Đình Bắc là cầu thủ trẻ được nhắc đến nhiều trong gần 3 tháng qua. Và nhiều hơn bất kỳ cầu thủ nào khác của bóng đá Việt Nam.
Ngay cả với Quang Hải, ngôi sao đã không được HLV Philippe Troussier sử dụng một phút nào trong 2 trận đấu với Indonesia ở vòng loại thứ 2 World Cup 2026, khiến dư luận bức xúc.
Tuy nhiên, điều dư luận nhắc nhiều đến Đình Bắc lại toàn là những thông tin không hay. Anh mắc bệnh sao, bị kỷ luật nội bộ chuyển xuống đội trẻ do nhiều lần vi phạm nội quy ở CLB Quảng Nam.
Và đỉnh điểm chính là việc Đình Bắc "quay xe" không chịu gia nhập CLB Hà Nội dù đã đến tập cùng các đồng đội mới tại đây 2 buổi. Đó là một cú sốc chuyển nhượng hiếm thấy trong lịch sử V-League.
Với chuyện hậu trường khó làm thoải mái đầu óc như thế, Đình Bắc đã thi đấu rất tệ khi khoác áo đội tuyển Việt Nam đá với Indonesia ở vòng loại thứ 2 World Cup 2026.
Tương tự khi anh trở về CLB Quảng Nam thi đấu với LPBank Hoàng Anh Gia Lai ở vòng 15 V-League 2023-2024 vừa qua. Điều này khiến HLV Văn Sỹ Sơn đã lần thứ hai chỉ trích cậu học trò trên truyền thông.
"Tôi cho rằng do người môi giới hoặc có ai xui bạn ấy nên đầu óc không được tỉnh táo. Cầu thủ trẻ hơi ảo tưởng vì giá trị của mình", ông Văn Sỹ Sơn nói.
Đình Bắc thiếu một chỗ dựa
Với một cầu thủ phải đến tháng 8 này mới chính thức bước sang tuổi 20, việc nhận nhiều lời ca ngợi từ giới truyền thông và người hâm mộ sau khi ghi bàn vào lưới đội tuyển Nhật Bản ở Asian Cup 2023 khiến Đình Bắc không thể giữ đôi chân trên mặt đất.
Chỉ tiếc là Đình Bắc đã không có chỗ dựa tinh thần thực sự phía sau để hiểu mình vẫn chưa là gì cả, phải nỗ lực hơn để tiếp tục tiến bộ. Nói vậy bởi ở tuổi như Đình Bắc, Công Phượng hay Quang Hải còn xuất sắc hơn nhiều.
HLV Văn Sỹ Sơn có lẽ đã không còn đủ kiên nhẫn khi không thấy sự thay đổi nào từ Đình Bắc. Nhưng công kích học trò trên truyền thông cũng không phải là cách giáo dục tốt thay vì xử sự bao dung cho Đình Bắc trong thời điểm khó khăn hiện tại.
Nhưng đáng trách hơn cả vẫn là người đại diện đứng phía sau Đình Bắc. Thay vì những tư vấn và chiến lược sai lầm khiến thân chủ của mình càng ngày càng bị dư luận lên án, người đại diện cần đưa ra lời khuyên hợp lý hơn.
Người đại diện "làm hại" thân chủ của mình là chuyện không mới ở bóng đá Việt Nam. Sau ngôi á quân U23 châu Á 2018 lịch sử, nhiều cầu thủ ngôi sao khi đó đã có một nhóm người làm đại diện.
Nhưng vài người trong nhóm này sẵn sàng đôi co với người hâm mộ khi cầu thủ của mình bị chê thi đấu kém hoặc mắc sai lầm, thậm chí còn mắng cả truyền thông. Nổi bật là trường hợp của thủ môn Bùi Tiến Dũng, khi anh mắc sai lầm và bị dư luận lên án.
Ở bóng đá thế giới, người đại diện luôn đặt quyền lợi thân chủ cao hơn tiền bạc. Nhưng nhiều người đại diện ở Việt Nam thì làm sao để thân chủ mình kiếm nhiều tiền, còn được thi đấu hay không thì tính sau.
Như chuyện Đình Bắc được tuồn ra thông tin có CLB Nhật Bản sẵn sàng trả lương 10.000 USD/tháng khi cầu thủ trẻ này quyết định không gia nhập CLB Hà Nội.
Nhưng thực tế thì có CLB Nhật Bản nào ký với Đình Bắc đâu, buộc anh phải quay lại với Quảng Nam. Trong khi lẽ ra cầu thủ trẻ này sẽ có môi trường phát triển sự nghiệp tốt hơn ở CLB Hà Nội, nơi có những cầu thủ chất lượng bậc nhất của bóng đá Việt Nam.
Đình Bắc liệu có đứng dậy nhanh chóng sau vấp ngã chỉ có thể do chính anh tự quyết định. Nhưng rõ ràng, bài học trên là lời cảnh tỉnh lớn cho các cầu thủ trẻ khác soi mình vào để không phải hối tiếc.
HLV Văn Sỹ Sơn dù liên tục phê bình tiền đạo Đình Bắc nhưng cũng phải tạo cơ hội cho anh trong các trận đấu của CLB Quảng Nam sau án kỷ luật nội bộ.