Loại cúm gia cầm nào có thể lây sang người?
Sau 8 năm không ghi nhận cúm gia cầm trên người, năm 2022 Việt Nam ghi nhận trở lại người mắc cúm A(H5N1). Tiếp đó, tháng 3 vừa qua ghi nhận ca tử vong do cúm A(H5N1) tại tỉnh Khánh Hòa.
Ngày 6-4, Bộ Y tế thông tin phát hiện ca mắc cúm gia cầm A(H9) lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam. Hiện các đơn vị đang tiếp tục thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu để xác định phân nhóm vi rút.
Việc ghi nhận cúm gia cầm trên người thời gian gần đây khiến nhiều người dân lo lắng. Vậy loại cúm gia cầm nào có lây sang người và gây ảnh hưởng đến sức khỏe ra sao?
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về cúm gia cầm tại Việt Nam, con người có thể bị nhiễm vi rút cúm gia cầm như cúm A(H5N1), A(H7N9) và A(H9N2).
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Trần Đắc Phu, nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho hay vi rút cúm có các tuýp là A, B và C.
Dựa trên 2 loại protein bề mặt là H (có 16 loại) và N (có 9 loại). H và N kết hợp theo các cách với nhau tạo nên chủng cúm khác nhau như cúm A(H1N1), cúm A(H5N1), cúm A(H9N2), cúm A(H3N2), cúm A(H7N9)…
Ông Phu cho hay tại Việt Nam, trước đây lưu hành cúm A(H5N1) trên người. Với cúm A(H9N2) ở nước ta ghi nhận có ở đàn gia cầm, có thể lây sang người nhưng chưa thấy dịch lớn xảy ra, mới chỉ có ca bệnh vừa công bố là ca đầu tiên.
"Tuy vậy, chúng ta cũng cần phải đề phòng vì các chủng vi rút rất dễ biến đổi thành chủng nặng hơn hoặc vẫn chủng đó nhưng biến đổi có độc lực cao hơn, lây lan nhanh hơn, triệu chứng nặng hơn…
Người dân cần thực hiện phòng chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế để phòng tránh nguy cơ mắc bệnh", ông Phu khuyến cáo.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cúm gia cầm trên người chủ yếu lây nhiễm thông qua tiếp xúc trực tiếp với động vật bị nhiễm bệnh hoặc môi trường bị ô nhiễm.
Theo đó, nhiễm vi rút cúm gia cầm, cúm lợn và các loại vi rút cúm khác ở người có thể gây ra nhiễm trùng đường hô hấp từ nhẹ như chỉ sốt và ho, đến nặng như viêm phổi nặng, hội chứng suy hô hấp cấp tính (khó thở), sốc và thậm chí tử vong.
Ngoài ra, cũng có thể mắc viêm kết mạc (mắt đỏ), các triệu chứng đường tiêu hóa, viêm não cũng đã được báo cáo ở các mức độ khác nhau phụ thuộc các phân type của vi rút cúm.
Loại cúm gia cầm H9N2 mới gây bệnh cảnh thế nào trên người?
Về tình hình dịch tễ, theo báo cáo ngày 27-3 của Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) năm 2024 về kết quả giám sát tại 12 tỉnh, thành phố cho thấy cúm A(H5N1) ghi nhận tại 6 tỉnh, buộc tiêu hủy gần 9.000 con gia cầm, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2023. Hiện nay, cả nước không có ổ dịch cúm gia cầm A(H5N1) chưa qua 21 ngày.
Đối với cúm A(H9N2), Cục Thú y thông tin trước đây vi rút có lưu hành trên đàn gia cầm trong nước, đây là vi rút cúm gia cầm độc lực thấp thường gây triệu chứng nhẹ và không gây chết gia cầm hàng loạt.
Tuy nhiên, con người vẫn có thể bị lây nhiễm và mắc bệnh cúm gia cầm A(H9N2) nếu tiếp xúc và sử dụng gia cầm và các sản phẩm gia cầm nhiễm bệnh.
Hiện Việt Nam chưa phát hiện vi rút cúm gia cầm A(H7N9) - chủng vi rút cúm gia cầm gây bệnh ở người tại Trung Quốc.
Về trường hợp ghi nhận cúm A(H9) trên người, Cục Y tế dự phòng thông tin thêm từ năm 2015 đến nay, ở khu vực Tây Thái Bình Dương ghi nhận 98 trường hợp mắc cúm A(H9N2), bao gồm 2 trường hợp tử vong, cả 2 trường hợp tử vong này đều là các bệnh nhân có bệnh nền.
Trong đó, 96 trường hợp bệnh được ghi nhận ở Trung Quốc và 2 trường hợp bệnh được nghi nhận tại Campuchia. Hiện tại chưa có bằng chứng cho thấy cúm A(H9N2) lây từ người sang người.
Cục cảnh báo hiện đang là giai đoạn chuyển mùa, thời tiết thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh phát triển, gia tăng sự tương tác giữa các chủng vi rút cúm cùng với nguy cơ lây nhiễm sang các loài động vật có vú.
Bộ Y tế cũng nhận định trong thời gian tới vẫn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm các chủng vi rút cúm gia cầm sang người.
Ngày 6-4, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) có công văn khẩn gửi Sở Y tế tỉnh Tiền Giang, Viện Pasteur TP.HCM đề nghị các đơn vị tăng cường công tác phòng, chống cúm gia cầm lây sang người sau khi ghi nhận ca mắc cúm A(H9) đầu tiên tại Việt Nam.