Ngày 7-4, cái nắng như đổ lửa ở Nam Bộ kèm theo ít gió khiến không khí càng thêm oi bức, khó chịu. Nhiều người vì mưu sinh bằng các nghề khác nhau như làm hồ, bán vé số, làm muối, phơi cá khô, bán hàng rong... phải tiếp xúc nhiều với nắng nóng, nguy cơ ngất xỉu, thiếu nước ảnh hưởng đến sức khỏe.
Bác sĩ Thạch Khuôn - phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Sóc Trăng - cho biết trong thời tiết nắng nóng, thường gặp những bệnh như say nắng, ngộ độc thực phẩm, các bệnh về hô hấp, da, tim mạch… Do vậy người dân cần lưu ý để phòng tránh.
Bệnh thường gặp nhất là say nắng. Đây là hiện tượng do nhiệt độ và tia cực tím của Mặt trời gây ra. Tia tử ngoại có thể xuyên qua lớp sừng của da tới hạ bì gây cháy da và say nắng. Nắng nóng gay gắt có thể làm giãn mạch máu não, gây tăng áp lực sọ và nhức đầu, có thể kèm theo nôn, hôn mê hay co giật do ức chế vỏ não.
Ngoài ra việc thay đổi đột ngột từ môi trường mát sang môi trường nóng bên ngoài khiến các niêm mạc đường hô hấp bị khô, dễ gây nên các bệnh lý cho đường hô hấp như viêm họng, viêm mũi, viêm amidan, viêm xoang, viêm phế quản cấp và nặng hơn có thể gây viêm phổi…
Để phòng tránh các bệnh trên, người có việc hoặc phải lao động ngoài nắng cần mặc quần áo nhẹ và rộng, tìm kiếm môi trường mát để làm, uống nhiều nước, tránh hoạt động vất vả ở nhiệt độ cao.
Không nên di chuyển đột ngột từ môi trường nóng sang môi trường lạnh hoặc ngược lại. Không nên để điều hòa hoặc quạt hướng thẳng vào người. Bổ sung nước đầy đủ trong ngày luôn là điều cần thiết trong mọi trường hợp.
Việc tiếp xúc nhiều với nắng nóng còn có thể gây nên sạm da, bỏng nắng, gây lão hóa da sớm và thậm chí có thể gây ung thư da. Mùa nóng cũng làm cho cơ thể ra nhiều mồ hôi, dễ gây nên các bệnh về da như rôm sảy, viêm lỗ chân lông, viêm da dị ứng…
Người dân khi ra đường cần sử dụng kem chống nắng, che chắn bằng các phụ kiện tối màu để tránh các bệnh lý về da.
"Nắng nóng làm cho tim phải làm việc nhiều và nhanh hơn, khiến mạch đập mạnh và huyết áp tăng. Máu bị đặc lại do mất nước, có thể gây ra tình trạng thiếu oxy, bất tỉnh, nhồi máu hay đột quỵ.
Những người có bệnh tim phải sử dụng thuốc đều đặn theo đơn của bác sĩ, luôn mang theo người thuốc hạ huyết áp, hạn chế vận động khi trời nóng, mang mũ khi đi nắng, giảm các thức ăn nhiều mỡ. Cẩn thận khi tắm nước lạnh, đặc biệt với người bị chứng co thắt mạch", bác sĩ Thạch Khuôn khuyến cáo thêm.
Tuần này các tỉnh từ Trung Bộ trở ra Bắc Bộ thời tiết mưa rào, vài nơi nắng nóng. Còn tại Nam Bộ, Tây Nguyên nắng nóng gay gắt dài ngày.