Ngày 5-4, tại cổng Trường THCS Trần Quốc Toản (TP Nha Trang), trước giờ vô lớp và tan học nhiều xe máy hàng rong nhanh chóng đến đậu sẵn, tiếp cận học sinh. Chỉ với chiếc bếp di động, họ đã có thể chế biến đủ thứ món ăn từ bánh tráng nướng, xúc xích chiên, gà rán… và rao bán cho học sinh.
Khó quản lý người bán hàng rong, quán ăn vặt
Chị Lê Ngọc Thuận (phụ huynh học sinh Trường THCS Trần Quốc Toản) cho hay: "Tôi thường cho con tiền để ăn sáng, quà vặt. Nhưng ngay cả tôi cũng không tin tưởng về thực phẩm bán trước cổng trường vì không biết nguồn gốc xuất xứ từ đâu".
Ông Lê Tiến Vĩnh - trưởng Phòng Quản lý đô thị TP Nha Trang - cho hay thành phố đã phân cấp nhiệm vụ cho các xã, phường để xử lý tình trạng chiếm dụng vỉa hè, lòng đường buôn bán hàng rong.
Tuy nhiên một số nơi vẫn còn xử lý chưa nghiêm. Khi thấy lực lượng chức năng, người bán hàng rong bỏ chạy đến nơi khác và di chuyển nhiều nơi trong thành phố nên rất khó kiểm soát.
Phụ huynh yêu cầu mở căng tin, trường không thể lập đề án
Nhiều phụ huynh phản ảnh tại TP Nha Trang các trường không mở căng tin, buộc các em học sinh phải ăn ở ngoài nên chất lượng không đảm bảo, dễ có nguy cơ bị ngộ độc.
"Từ khi trường ngừng mở căng tin, con tôi phải ăn ngoài. Trong khi đồ ăn trong căng tin sẽ được sự quản lý của nhà trường, có kiểm tra. Khi học sinh ăn ở trong trường thì những quán hàng rong bên ngoài không ai mua sẽ rời đi", chị Nguyễn Minh Hạnh (phụ huynh học sinh Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi) nói.
Ông Trương Minh Trình - hiệu trưởng Trường THPT Lý Tự Trọng - cho hay không thể mở căng tin vì phải lập, trình đề án, cũng như trải qua nhiều bước đánh giá, đấu thầu…
"Căng tin thuận tiện cho học sinh, tuy nhiên không phải lúc nào trường cũng có thể kiểm tra, giám sát hoạt động buôn bán tại căng tin, hay khâu nhập nguyên liệu. Trước mắt chỉ nhắc nhở các em không sử dụng các thực phẩm không rõ nguồn gốc. Các em nên tự ăn tại nhà hoặc chọn những quán ăn uy tín", ông Trình nói.
Ông Nguyễn Đức Sơn - phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Khánh Hòa - cho hay theo công văn của Bộ Tài chính cũng như quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh (bao gồm các trường công lập) không được sử dụng tài sản công giao cho đơn vị quản lý, sử dụng vào mục đích kinh doanh, cho thuê...
Khi có nhu cầu sử dụng tài sản vào mục trên phải lập đề án sử dụng tài sản công và báo cáo cơ quan quản lý, được sự thẩm định của sở tài chính, sở giáo dục và đào tạo trước khi trình UBND tỉnh phê duyệt.
Đến nay các trường công lập trên toàn tỉnh vẫn chưa lập, nộp đề án nên vẫn chưa tổ chức được căng tin.
Theo ông Sơn, sở luôn có văn bản nhắc nhở các phòng giáo dục và đào tạo, các đơn vị tăng cường kiểm tra, nhắc nhở việc bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm. Có quy chế phối hợp ngành y tế, phụ huynh và các cơ quan chức năng nếu xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm.
"Tuy nhiên sở, các trường học chỉ quản lý phạm vi bên trong nhà trường. Những hàng rong, quán ăn lề đường thuộc quản lý của địa phương, các đơn vị liên quan", ông Sơn nói.
Liên tục xảy ra ngộ độc thực phẩm tại Nha Trang - Khánh Hòa
- Năm 2022, hơn 600 học sinh, nhân viên Trường Ischool Nha Trang ngộ độc sau bữa ăn trưa, trong đó 1 ca tử vong.
- Tháng 1-2024, 23 học sinh Trường THCS Phạm Ngũ Lão (xã Ninh An, thị xã Ninh Hòa) đã ăn kẹo do một học sinh bán lại phải nhập viện.
- Tháng 3-2024, tại quán cơm gà Trâm Anh có 369 người bị ngộ độc, trong đó nhiều ca là học sinh.
- Tháng 4-2024, hơn 10 học sinh Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi phải nhập viện sau khi ăn cơm gà gần trường.
- Tháng 4-2024, 37 học sinh Trường tiểu học Vĩnh Trường và Trường THCS Trần Hưng Đạo sau khi ăn sáng thì có dấu hiệu ngộ độc, 1 em tử vong, nhiều em vẫn còn đang điều trị tại các cơ sở y tế.
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa có văn bản đề nghị Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo điều tra làm rõ nguyên nhân, xử lý vụ việc khiến một học sinh tử vong tại trường học ở TP Nha Trang.