Chưa thôi lo lắng chuyện chó cắn người, phóng uế ở các khu dân cư, công viên, nhiều người bất bình chuyện một số người ẵm theo chó, đưa chó vào quán ăn, tự nhiên cho con vật ngồi một ghế như bao thực khách khác.
Người đem theo tô chén cho chúng ăn riêng, nhưng cũng có người gắp thức ăn thú cưng trong khi chúng… ngồi chơi bên cạnh chủ.
Không ít lần khi đi ăn tối hoặc ghé vào quán ốc, tôi chứng kiến một số anh chàng, cô nàng vô tư ẵm chó theo ngồi chung. Đồ ăn cũng được san sẻ, có chủ nuôi còn dùng tay đút đồ ăn cho chú chó, sau đó không rửa tay mà điềm nhiên ăn uống.
Thôi thì vấn đề vệ sinh của chủ nuôi tôi không bàn tới, nhưng họ nên ý tứ giữ vệ sinh không gian chung của quán. Chưa kể có những thực khách bị dị ứng lông vật nuôi sẽ cảm thấy rất phiền.
Hơn nữa mang chó, mèo vào quán cũng vô tình làm khổ các nhân viên phục vụ khi sau đó phải lau dọn, phủi sạch bàn ghế để khách khác đến ngồi sau đó.
Chó đâu dễ ngồi yên suốt cả bữa ăn của chủ! Được một lúc chó nhảy từ ghế xuống đất, từ ghế nhảy lên bàn, chạy tung tăng, có khi liếm vào bàn ăn, tô chén của quán.
Nghĩ về việc lông thú rụng, vi khuẩn phát tán, bữa ăn của nhiều thực khách khác tự nhiên hết ngon. Có lần bạn tôi định góp ý nhưng tôi ngăn lại vì sợ rước họa vào thân.
Không chỉ chuyện mang chó, mèo vào quán, các quán ăn, tiệm cà phê, cửa hàng bán thực phẩm… cũng để chó của nhà mình tự do đi lại.
Có khi thức ăn và đồ uống của khách cũng dính lông vật nuôi. Một lần tôi ghé hàng bánh cuốn để ăn sáng, cô chủ cột chú chó nhỏ ngay góc bàn kê nguyên liệu tráng bánh. Đang ăn, tôi khiếp hồn khi thấy sợi lông màu nâu dính trong bánh. Vậy là tôi không ghé tiệm này nữa.
Lần khác, tôi mua ly rau má của một quán khá nổi tiếng. Cô chủ xoa đầu chú chó xù trong góc quán xong thì rót rau má, đóng nắp ly đưa cho tôi. Về nhà, tôi phải bỏ luôn ly nước vì ám ảnh mùi lông chó. Tôi "rén" luôn cái quán dù có ngon thế nào chăng nữa.
Nhiều bạn bè tôi cũng chung ý kiến rằng họ sẽ né những quán ăn nuôi chó và để chúng đi lung tung. Chủ quán giữ sạch vật nuôi cỡ nào, nhiều thực khách vẫn ăn không mạnh miệng.
Nhất là khi con vật cọ mình vào chân bàn ăn hoặc nhảy nhót, vung người, lông theo hướng quạt mà bay.
Một người bạn của tôi ngán ngẩm khi có người đi ăn sáng chở theo hai chú chó, cho ngồi cùng bàn. Bạn khác thì một đi không trở lại khi phát hiện chú chó nằm gần quầy rau sống của quán hủ tiếu.
Chúng tôi không hề ghét chó, mèo. Tôi biết rằng với người nuôi chó và coi như con, chuyện sinh hoạt, ăn uống chung với chúng là bình thường.
Nhưng khi đến không gian chung hoặc trong những quán xá, có thể nào đừng để chó đi tới đi lui dính lông, vi khuẩn vào thức ăn được không?
Đằng sau đó còn là câu chuyện sức khỏe, bởi trong da, lông chó tiềm ẩn trứng giun, vi rút, vi khuẩn gây bệnh, có thể dẫn đến chết người. Chưa kể, ai cũng nói chó mình hiền, nhưng lỡ chúng nổi hứng ngoạm một cái làm người khác khổ sở vô cùng.
Tranh cãi xoay quanh việc dẫn thú cưng vào quán ăn
Việc dẫn thú cưng vào nhà hàng hay các khu vực ăn uống luôn là một chủ đề gây tranh cãi và nhận được vô số ý kiến trái chiều từ cộng đồng mạng.
Năm 2023, tờ Asiaone đưa tin về một cặp đôi tại Singapore gây chú ý và vấp phải sự chỉ trích nặng nề khi dẫn thú cưng của mình vào quầy ăn uống tại một khu chợ ở Singapore.
Theo quy định của Cơ quan Thực phẩm Singapore, không được phép dẫn theo thú cưng vào các khu vực và cửa hàng ăn uống, ngoại trừ quán cà phê dành cho thú cưng.
Trước đó, Singapore từng được biết đến là quốc gia có rất nhiều quy định khắt khe trong việc dẫn theo thú cưng đến quán ăn.
Cơ quan Môi trường quốc gia Singapore (NEA) từng phạt một sinh viên đại học 220 USD vì dẫn chú chó của mình vào quán cà phê. Đây cũng là quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm theo đạo luật y tế công cộng về môi trường cấm đưa động vật sống vào các quán ăn của Cơ quan Thực phẩm Singapore.
Theo tờ Nation Thailand, trong hầu hết các trường hợp, các nhà hàng ở Thái Lan không cho phép khách hàng mang theo chó hoặc thú cưng khác.
Tuy nhiên, có một số nhà hàng dành cho thú cưng hoặc có khu vực ngoài trời riêng biệt để khách hàng có thể mang theo thú cưng. Việc mang theo chó, mèo cần phải được kiểm tra và xác nhận trước khi đến nhà hàng.
Các trung tâm thương mại lớn ở Bangkok như Siam Paragon cũng cấm du khách mang theo thú cưng vì những khu vực này thường bao gồm các quầy phức hợp mua sắm và ăn uống.
Vụ việc đâm chết người nghi từ mâu thuẫn chó nuôi phóng uế trước nhà hàng xóm ở P.An Lạc A, Q.Bình Tân (TP.HCM) khuya 3-4 đã khiến dư luận rất bức xúc.
Nhiều người cho rằng cơ quan chức năng cần có biện pháp mạnh hơn để hạn chế tình trạng người dân cho chó chạy lung tung, cắn người, phóng uế, gây mất vệ sinh, mỹ quan đô thị. Việc này trước hết cần ý thức trách nhiệm của chủ nuôi.
Chó mèo ở TP.HCM phần lớn có chủ nuôi, nhưng người dân khi bị chó thả rông ị bậy, rượt đuổi nguy hiểm thì chỉ biết nuốt bực, tự dọn dẹp và tự bảo vệ.