vĐồng tin tức tài chính 365

Đề xuất Quốc hội gỡ khó các dự án giao thông

2023-05-06 05:55

Bộ KH&ĐT vừa có tờ trình Chính phủ đề nghị xây dựng nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc tại một số luật liên quan tới đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ. Trong đó, Bộ KH&ĐT đề xuất một số cơ chế như tăng trần “vốn mồi” của Nhà nước đối với dự án đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP), cho địa phương được quản lý và đầu tư cao tốc…

Hai phương án tăng “vốn mồi”

Theo Bộ KH&ĐT, quá trình triển khai đầu tư một số dự án giao thông bộc lộ những vướng mắc, phát sinh về pháp lý cần phải tháo gỡ. Cụ thể, Luật PPP đang khống chế vốn góp của Nhà nước không vượt quá 50% tổng mức đầu tư dự án PPP, quy định này khiến một số dự án khó thu hút nhà đầu tư.

Đề xuất Quốc hội gỡ khó các dự án giao thông ảnh 1

Tới đây, các địa phương có thể sử dụng ngân sách để đầu tư cao tốc.
Trong ảnh: Đường cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45. Ảnh: VL

Theo đó, cơ quan chủ trì soạn thảo đề xuất hai phương án. Thứ nhất, quy định thẳng vào nghị quyết của Quốc hội cho phép nâng tỉ lệ vốn nhà nước tham gia lên 65% tổng mức đầu tư dự án PPP. Phương án 2, không tính chi phí giải phóng mặt bằng (GPMB), tái định cư vào tỉ lệ 50% tổng mức đầu tư đối với các dự án giao thông đường bộ thuộc địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn và các dự án có chi phí GPMB chiếm tỉ lệ lớn trong tổng mức đầu tư.

Sau khi phân tích các ưu và nhược điểm, Bộ KH&ĐT đề xuất Chính phủ lựa chọn phương án 2. Vì phương án này tăng tính khả thi của dự án PPP, tạo thuận lợi trong việc huy động vốn đầu tư từ khu vực tư nhân và các tổ chức tín dụng sẵn sàng tài trợ khi đáp ứng các yêu cầu cần thiết về tính khả thi của dự án.

Góp ý cho chính sách trên, Bộ Tư pháp nhận định bản chất của dự án theo phương thức PPP nhằm huy động vốn nhà đầu tư, vốn xã hội hóa để xây dựng khi nguồn vốn nhà nước còn hạn hẹp. Vốn nhà nước tham gia dự án chỉ là “vốn mồi” mang tính chất hỗ trợ nên cơ quan soạn thảo cần cân nhắc để tránh làm mất bản chất của dự án PPP.

Đồng tình quan điểm trên, cơ quan soạn thảo cho rằng đơn vị đã phân tích hai phương án và đã đánh giá tác động kỹ. Thực tế phương án 2 cũng có hạn chế là có thể xảy ra trường hợp chi phí GPMB, tái định cư rất lớn, cộng thêm với việc hỗ trợ chi phí xây dựng từ ngân sách nhà nước tiệm cận giá trị 50% tổng mức đầu tư. Như vậy, tổng giá trị vốn tham gia của Nhà nước rất lớn, có thể vượt trên mức 70%.

Đối với các trường hợp này, cơ quan soạn thảo cho rằng có thể xem xét trong từng trường hợp cụ thể để nghiên cứu theo hình thức đầu tư công do bản chất dự án không đáp ứng được tính khả thi của dự án PPP, không đáp ứng yêu cầu huy động vốn từ khu vực tư nhân.

“Ngoài ra, phương án 2 tập trung vào nhóm dự án đi qua khu vực khó khăn và khu vực có chi phí GPMB lớn, không áp dụng cho tất cả dự án PPP. Song song đó, giải pháp này cũng được Thủ tướng và Chính phủ quyết định lựa chọn” - cơ quan soạn thảo cho hay.

Bộ KH&ĐT đề xuất một số cơ chế như tăng trần “vốn mồi” của Nhà nước đối với dự án đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP), cho địa phương được quản lý và đầu tư cao tốc…

Phân cấp cho địa phương làm quốc lộ, cao tốc

Theo Bộ KH&ĐT, thực tế hiện nay nhiều địa phương có văn bản đề xuất cấp có thẩm quyền cho phép được giao làm cơ quan chủ quản đầu tư, nâng cấp các đoạn tuyến quốc lộ, cao tốc thuộc địa bàn quản lý nhằm giải quyết những bức xúc về hạ tầng giao thông tại địa phương.

Tuy nhiên, theo quy định Luật Giao thông đường bộ, Luật Xây dựng, hệ thống quốc lộ do Bộ GTVT chịu trách nhiệm tổ chức quản lý, thực hiện đầu tư xây dựng. Theo quy định Luật Ngân sách nhà nước, việc đầu tư, nâng cấp mở rộng tuyến đường quốc lộ thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương, do Bộ GTVT quản lý, quyết định đầu tư và bố trí vốn thực hiện. Đối với các tuyến đường cao tốc, việc quản lý đầu tư xây dựng thuộc thẩm quyền của Bộ GTVT.

Như vậy, các quy định pháp luật nêu trên không cho phép địa phương là cơ quan chủ quản, sử dụng ngân sách địa phương để đầu tư các dự án quốc lộ, cao tốc thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương.

Theo đó, cơ quan soạn thảo đề xuất dự thảo nghị quyết của Quốc hội quy định cho phép Thủ tướng xem xét quyết định giao các tỉnh, thành làm chủ đầu tư và sử dụng vốn ngân sách địa phương đầu tư các dự án quốc lộ, cao tốc đi qua các địa phương. Việc này nhằm huy động nguồn lực địa phương đầu tư vào dự án.

Cạnh đó, cho phép một địa phương quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án giao thông đường bộ qua nhiều địa phương và sử dụng ngân sách của địa phương này hỗ trợ vốn cho địa phương khác cùng thực hiện một dự án đầu tư, nhằm tạo cơ chế linh hoạt trong điều hành ngân sách.

“Sau khi hoàn thành công trình, các địa phương chịu trách nhiệm quản lý, duy tu, bảo trì đối với phần công trình nằm trên địa bàn mình hoặc thỏa thuận thống nhất phương án quản lý, khai thác, duy tu, bảo trì bảo đảm hiệu quả đầu tư dự án…” - Bộ KH&ĐT đề xuất.•

Bỏ chính sách cho địa phương đầu tư bổ sung các hạng mục cao tốc

Bộ Tư pháp cũng đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc chính sách giao thẩm quyền cho địa phương làm cơ quan chủ quản, sử dụng vốn ngân sách địa phương đầu tư bổ sung các hạng mục nằm trong phạm vi dự án PPP đang khai thác nhưng chưa được đầu tư trong dự án PPP. Vì quy định này dễ phát sinh tranh chấp, khiếu nại giữa nhà đầu tư và Nhà nước. Cạnh đó sẽ tạo lỗ hổng dẫn đến tham nhũng chính sách.

Tiếp thu ý kiến của Bộ Tư pháp, Bộ KH&ĐT cho biết đã bỏ chính sách này trong dự thảo nghị quyết của Quốc hội.

VIẾT LONG

Xem thêm: lmth.959137tsop-gnoht-oaig-na-ud-cac-ohk-og-ioh-couq-taux-ed/nv.olp

“Đề xuất Quốc hội gỡ khó các dự án giao thông”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools