Ngày 6-4, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Đào Ngọc Tuấn - phó viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - cho biết như vậy khi chia sẻ về nỗi lo lòng sông Hồng tụt nhanh.
Cát về ít nhưng lại khai thác quá mức?
Trước đó, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, PGS.TS Đào Trọng Tứ, trưởng Ban điều hành mạng lưới sông ngòi Việt Nam, cũng cho biết ghi nhận nhiều đoạn trên sông Hồng đã bị hạ thấp so với trước đây khoảng 2-3m.
Ông Đào Ngọc Tuấn cho hay tình trạng tụt lòng sông Hồng từ nhiều năm trước đã được đơn vị này cảnh báo. Theo ông, để lòng sông Hồng quay lại "như xưa" rất khó, nhưng ông Tuấn cũng cho rằng không hạn chế khai thác cát thì rất khó để cải thiện chất lượng, tăng bồi lắng cát ở lòng sông.
Theo ông Tuấn, có hai lý do chủ yếu khiến sông Hồng bị biến đổi dòng chảy, tụt lòng là do khai thác cát quá mức và xây hồ chứa ở khu vực thượng nguồn, làm phù sa, cát bồi lắng về hạ du rất ít.
Đáng chú ý, nếu so sánh với trước năm 1990 thì đến nay sông Hồng (đoạn thuộc địa phận thị xã Sơn Tây, Hà Nội) chỉ còn 10-20% lượng phù sa bồi lắng. Đáng lo ngại khi lượng cát về ít nhưng lại khai thác quá mức nên lòng sông Hồng mới tụt nhanh.
"Chúng tôi cũng đã vẽ một số mặt cắt sông Hồng để thấy rõ lòng sông bị tụt. Ghi nhận cho thấy khu vực lòng sông tụt nhiều nhất đã âm khoảng 15m so với mực nước biển. Từ kết quả nghiên cứu và so sánh thì trong vòng 10 năm, nhiều đoạn sông Hồng tụt khoảng 2-3m so với lòng dẫn cũ", ông Tuấn nói.
Giải pháp tốt nhất để cải thiện chất lượng lòng sông, theo ông Tuấn, ngoài hạn chế khai thác cát nên bắt tay vào nghiên cứu làm một số đập dâng ở sông Hồng để giảm bớt vận tốc chảy của dòng nước, ngăn xói lở lòng sông.
Mực nước sông Hồng lên xuống bất thường
Ghi nhận của phóng viên Tuổi Trẻ, hiện nay nhiều công trình trên hệ thống thủy lợi ở miền Bắc vào mùa khô cao hơn cả mặt nước sông Hồng. Điều này gây khó khăn khi đưa nước từ sông qua hệ thống trạm bơm vào cánh đồng.
Bên cạnh đó, những kênh thủy lợi, sông trong nội đô… không được rửa trôi thường xuyên đã khiến tình trạng ô nhiễm ngày một trầm trọng hơn.
Trao đổi với phóng viên, ông Đào Mạnh Thủy, phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy lợi sông Tích, cho biết những năm trước nhiều khu vực đơn vị này phụ trách trạm bơm đầu mối lấy nước rất khó khăn. Sau đó một số bộ, ngành và UBND TP Hà Nội đã phải đầu tư nhiều hệ thống máy bơm dã chiến để thích ứng với mực nước sông Hồng hạ thấp.
Tuy nhiên, theo ông Thủy, do mực nước sông Hồng mấy năm nay lên xuống bất thường nên công ty đã phải di chuyển, hạ thấp hệ thống đặt trạm bơm dã chiến. Những hệ thống trạm bơm dã chiến sẽ được kích hoạt trong những thời điểm khi mực nước sông xuống quá thấp hoặc liên hồ chứa không xả nước.
"Rút ruột" lòng sông sẽ đe dọa đến phát triển kinh tế nông nghiệp
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh - nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương - cho hay cần điều tra, đánh giá, công bố thường xuyên trữ lượng cát trên sông Hồng cũng như các hệ thống sông lớn của nước ta.
Ông Doanh cho rằng sau khi có đánh giá tổng thể, đối với những khu vực đã cạn kiệt, lòng sông tụt sâu thì không nên cấp phép khai thác mỏ cát sỏi mới. Bên cạnh đó các địa phương phải giám sát, xử lý nghiêm, quy trách nhiệm cụ thể cho tổ chức, cá nhân nếu vẫn còn để xảy ra "nạn" khai thác cát sỏi trái phép.
Theo ông Doanh, để phát triển kinh tế thì luôn cần cát sỏi xây dựng nhưng đã là tài nguyên thì khai thác mãi cũng đến ngày cạn kiệt nên cần phải hướng tới các vật liệu thay thế.
Trước đó, như đã thông tin, trong văn bản gửi Sở Giao thông vận tải tỉnh Phú Thọ (ngày 8-1), Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết xói lở, hạ thấp lòng dẫn hệ thống sông Hồng - Thái Bình những năm gần đây có diễn biến phức tạp.
Theo đó, nguyên nhân chính dẫn tới xói lở, hạ thấp lòng dẫn của hệ thống sông Hồng - Thái Bình, trong đó có cầu Trung Hà (bắc qua sông Đà, nối Phú Thọ - Hà Nội) bị trơ móng là do khai thác cát.
Yêu cầu chủ mỏ cát công khai giấy phép khai thác
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Châu Trần Vĩnh - cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) - cho biết cấp phép khai thác mỏ cát là thẩm quyền, trách nhiệm của địa phương. Tuy nhiên, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã có nhiều văn bản đề nghị tăng cường quản lý lòng, bờ, bãi sông...
Ông Vĩnh cho hay đối với các mỏ khai thác cát, sỏi lòng sông thì ngoài yêu cầu tuân thủ pháp luật về khoáng sản, môi trường còn phải đáp ứng quy định tại nghị định 23 năm 2020 của Chính phủ, trong đó phải bảo vệ duy trì khả năng thoát lũ dòng sông. Đồng thời không gây xói lở, gây mất ổn định bờ bãi sông và ảnh hưởng đến chức năng của nguồn nước.
Trong cơn khát nguồn cát phục vụ san lấp, xây dựng đã khiến không ít khúc sông Hồng chảy qua nhiều địa phương ở phía Bắc bị "biến dạng". Một diện tích lớn đất canh tác ở bãi bồi từ hàng chục năm qua đã bị trôi tuột xuống sông.