Việc quân đội Israel sát hại 7 nhân viên cứu trợ ở Gaza đã gây ra sự chỉ trích chưa từng có từ các nhà lãnh đạo phương Tây, những người đang đẩy mạnh kêu gọi ngừng bắn, cũng như ngừng bán vũ khí cho Israel khi thiệt hại tại dải Gaza ngày càng tăng cao.
Mỹ - đồng minh thân cận và là nước cung cấp, hỗ trợ quân sự lớn nhất cho Israel, đã đe dọa đặt các điều kiện với Israel về cuộc tấn công tại dải Gaza. Trong cuộc điện đàm hôm 4/4 giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, ông Biden cho rằng, việc Mỹ có tiếp tục hỗ trợ cho cuộc chiến hay không, phụ thuộc vào hành động của Israel trong việc bảo vệ dân thường và nhân viên cứu trợ.
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez hôm 4/4 cho biết, nước này đã ngừng bán vũ khí cho Israel và kêu gọi các quốc gia khác có hành động tương tự.
Từ tháng 2/2024, Canada tuyên bố sẽ ngừng chuyển vũ khí cho Israel trong thời gian tới. Cũng trong tháng 2, một tòa án của Hà Lan đã yêu cầu chính phủ nước này ngừng xuất khẩu các bộ phận máy bay chiến đấu F-35 sang Israel.
Tại Anh, hơn 600 luật sư, trong đó có 3 cựu thẩm phán Tòa án Tối cao đã kêu gọi chính phủ Anh ngừng vận chuyển vũ khí tới Israel, trong bối cảnh Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) đang xem xét về tội diệt chủng của Israel.
Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (UNHCR) hôm 05/4 đã thông qua nghị quyết kêu gọi cấm vận vũ khí đối với Israel. Nghị quyết với nội dung yêu cầu Israel ngay lập tức dỡ bỏ sự phong tỏa bất hợp pháp đối với dải Gaza; phản đối việc nước này sử dụng các vũ khí gây nổ trên diện rộng tại các khu vực đông dân cư ở Gaza; kêu gọi các nước ngừng bán hoặc chuyển giao vũ khí, đạn dược và các thiết bị quân sự khác cho Israel.
Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều lời kêu gọi từ các tổ chức phi chính phủ, các nhà hoạt động về việc ngừng hỗ trợ vũ khí cho Israel. Tại Pháp, các thành viên đảng cánh tả kêu gọi chính phủ ngừng bán vũ khí cho Israel và “minh bạch” về các hoạt động này. Tại Đan Mạch, một nhóm các tổ chức phi chính phủ đã đưa ra tuyên bố chung vào đầu tháng 3, kêu gọi quốc gia Bắc Âu này chấm dứt xuất khẩu vũ khí sang Israel. Tại Australia, đã xảy ra một số cuộc biểu tình phản đối việc cung cấp vũ khí cho Israel.
Theo Cơ quan Y tế Palestine, kể từ khi xảy ra xung đột Israel - Hamas, hơn 33.000 người đã thiệt mạng và gần 76.000 người khác bị thương tại Gaza, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. Trong khi đó, Liên hợp quốc cho biết, phần lớn cơ sở hạ tầng tại Gaza đã bị phá hủy nghiêm trọng và khoảng 1,7 triệu người Palestine, tương đương 75% dân số Gaza đang ở bên bờ vực nạn đói.
Xem thêm: nhc.6436201704042881-learsi-ohc-ihk-uv-nab-gnugn-ceiv-cahn-nac-hnim-gnod-cac/nv.fefac