Trong công văn gửi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Bình Định cho biết để đầu tư mở rộng sân bay Phù Cát theo quy hoạch thời kỳ 2021 - 2023, tầm nhìn đến năm 2050, UBND tỉnh Bình Định cần khoảng 7.352 tỉ đồng.
Tổng mức trên sẽ đầu tư các hạng mục: xây dựng đường băng số 2, các đường lăn nối và công trình thuộc khu bay; xây dựng, di chuyển các công trình quân sự để bàn giao đất phục vụ xây dựng mở rộng khu hàng không dân dụng; xây dựng khu hàng không dân dụng.
UBND tỉnh Bình Định đề nghị Chính phủ, Thủ tướng xem xét chấp thuận phương án triển khai đầu tư xây dựng các hạng mục trên. Trong đó, giai đoạn trước mắt, cho phép triển khai đầu tư ngay hạng mục xây dựng đường băng số 2, các đường lăn nối và công trình khác thuộc khu bay với tổng mức đầu tư 3.013 tỉ đồng (giá trị bồi thường giải phóng mặt bằng khoảng 1.008 tỉ đồng), nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
UBND tỉnh Bình Định cho biết theo quy định của Luật Hàng không dân dụng và các nghị định có liên quan, thẩm quyền đầu tư xây dựng đường băng số 2, các đường lăn nối và các công trình khác thuộc khu bay thuộc về Bộ Giao thông vận tải và doanh nghiệp cảng hàng không.
Do đó, việc UBND tỉnh Bình Định đầu tư hạng mục trên bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh (bao gồm nguồn vốn trung ương hỗ trợ) sẽ không phù hợp theo quy định về nhiệm vụ chi đầu tư theo Luật Ngân sách (không dùng ngân sách của cấp này để chi cho nhiệm vụ của cấp khác).
Vì vậy, UBND tỉnh Bình Định kiến nghị Thủ tướng trình Quốc hội thông qua cơ chế đặc thù giao cho địa phương này đầu tư xây dựng đường băng số 2, các đường lăn nối và các công trình khác thuộc khu bay từ nguồn ngân sách do tỉnh quản lý (bao gồm nguồn vốn trung ương hỗ trợ).
Đồng thời UBND tỉnh Bình Định đề nghị Chính phủ, Thủ tướng đồng ý cho chủ trương tách nhiệm vụ bồi thường giải phóng mặt bằng thành dự án riêng để địa phương chủ động bố trí đủ kinh phí (khoảng 1.008 tỉ đồng) nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
UBND tỉnh Bình Định cho biết hiện nay tỉnh đang còn khó khăn về nguồn thu ngân sách, nhất là tiền sử dụng đất. Để đảm bảo nguồn vốn triển khai nhanh dự án, UBND tỉnh Bình Định đề nghị Chính phủ, Thủ tướng xem xét hỗ trợ một phần kinh phí đầu tư xây dựng mở rộng sân bay Phù Cát là khoảng 1.500 tỉ đồng, phần kinh phí còn lại sẽ được bố trí từ ngân sách địa phương.
Nâng công suất sân bay Phù Cát từ 2,5 triệu lên 5 triệu khách/năm
Cuối năm 2023, bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã phê duyệt quy hoạch Cảng hàng không Phù Cát thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, sân bay Phù Cát là cảng hàng không nội địa, dùng chung dân dụng và quân sự.
Trong thời kỳ 2021 - 2030, sân bay Phù Cát có cấp sân bay 4C (theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế - ICAO) và sân bay quân sự cấp I; công suất 5 triệu hành khách và 12.000 tấn hàng hóa/năm. Tầm nhìn đến năm 2050, sân bay Phù Cát có công suất 7 triệu khách và 27.000 tấn hàng hóa/năm.
TTO - UBND tỉnh Bình Định vừa có công văn đề nghị Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Thủ tướng chấp thuận chủ trương khảo sát, lập quy hoạch mở rộng sân bay Phù Cát, hướng đến phát triển thành cảng hàng không quốc tế.