Môi trường nước được nhận định liên quan mật thiết tới hoạt động thoát nước, xử lý nước thải cũng như cấp nước cho người dân TP.HCM.
Cần có quy hoạch tổng thể
Mở đầu buổi bàn luận, GS.TS Nguyễn Văn Phước - chủ tịch Hội Nước và Môi trường TP.HCM - đặt vấn đề về việc quy hoạch thoát nước TP.HCM đến năm 2020 theo quyết định số 752 của Thủ tướng là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc quản lý đầu tư xây dựng và cải tạo hệ thống thoát nước của TP nhưng đã hết thời hạn quy hoạch.
Trong khi đó điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 hiện đang thực hiện và chưa được trình duyệt. Hai yếu tố này dẫn tới một số dự án đã và đang trong giai đoạn kêu gọi đầu tư sẽ không đủ cơ sở pháp lý để tiếp tục thực hiện.
Mặt khác, nhiều dự án liên quan đến việc đấu nối với hệ thống thoát nước mặt đô thị, thu gom và xử lý nước thải sẽ trở nên không đồng bộ, chồng chéo. Ông Phước cho rằng nếu không sớm có một đồ án quy hoạch tổng thể, định hướng thoát nước, thu gom và xử lý nước thải cho các khu vực của TP sẽ rất khó thực hiện được. Giải pháp nào để xử lý việc này?
Trao đổi về vấn đề này, ông Đặng Phú Thành - phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM - cho biết về pháp lý có ba đồ án quy hoạch do Thủ tướng phê duyệt. Đầu tiên là quy hoạch xây dựng chung TP.HCM đến năm 2025, quy hoạch 752, quy hoạch thoát nước xử lý nước thải các khu dân cư, khu công nghiệp lưu vực sông Đồng Nai.
"Các đồ án này đều định hướng các khối lượng công việc sẽ triển khai thực hiện theo từng giai đoạn 2020, 2025, 2030. Hiện nay khi triển khai thực hiện các dự án đều tính toán phù hợp theo quy hoạch, quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành.
Trong thời gian vừa qua TP cũng chỉ đạo tập trung hoàn tất việc điều chỉnh các đồ án nêu trên. TP cũng căn cứ đồ án quy hoạch phân khu 1/2000 và chi tiết 1/500 để khi lập dự án, thiết kế đấu nối thoát nước, hạ tầng kỹ thuật phù hợp", ông Thành cho hay.
Một số người dân thắc mắc quy hoạch nhiều như vậy, dự án cũng khá nhiều nhưng những đợt mưa, triều cường vẫn làm ngập nhiều tuyến đường như ở Thủ Đức, Bình Thạnh, quận 7, Nhà Bè... Lãnh đạo TP có đánh giá về hiệu quả các dự án chống ngập, thoát nước chưa, cũng như kế hoạch sắp tới ra sao?
Ông Đỗ Tấn Long - phó giám đốc Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (thuộc Sở Xây dựng) - cho biết công tác chống ngập rất được quan tâm. Thành ủy, HĐND, UBND TP đã chỉ đạo thực hiện nhiều chương trình và đã có hiệu quả.
"Có thể kể tới một số dự án lớn hoàn thành như dự án vệ sinh môi trường nước lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè, cải thiện môi trường nước lưu vực kênh Bến Nghé - Tàu Hủ - Đôi - Tẻ, nâng cấp đô thị lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm và 300 dự án lớn nhỏ khác.
Để tiếp tục, Sở Xây dựng phối hợp các sở ngành tham mưu UBND TP ban hành quyết định 299 về phê duyệt đề án chống ngập, xử lý nước thải giai đoạn 2020 - 2045 và kế hoạch chống ngập, xử lý nước thải giai đoạn 2020 - 2030.
Gần nhất là ban hành quyết định chống ngập, xử lý nước thải giai đoạn 2020 - 2025 để giải quyết 18 tuyến trục chính bị ngập. Hiện nay đã hoàn thành 5 tuyến, còn lại 13 tuyến đang triển khai. Về ngăn triều thì có dự án ngăn triều 10.000 tỉ hoàn thành 95%", ông Long cung cấp.
Xử lý nước thải TP.HCM tới đâu?
Cũng liên quan vấn đề cấp, thoát nước, xử lý nước thải, ông Lê Văn Nhỏ (huyện Nhà Bè) thắc mắc việc thu tiền dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải được thực hiện như thế nào? Đồng thời số tiền này được quản lý, sử dụng ra sao?
Giải đáp cho ông Nhỏ, ông Đỗ Tấn Long cho biết số tiền này đối với các hộ dân có sử dụng nước sạch, Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV sẽ thu hộ thông qua hóa đơn tiền nước. Hộ dân không sử dụng nước sạch thì Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ xây dựng phương án riêng.
Nguồn thu sẽ trích 1% cho đơn vị thu hộ, phần còn lại nộp về ngân sách để đầu tư xây dựng các công trình liên quan. Sở Tài chính sẽ giám sát việc thu và sử dụng.
Sau giải đáp của ông Long, cử tri Minh Kim Trịnh cho rằng có nhiều hẻm không có ống thoát nước sao vẫn thu phí nước thải? Ông Đặng Phú Thành giải đáp thêm hiện nay hệ thống thoát nước TP là thoát nước chung (nước mưa và thải). Do đó tất cả các tổ chức, cá nhân có xả thải đều thực hiện đóng tiền dịch vụ thoát nước.
Tiếp diễn vấn đề này, nhiều cử tri cho rằng trước đây TP thu phí bảo vệ môi trường, bây giờ là phí nước thải nhưng tỉ lệ xử lý nước thải rất thấp. Đa phần vẫn đổ ra kênh rạch như vậy đã thực sự hiệu quả chưa?
Ông Thành cho biết hiện nay TP có các nhà máy xử lý tập trung và trạm dân cư. Tổng công suất nước thải xử lý là 644.000m3/ngày đêm. TP đang dầu tư xây dựng nhà máy Nhiêu Lộc - Thị Nghè giai đoạn 2 với công suất 480.000m3/ngày đêm.
"Dự kiến dự án sẽ hoàn thành tháng 6-2025 giúp TP tăng tỉ lệ xử lý nước thải từ 40% như hiện tại lên 75%. Qua đó đảm bảo theo định hướng chiến lược phát triển của ngành xây dựng quốc gia. Trong tương lai TP cũng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp sở ngành xây dựng các nhà máy còn lại theo kế hoạch, quy hoạch", ông Thành nói.
Còn ông Nguyễn Viết Vũ - trưởng Phòng tài nguyên nước, khoáng sản và biển đảo, Sở Tài nguyên và Môi trường - phân tích ở TP có bốn nhóm phát sinh nước thải: Nhóm bệnh viện và khu chế xuất, khu công nghiệp được xử lý đạt chuẩn 100%. Nhóm các doanh nghiệp có khoảng 4.200/4.300 doanh nghiệp đã xử lý nước thải đạt 97%.
Nhóm cuối là từ người dân, cơ quan, hộ kinh doanh… đã thu gom 644.000m3/ngày đêm. Phần còn lại vẫn còn xả thẳng nên việc đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý là rất cần thiết.
Nhận định tính cấp bách của việc này, bà Nguyễn Thị Thanh Vân - trưởng Ban Đô thị HĐND TP.HCM - kết luận cần tăng cường xã hội hóa, thu hút nguồn lực từ các thành phần kinh tế để đảm bảo tổ chức thực hiện tốt các chỉ tiêu về cấp nước, giảm ngập, xử lý nước thải cũng như phát triển hệ thống hạ tầng đô thị trong thời gian tới.
Trước thông tin Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV Sawaco cho biết sẽ thu hộ tiền dịch vụ thoát nước, xử lý nước thải cho TP, nhiều người dân thắc mắc số tiền này sẽ dùng cho những việc gì.