42 bị cáo nữ - con số kỷ lục trong một phiên tòa về mafia - thì 39 người bị kết án. Quá trình xét xử bắt đầu từ tháng 1/2021 và vì lý do an ninh nên phiên tuyên án phải diễn ra trong một boong-ke được xây dựng đặc biệt ở thị trấn Lamezia Terme miền nam Italy. Cả 3 thẩm phán được cảnh sát bảo vệ trong suốt quá trình xét xử kéo dài 2 năm 10 tháng.
Băng đảng mafia Ndrangheta bị xóa sổ
Có tới 207 bị cáo bị phạt tù, hơn 100 người được xử trắng án. Hơn 400 luật sư đại diện cho các bị cáo và khoảng 900 nhân chứng cung cấp lời khai. Trang tin Ansa cho hay, phải mất 10 giờ 40 phút tòa án mới đọc xong bản án.
Đáng chú ý, trong số những người bị tuyên án có cựu nghị sĩ Giancarlo Pittelli - "phó tướng" của cố Thủ tướng Silvio Berlusconi; cựu cảnh sát trưởng địa phương Giorgio Naselli; cựu thị trưởng Gianluca Callipo của thành phố Pizzo Calabro và một số cựu quan chức khác.
Công tố viên Nicola Gratteri nói rằng, cảnh sát đã “làm việc tận tình” khi chứng minh được có một mạng lưới trí thức, doanh nhân và chính trị gia làm ăn với các gia tộc vùng Calabria, “thành trì” của Ndrangheta.
Hầu hết các bị cáo đều bị bắt vào tháng 12/2019 sau một cuộc điều tra kéo dài từ năm 2016, bao trùm ít nhất 11 khu vực của Italy. 2.500 sĩ quan đã tham gia các cuộc đột kích tập trung vào các nghi phạm ở Clabria, Vibo Valentia, là trung tâm của khu vực chủ yếu do gia tộc Mancuso của Ndrangheta kiểm soát.
Các bị cáo liên quan đến nhóm tội phạm có tổ chức Ndrangheta bị cáo buộc tham gia tổ chức mafia, buôn ma túy và vũ khí, thao túng bầu cử, cho vay nặng lãi, tống tiền, hối lộ, giết người.
Tuy nhiên, theo Cục chống mafia Italy (DIA), dù có rất đông bị cáo nhưng đây không phải là phiên tòa lớn nhất tại nước này. Trước đó, năm 1986, có tới 475 người bị tố cáo là thành viên của băng mafia Sicilia bị đưa ra tòa cũng trong một boong-ke ở Palermo. Hơn 300 người bị kết án và có 19 bản án chung thân.
Việc tòa tuyên tổng cộng 2.200 năm tù khi xét xử băng đảng mafia Ndrangheta làm châu Âu chấn động, vì nhiều năm qua băng nhóm này đã "vươn vòi bạch tuộc" khắp châu lục và chiếm tới 80% hoạt động buôn bán cocaine ở châu Âu.
Chữ “Ndrangheta” phái sinh từ tiếng Hy Lạp, có nghĩa là “quả cảm”. Ndrangheta bắt đầu nổi lên vào thập niên 1980 và thập niên 1990 thông qua một loạt hoạt động bắt cóc tại Italy. Chưa hết, Ndrangheta từng bắt cóc cháu trai của ông trùm dầu mỏ Mỹ John Paul Getty vào năm 1973. Trong vụ này, nạn nhân bị cắt đứt tai để hỗ trợ mục đích đòi tiền chuộc.
Những hành động tàn bạo của băng đảng mafia này khiến giới chấp pháp ngán ngại. Tuy nhiên, có một người đã “vượt qua nỗi sợ hãi” để đương đầu với Ndrangheta. Đó là công tố viên Nicola Gratteri - người đứng đầu cuộc điều tra. Trong vòng 3 năm, đội điều tra của ông đã thu thập 24.000 đoạn ghi âm lén và những đoạn chặn thu trao đổi qua điện thoại - đây là cơ sở cho việc truy tố các bị cáo.
Công tố viên Nicola Gratteri cho biết, băng đảng Ndrangheta gồm khoảng 150 gia đình vùng Calabria và những người liên quan trực tiếp, thu về hơn 50 tỷ euro (tương đương 53 tỷ USD) từ khắp nơi trên thế giới, từ các hoạt động phi pháp. Tiền bẩn này sau đó được đầu tư lại vào nền kinh tế hợp pháp.
Theo nhà báo Đức Petra Reski, người nổi tiếng với các ấn phẩm chống mafia, tội ác rửa tiền lan rộng của băng nhóm tội phạm này ảnh hưởng gần như “vô hạn”. Reski cũng chính là người “đánh thức” dư luận quốc tế khi vào năm 2007, Ndrangheta sát hại 6 thành viên băng đảng đối địch ở Duisburg của Đức, ngay giữa ban ngày.
Vụ xét xử băng đảng mafia Ndrangheta khiến người ta nhớ lại vào ngày 16/1/2023, trùm mafia khét tiếng nhất nước Italy đã sa lưới sau 30 năm ẩn mình. Đó là ông trùm Matteo Messina Denaro, đóng “đại bản doanh” ở Sicily - nhân vật sinh năm 1962 này bị truy nã vô cùng gắt gao nhưng hầu như là kẻ “không thể bị bắt”.
Sử dụng súng từ năm 14 tuổi, năm 1992, “ông trùm” đã bị kết án vắng mặt với mức án tù chung thân với cáo buộc “xử tử” 2 công tố viên Giovanni Falcone và Paolo Borsellino. Ngay năm sau, năm 1993, Matteo Messina Denaro tiếp tục nhận một bản án chung thân nữa vì đóng vai trò chủ chốt trong các vụ đánh bom ở Florence, Rome và Milan (Italy), khiến 10 người thiệt mạng.
Matteo Messina Denaro được coi là “bố già cuối cùng” của mafia Italy, khi vào ngày 25/9/2023 đã chết trong một bệnh viện của cảnh sát. Trong cuộc đời 61 năm của mình, “bố già” này phải nhận tới 20 bản án chung thân, nhưng thực tế chỉ ngồi tù gần 8 tháng.
Cái chết của “bố già cuối cùng” Matteo Messina Denaro và vụ xét xử băng nhóm Ndrangheta được cho là dấu chấm hết của các băng đảng mafia ở châu Âu. Tuy nhiên, với những gì chúng gây ra, người ta vẫn không thể mất cảnh giác.
2 người đàn bà khét tiếngCũng thật đáng sợ khi không chỉ đàn ông mới gia nhập các băng nhóm mafia, mà còn không ít phụ nữ. Trong số đó, có người đã leo lên vị trí “mẹ già”. Trước hết, phải kể đến Maria Licciardi, 72 tuổi, bị cảnh sát thành phố Naples (Italy) bắt giữ vào tháng 8/2021.
Luciana Lamorgese - quan chức cao cấp Bộ Nội vụ Italy cho biết, “mẹ già” Licciardi bị bắt tại sân bay Rome khi chuẩn bị sang Tây Ban Nha. Cuộc bắt giữ được thực hiện bởi đội cảnh binh Carabinieri theo lệnh của các công tố viên thành phố Naples.
Khi bị bắt lần đầu tiên vào năm 2001, Licciardi đã lọt vào danh sách 30 kẻ trốn truy nã hàng đầu của Italy. 8 năm sau ra tù, bà ta trở lại vị trí đứng đầu, trực tiếp điều hành mạng lưới tội phạm khét tiếng.
Biệt danh "người bé nhỏ" vì vóc dáng thấp bé, nhưng Licciardi lại luôn là kẻ chiến thắng trong các cuộc tranh đấu đẫm máu giữa các gia tộc tội phạm ở Naples. Các công tố viên thành phố Naples mô tả Licciardi là "bà trùm" thực sự trong băng đảng mafia Secondigliano Alliance, thuộc gia tộc tội phạm Camorra. Một tay “mẹ già” Licciardi gây dựng nên đế chế tội phạm với hàng loạt vụ tống tiền các chủ doanh nghiệp địa phương, buôn bán ma túy và thâm nhập các hợp đồng công trình công cộng.
Licciardi bị cáo buộc liên quan trực tiếp tới 100 vụ giết người, vượt lên cả thủ lĩnh khét tiếng nhất của Cosa Nostra, một nhánh của băng đảng mafia ở Sicily.
Năm 2001, lần đầu tiên Licciardi bị bắt trong khi đang lái xe gần Naples. Tuy nhiên, nói với các thẩm phán, bà ta chỉ nhận mình là một người nội trợ khiêm tốn và phủ nhận tất cả những cáo buộc về hành vi pham tội. Tuy nhiên, với chứng cứ hiển nhiên, Licciardi vẫn phải ngồi tù 8 năm.
Vào tháng 6/2019, cảnh sát Naples đã phát động một cuộc trấn áp lớn nhắm tới băng đảng mafia của “mẹ già” và bắt giữ 120 đối tượng. Nhưng Licciardi đã trốn thoát và chỉ bị bắt giữ sau hơn 2 năm, vào tháng 8/2021.
Tờ La Stampa của Italy khi ấy đưa tin, Licciardi bị cáo buộc phạm một loạt tội danh. “Và lần này thì “mẹ già” đã không thể thoát thân”.
Người đàn bà thứ hai “ngang ngửa” với “mẹ già” Licciardi chính là cựu hoa hậu Assunta Maresca - nữ thủ lĩnh của băng đảng tội phạm hùng mạnh Camorra cũng ở Italy.
Maresca có vẻ ngoài như một ngôi sao điện ảnh, đã sớm trở thành một nhân vật được biết đến rộng rãi khi giành chiến thắng trong một cuộc thi sắc đẹp địa phương vào năm 1953 và được trao vương miện Hoa hậu Rovegliano.
Là con gái duy nhất trong gia đình có 4 anh em, Maresca đã bộc lộ tính cách bạo lực ngay khi còn nhỏ. Năm 18 tuổi, đang mang thai 6 tháng, Maresca bỏ chồng theo Antonio Esposito - thủ lĩnh băng đảng Camorra, bắn gục một người giữa thanh thiên bạch nhật.
Maresca sinh con trong thời gian ngồi tù và tới 14 năm sau mới được đoàn tụ với con trai Pasqualino khi được thả tự do. Ngựa quen đường cũ, “cựu hoa hậu” sống với trùm buôn bán ma túy và vũ khí Umberto Ammaturo. Thời gian này, Maresca bị buộc tội đứng sau vụ giết Ciro Galli - cũng là một nhân vật mafia. Ngay sau đó, “cựu hoa hậu” bị bắt vì tội giết Aldo Semerari - một nhà khoa học pháp y. Do không đủ bằng chứng, tòa chỉ tuyên Maresca ngồi tù 4 năm.
Mãn hạn tù, Maresca đến sống ở một khu nghỉ mát bên bờ biển Sorrento trong sự canh phòng chặt chẽ của cảnh sát. Năm 2021, Maresca qua đời ở tuổi 86, do bị bệnh.
Barbie Latza Nadeau - một nhà báo từng phỏng vấn Maresca, nói rằng, không ai biết quãng thời gian cuối đời “cựu hoa hậu” có liên hệ với các băng nhóm mafia nào không và cái chết trong cô độc cũng không rửa hết tội lỗi của người đàn bà khét tiếng này.
Cái kết của ông trùm đứng đầu “thế giới ngầm” nước Mỹ
Vito Genovese - người được coi là ông trùm mafia nguy hiểm nhất New York (Mỹ) nhưng cuối cùng lại sụp đổ chính trong "thế giới ngầm".
Sinh ra ở vùng nông thôn Italy (năm 1897), Genovese nhập cư vào Mỹ khi còn là thiếu niên (15 tuổi) và nhanh chóng đi theo con đường phạm tội. Trong "thế giới ngầm", Vito Genovese không chỉ kiểm soát tổ chức tội phạm mà còn tạo nền tảng hình thành hệ thống phân cấp hiện đại của băng đảng nhờ những cuộc chém giết tàn bạo để nắm giữ quyền lực.
Năm 1913, sau khi đến New York (Mỹ), Genovese bắt đầu thực hiện những vụ trộm vặt và đòi nợ cho bọn cướp. Genovese bị bắt lần đầu tiên vào năm 19 tuổi và phải ngồi tù 1 năm vì trong tay có một khẩu súng.
Ra tù, Genovese “đầu quân” cho Charles “Lucky” Luciano và nhanh chóng trở thành cánh tay phải đắc lực cho trùm mafia này. Luciano đã biến Genovese thành một sát thủ chuyên nghiệp. Năm 1930, Genovese bị buộc tội tàng trữ tiền giả khi cảnh sát tìm thấy 1 triệu USD tiền giả trong nhà kho. Tuy nhiên, không vì thế mà Genovese “dừng bước giang hồ”.
Theo cuốn sách của Carl Sifakis, "The Mafia Encyclopedia", Genoveses đã nhanh chóng chiếm được vai trò thủ lĩnh cho dù còn ít tuổi. Trong một “ủy ban” gồm 5 gia đình tội phạm có tổ chức người Mỹ gốc Italy ở New York, Genovese trở thành một nhân vật cấp cao "không thể chạm tới". Quyền lực càng làm cho Genovese hung hãn, tàn bạo hơn.
Năm 1934, Genovese và đồng bọn là Ferdinand Boccia đã lừa một con bạc số tiền 150.000 USD. Khi Boccia yêu cầu chia phần nhiều hơn so với thỏa thuận trước đó, Genovese đã ra tay sát hại gã ngay tại một quán cà phê. Đến năm 1936, Vito Genovese thực sự sự trở thành “bố già” trong thế giới ngầm New York.
Để trốn tránh bản cáo trạng vì tội giết Boccia, năm 1937, Genovese đã trốn sang Italy. Ở Italy, Genovese giao du với những tên tội phạm địa phương và liên hệ thường xuyên với mafia bên Mỹ, trong vai trò “ông trùm từ xa”.
Genovese bị cảnh sát Mỹ phối hợp với cảnh sát Italy bắt vào năm 1944, bị dẫn độ về Mỹ ngày 1/6/1945. Trong phiên xét xử, Genovese nhất quyết không nhận tội trong khi 2 nhân chứng vụ án đã tử vong. Theo đó, tòa án không có đủ bằng chứng buộc tội hắn. Genovese được tự do và quay trở lại New York.
Nếu chỉ nhìn vào “thành tích khiêm tốn” thì Vito Genovese không thể được coi là “ông trùm của thế giới ngầm” nước Mỹ. Vậy thực chất Genovese là nhân vật thế nào trong giới mafia?
Trước hết, đó là một sát thủ chuyên nghiệp, không hề nương tay với các đối thủ cùng băng nhóm. Để leo lên vị trí quyền lực, Genovese là kẻ “truy cùng giết tận” đồng đảng khi thấy ảnh hưởng của mình bị đe dọa. Bằng lối hành động “xuất quỷ nhập thần”, Genovese khiến đối thủ không kịp trở tay.
Với giới làm ăn kinh tế, nhất là các đường dây buôn lậu, Genovese liên tục gia tăng áp lực bằng cách dọa dẫm giết chóc. Số tiền bảo kê thu được rất lớn, từ đó Genovese củng cố địa vị của mình trong băng nhóm, đồng thời bỏ tiền ra chiêu mộ đàn em, không khác gì một đội quân có vũ trang.
Khi đã tạo được thế lực, Genovese tìm cách mua chuộc cảnh sát, thẩm phán và thu thập một đội ngũ luật sư làm lá chắn cho các hoạt động phi pháp của băng nhóm do y làm thủ lĩnh. Chính vì thế, nhiều vụ bị bắt giữ, nhưng ít khi Genovese phải ngồi trong nhà lao vài ngày. Cũng chính từ những mối quan hệ ngầm với các giới chức mà Genovese khiến các đối thủ nể sợ, phải trả tiền để được y che chở cũng như rất sợ y báo cảnh sát bắt giữ, không loại trừ cả việc cung cấp chứng cứ giả.
Cũng chính Genovese đã tạo ra hệ thống có tổ chức của hoạt động mafia khi phân cấp điều hành. Ngoại trừ vị trí “bố già”, có nghĩa là ông trùm, thì bên dưới ít nhất là có tới 7 cấp khác nhau. Điều đó tạo ra những lớp vỏ bọc nhiều tầng mà cảnh sát cũng như đối thủ hết sức khó khăn khi phải “bóc” hết lớp này đến lớp khác mà cũng không đến được mục tiêu cuối cùng. Bằng cách này, Genovese đã vượt lên cách tổ chức chân rết, hay còn gọi lại “vòi bạch tuộc” - phát triển băng nhóm mafia theo chiều ngang, mà xây dựng tổ chức tội phạm theo chiều dọc, hết tầng này mới đến tầng khác.
Chưa hết, Genovese còn là tội phạm đầu tiên kết nối mafia Italy với mafia Mỹ. Trước đó, các nhóm mafia hoạt động ngầm tại Mỹ chủ yếu “bổ sung quân” từ những người Italy di cư vào Mỹ. Tuy nhiên, kể từ năm 1937, khi phải rời New York (Mỹ) về Italy “ẩn dật” cho tới năm 1945 khi bị dẫn độ, “ông trùm này” đã móc nối các tổ chức mafia Italy với mafia Mỹ.
Từ đó, các nhóm mafia hai bên đại dương có thể “thay quân” khi cần thiết mà tránh được sự kiểm soát, theo dõi của cảnh sát địa phương, cũng như gây bất ngờ cho các nhóm tội phạm đối thủ. Khi bị truy đuổi, tội phạm của các nhóm mafia tại Mỹ, thông qua đường dây của Genovese có thể trở về ẩn náu, thoát tội ở Italy.
Chính vì thế, Genovese được cho là kẻ đã xây dựng lên các mô thức mafia hữu hiệu. Tuy nhiên, tội ác bao giờ cũng đi cùng với trừng phạt.
Ngày 14/11/1957, những “bố già” thế lực nhất của mafia Mỹ và đàn em thân tín tề tựu về thị trấn nhỏ Apalachin, bang New York để tham dự sự kiện sau này được gọi là “Hội nghị Apalachin”. Theo tờ The New York Times, bản chất thật sự của Hội nghị Apalachin xuất phát từ cuộc đấu tranh không khoan nhượng giữa Vito Genovese và liên minh các nhóm mafia khác để giành quyền kiểm soát “ngũ đại gia đình” tội ác thống trị thế giới ngầm nước Mỹ.
Bất ngờ, một đội đặc nhiệm hùng hậu ập vào. Gần 50 người trốn thoát bằng cách lao vào rừng hoặc nhảy xuống sông. Tuy nhiên, cảnh sát New York và FBI cũng tóm được 58 tên tội phạm khét tiếng. Một tháng sau, Genovese bị bắt và lĩnh án 15 năm tù giam rồi chết trong tù do đau tim vào năm 1969, ở tuổi 71.
Từ đó, với sự biến mất của các “bố già”, mafia Mỹ dần thoái trào, đến nay vẫn không thể gượng dậy nổi.
Các tổ chức mafia Mỹ “biến mất”. Băng đảng mafia hùng hậu cuối cùng ở Italy bị xóa sổ bằng một bản án tổng cộng 2.200 năm. Thế giới tội phạm không còn hoành hành ngang nhiên. Trong cuộc chiến chống tội phạm, mà khó khăn nhất là chống lại mafia, cuối cùng công lý vẫn chiến thắng.
“
Tại Mexico, các băng đảng tội phạm ma túy tổ chức theo dạng mafia cũng đã và đang bị nhà cầm quyền truy quét. Ngày 5/1/2023, có tới 29 người thiệt mạng ở Culiacan (Mexico) khi các tay súng băng đảng ma túy chiếm sân bay và đụng độ đẫm máu để giải cứu con trai trùm ma túy El Chapo (biệt danh Gã lùn). Sân bay Culiacan được cho là “chiến địa” giành giật của các băng đảng tội phạm muốn giành quyền kiểm soát “con đường vận chuyển ma túy”.
Cuộc đụng độ hôm 5/1 mục đích chính là để giải cứu một trong những tên tội phạm bị truy nã gắt gao nhất, Ovidio Guzman, 32 tuổi, con trai của cựu trùm băng đảng Sinaloa Joaquin.
Theo tờ báo địa phương Noroeste, ngày đầy kịch tính của Culiacan bắt đầu vào khoảng 4 giờ 40 phút sáng 5/1/2023. Tại địa điểm cách thủ đô Meixco City 56km về phía bắc, gần một làng chài có tên Jesus Maria, lực lượng an ninh cho biết họ phát hiện một đoàn xe gồm khoảng 25 chiếc của băng đảng AKA “El Raton” (Chuột) mà họ đang săn tìm. Còn tại sân bay Culiacan, chiếc trực thăng Black Hawk đã tấn công mục tiêu bằng súng máy 6 nòng, tốc độ 3.000 phát 1 phút. Guzman đã bị bắt trở lại, nhưng các tay súng của băng nhóm tội phạm cũng đã gây ra một "địa ngục" bạo lực, với 29 người thiệt mạng, trong đó có 7 cảnh sát.
Chuyên gia an ninh Oscar Balderas cho biết vụ bắt giữ “Gã lùn” cho thấy chính quyền không dung thứ cho các hoạt động tội phạm, cho dù phải trả giá đắt. “Chúng ta phải làm điều đó để loại bỏ gốc rễ của tội phạm, bảo vệ cuộc bình yên cho người dân. Pháp luật phải được thực thi” - ông Oscar Balderas nói.
Xem thêm: nhc.524257460022132881-aifam-magn-ioig-eht-auc-nat-yagn/nv.fefac