Sáng nay, 7-4, hơn 94.000 thí sinh bắt đầu thi đánh giá năng lực đợt 1 năm 2024 của ĐH Quốc gia TP.HCM.
Kỳ thi diễn ra tại 24 tỉnh/thành, gồm: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Đắk Lắk, Lâm Đồng, TP.HCM, Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, An Giang, Cần Thơ, Kiên Giang, Bạc Liêu.
Theo ĐH Quốc gia TP.HCM, toàn kỳ thi có 51 đơn vị ĐH/trường ĐH phối hợp làm cụm thi với 90 địa điểm thi, huy động hơn 6.000 cán bộ làm công tác thi. Trong đó riêng TP.HCM có 17 cụm thi.
Trong 25 tỉnh/thành phố có thí sinh dự thi năm nay, TP.HCM có số lượng lớn nhất với hơn 39.000 em, kế đến là Bình Định, Đồng Nai, Đà Nẵng…
Ghi nhận của PLO, tại điểm thi Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, đợt này có hơn 1.400 thí sinh dự thi. Mặc dù theo quy định thí sinh có mặt tại phòng thi lúc 7 giờ 30 để làm thủ tục gọi vào phòng thi nhưng đa số các em đã có mặt từ rất sớm để tranh thủ xem thông tin phòng thi.
Nhìn chung, các em đi thi trong tâm thế thoải mái, nhẹ nhàng. Em Nguyễn Huỳnh Thảo Trang, thí sinh tại điểm thi này bày tỏ: "Em không thấy lo lắng hay áp lực gì hết trơn. Em và các bạn cùng lớp đăng ký thi từ rất sớm nhưng chủ yếu xem khả năng kiến thức mình đến đâu. Nếu kết quả cao em sẽ tự tin xét tuyển vào các trường khối kinh tế, nếu không em sẽ thi tiếp đợt 2 và tập trung cho thi tốt nghiệp".
Tương tự, em Bùi Minh Việt cho hay em đi cùng mẹ đến trường từ sớm để gặp trao đổi với bạn bè cho vui. Trước khi đi thi em đã ôn rất nhiều, chủ yếu ôn trên mạng cùng các bạn để trau dồi thêm kiến thức là chính. Em không lo lắng lắm vì trường em muốn vào học là ĐH Kinh tế TP.HCM nhưng trường sử dụng điểm thi này xét tuyển ít chỉ tiêu hơn các phương thức khác.
Được biết, đây là năm thứ 7 kỳ thi đánh giá năng lực được tổ chức dành cho học sinh đang học lớp 12 và thí sinh tự do muốn xét tuyển vào 105 trường ĐH-CĐ, trong đó có 97 trường ĐH có sử dụng kết quả kỳ thi này.
Đây là đợt có số lượng thí sinh dự thi cao nhất trong lịch sử kỳ thi đánh giá năng lực này, tính từ năm 2018. Và đây cũng là năm thi của lứa học sinh học theo chương trình giáo dục phổ thông cũ, bởi từ năm 2025 tới, kỳ thi sẽ có một số điều chỉnh cho phù hợp với chương trình mới.
Tham gia thi, thí sinh sẽ làm một bài thi đánh giá năng lực trên phiếu trả lời gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm khách quan với thời gian làm bài 150 phút.
Cấu trúc bài thi đánh giá năng lực gồm 3 phần: Sử dụng ngôn ngữ; Toán học, tư duy logic, phân tích số liệu và Giải quyết vấn đề. Từ đó nhằm đánh giá các năng lực cơ bản để học ĐH của thí sinh.