh vận tải) có điểm chuẩn 24,75, năm trước chỉ có 15 điểm. Kỹ thuật điện tử viễn thông, kinh tế vận tải biển từ 15 tăng vọt lên 24,75. Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa từ 15 tăng lên 25.
Ngành có điểm chuẩn tăng mạnh nhất là công nghệ thông tin chất lượng cao tăng 10,65 điểm, từ 15 lên 25,65 điểm. Hầu hết các ngành còn lại đều có điểm chuẩn tăng từ 7 - 8 điểm so với năm 2022.
Ông Nguyễn Xuân Phương - hiệu trưởng Trường đại học Giao thông vận tải TP.HCM - cho biết có nhiều nguyên nhân khiến điểm chuẩn trường tăng. Điểm thi của thí sinh năm nay tốt hơn, học phí của trường thấp và nhiều năm không tăng cũng thu hút thí sinh.
Ngoài ra, các dự án giao thông vận tải lớn của quốc gia như đường cao tốc, đường sắt cao tốc, cảng biển, năng lượng tái tạo đang được đầu tư, triển khai nên cũng phần nào thu hút thí sinh.
Thống kê điểm chuẩn các trường công bố ngày 22-8 cho thấy xu hướng chung điểm chuẩn phần lớn các ngành giảm, một số ít ngành tăng điểm.