Giám đốc chi nhánh Thanh Xuân - Ngân hàng Thương mại cổ phần Hàng Hải Việt Nam (MSB) Bùi Thị Hoài Anh đã bị Cơ quan An ninh điều tra Công an Hà Nội tạm giam với cáo buộc "có hành vi gian dối" để chiếm đoạt 338 tỷ đồng của 8 khách hàng.
Nhà chức trách thông báo chưa phát hiện thêm đồng phạm và đang áp dụng biện pháp thu hồi tài sản, trả cho bị hại.
Đầu năm 2021, Hoài Anh cùng hai cán bộ MSB đến tư vấn, thuyết phục bà Nguyễn Thị Lân, 58 tuổi, trú Hà Nội, mở tài khoản gửi tiền với lãi suất hứa hẹn hấp dẫn.
Bà Lân kể Hoài Anh nói tài khoản do MSB quản lý, không mở được trên ứng dụng điện thoại (app), kỳ hạn từ một đến bốn tuần và không phát hành sổ như sổ tiết kiệm thông thường. Khi gửi tiền, bà Lân chuyển khoản vào, rồi gọi điện thoại cho Hoài Anh báo về kỳ hạn muốn gửi. Khi rút tiền, khách báo trước một ngày để trả gốc và lãi.
Lần đầu gửi tiền, bà Lân thấy hiện lên tài khoản đúng tên mình, sau đó được thanh toán đủ gốc và lãi nên "không nghi ngờ gì, rất tin tưởng". Mỗi lần chuyển xong, bà đều nhận được giấy xác nhận thông tin tài khoản và số dư, có đóng dấu của ngân hàng và chữ ký của người có thẩm quyền. Trong đó, Hoài Anh cùng hai cán bộ nhiều lần ký xác nhận số dư.
Gần hai năm sau đó, đến tháng 5/2023, tiền gửi đều được thanh toán gốc và lãi đúng hạn. "Tin tưởng và thấy mức lãi suất (6%/năm) cao hơn ngân hàng khác, tôi tiếp tục chuyển thêm nhiều đợt. Nhà đang ở cũng cầm cố để lấy tiền gửi", bà kể và cho hay hàng chục bạn bè, người thân đã qua mình nhờ gửi tiền với lãi suất cao.
Nửa cuối năm 2023, bà Lân gửi thêm hàng chục lần nhưng đều không được thanh toán đúng hạn.
Một ngày đầu tháng 10/2023, bà bỗng nhận được cuộc gọi từ Công an Hà Nội thông báo Hoài Anh bị bắt, tài khoản của bà bị mất tiền. Công an đề nghị đến làm việc để cung cấp tài liệu, chứng cứ. Nghe tin "sét đánh", bà ngất ngay lúc đó.
Hôm sau, bà đến cơ quan công an làm việc và được thông báo "là người có quyền lợi liên quan" vụ mất tiền tại ngân hàng. Không tin vào những gì nghe được, bà vội ra ngân hàng kiểm tra sao kê thì tài khoản từ gần 60 tỷ đồng chỉ còn 93.640 đồng.
"Ai ngờ có ngày mất hết tiền bạc, nhà cũng không còn. Đời tôi giờ không còn gì cả, hi vọng sống duy nhất là mong ngày lấy lại được khoản tiền đã mất, để trả nợ của gia đình và anh em, bạn bè", bà Lân bật khóc.
Cùng tham gia gửi tiền vào MSB, một người bạn cùng cơ quan với bà Lân đang ngóng từng ngày mong lấy lại được 27,7 tỷ đồng đã mất. Người phụ nữ này qua tư vấn của Hoài Anh đã nhận tiền của hàng chục người thân, bạn bè để gửi vào ngân hàng. Tính đến cuối năm 2023, bà đã chuyển 15 đợt với tổng 32,2 tỷ đồng nhưng trước đó đã rút ra 4,5 tỷ đồng.
Bà nhận được "tin dữ" cùng ngày với bà Lân. Tài khoản của bà chỉ còn hơn 40.000 đồng. May mắn hơn bà Lân, người phụ nữ này không cầm cố nhà nhưng cầm tiền của hàng chục người, lên đến gần 10 tỷ đồng. "Đây là những đồng tiền mồ hôi, nước mắt, xương máu, sức lao động của tôi và nhiều anh em, bạn bè tin tưởng gửi vào", bà nói.
Bà Lân kể mấy tháng trước, vì quá sốt ruột đã cùng bạn đến trụ sở MSB yêu cầu bồi thường. Cả hai lần, họ đều nhận được câu trả lời "công an đang điều tra, chờ kết quả".
"Tiền chúng tôi gửi, có giấy xác nhận số dư và đóng dấu nên ngân hàng phải chịu trách nhiệm bồi thường khi bị mất, chứ không thể bắt chúng tôi đi đòi bà Hoài Anh", hai phụ nữ cùng chung quan điểm và đề nghị MSB sớm trả lại tiền "để không thiệt hại thêm về tinh thần, sức khỏe, tài chính".
Ai phải bồi thường?
Luật sư bảo vệ quyền lợi cho hai người phụ nữ này cho hay ngân hàng phải có trách nhiệm bồi thường cho các nạn nhân trong vụ án bởi đây là giao dịch của khách hàng với ngân hàng. Mỗi lần khách gửi tiền đều có xác nhận từ MSB nên "số tiền nêu trên là tài sản của ngân hàng quản lý chứ không phải của cá nhân Hoài Anh".
Luật sư Vũ Tiến Vinh (Công ty luật Bảo An) phân tích, việc Công an Hà Nội khởi tố Hoài Anh với tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản "chỉ là điều tra bước đầu". Để xác định đúng tội danh của Hoài Anh cũng như trách nhiệm bồi thường của ngân hàng, các cơ quan cần làm rõ số tiền bị hại gửi đã được ngân hàng quản lý hay chưa, có trên hệ thống hay không.
Nếu tiền đã được ngân hàng tiếp nhận nhưng sau đó người được giao quản lý đã có hành vi chiếm đoạt thì là phạm tội Tham ô tài sản. Khi đó, ngân hàng phải có trách nhiệm bồi thường cho khách hàng. Các bị can có trách nhiệm bồi hoàn cho ngân hàng số tiền mà ngân hàng đã ứng ra trả cho các bị hại.
Trường hợp bị can dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tiền gửi của khách hàng khi số tiền này chưa đưa vào hệ thống quản lý của ngân hàng thì trách nhiệm bồi thường thuộc về bị can. "Tuy nhiên, trường hợp các bị can sử dụng chức danh, con dấu của ngân hàng để khách hàng tin tưởng thì ngân hàng cũng có trách nhiệm liên đới trong việc bồi thường cho bị hại", luật sư Vinh nêu quan điểm.
Ở góc độ khác, một chuyên gia tài chính cho rằng nhà chức trách cần xác định rõ lỗi khi xảy ra mất tiền thuộc về ngân hàng, cán bộ hay khách hàng. Lỗi của ngân hàng thì ngân hàng phải đền bù. Lỗi của khách hàng thì họ phải chịu trách nhiệm. Lỗi của cán bộ ngân hàng thì trách nhiệm đền bù thuộc về cá nhân. "Việc đền bù khách hàng mất tiền trong tài khoản MSB cần chờ kết quả của cơ quan điều tra và phán quyết của toà", vị chuyên gia nói.
Hiện, MSB chưa nêu quan điểm về việc này. Trong thông báo phát hôm 26/3, MSB cho biết trong quá trình tra soát hoạt động, đánh giá cán bộ định kỳ tại các chi nhánh, ngân hàng đã phát hiện "có dấu hiệu bất thường về việc một số cán bộ, nhân viên với một nhóm khách hàng có quan hệ mật thiết với nhau trước khi tham gia MSB". Vì vậy, ngân hàng đã chủ động trình báo công an.
"Chúng tôi đã, đang tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng trong phạm vi được yêu cầu", MSB cho hay.
Xem thêm: lmth.6589274-bsm-iohk-ioh-cob-gnah-hcahk-8-auc-gnod-yt-033-noh-iug-neit-oas-iv/ten.sserpxenv