Đề án tách Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa của Sở GD-ĐT TP.HCM đề xuất chỉ tiêu tuyển sinh năm học 2024-2025 cho hai trường mới như sau: Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (trụ sở đặt tại lô P2 khu tái định cư 38,4 ha, phường An Khánh, TP Thủ Đức, sau đây gọi tắt là trường ở TP Thủ Đức) tuyển sinh cho các lớp chuyên toán, văn, lý, hóa, sinh, tin học, mỗi lớp 35 học sinh, riêng lớp chuyên Anh tuyển 4 lớp: 140 học sinh.
Trường THCS và THPT Trần Đại Nghĩa (trụ sở đặt tại 53 Nguyễn Du, phường Bến Nghé, quận 1, sau đây gọi tắt là trường ở quận 1) tuyển 350 học sinh lớp 6 và 450 học sinh lớp 10.
Nếu đề xuất này được UBND TP.HCM phê duyệt thì chỉ tiêu tuyển sinh lớp 6 năm nay ít hơn năm trước khá nhiều (năm trước chỉ tiêu 535 học sinh lớp 6).
Lớp chuyên vẫn học ở quận 1
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Hiếu (giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM) cho biết: "Năm học 2023-2024, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa có quy mô đào tạo 106 lớp với 3.540 học sinh. Trong đó có 62 lớp cấp THCS với 2.177 học sinh; 44 lớp cấp THPT. Cấp THPT gồm 27 lớp chuyên với 796 học sinh, 9 lớp không chuyên với 311 học sinh, 8 lớp tích hợp với 256 học sinh.
Sở đề xuất một thời kỳ quá độ khi tách Trường chuyên Trần Đại Nghĩa. Trong hai năm đầu, học sinh lớp 11, 12 (tính cả lớp không chuyên) của trường vẫn sẽ học tập và sinh hoạt tại cơ sở quận 1 mặc dù biên chế thuộc trường ở TP Thủ Đức. Tức là các lớp cũ sẽ học tại quận 1 cho đến khi ra trường để đảm bảo sự ổn định, không gây ảnh hưởng đến tâm lý phụ huynh và học sinh".
Riêng với học sinh khối 7, 8, 9, đề án tách trường đề nghị chuyển hẳn số học sinh này về cho trường ở quận 1 quản lý. Tuy nhiên, hiện một số phụ huynh cho rằng như vậy sẽ gây thiệt thòi cho học sinh, nhất là với những em có nguyện vọng xin học bổng du học khi kết thúc cấp THCS.
"Hồi lớp 6, con em chúng tôi dự khảo sát và thi đậu vào lớp 6 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa. Dù cấp THCS không đào tạo hệ chuyên nhưng việc mang danh học sinh trường chuyên là một sự thuận lợi khi các cháu xin học bổng du học. Giờ tách trường, con em chúng tôi trở thành học sinh Trường THCS-THPT Trần Đại Nghĩa tức là không còn trường chuyên nữa" - một phụ huynh nêu ý kiến.
Về vấn đề trên, ông Hiếu khẳng định: "Sở sẽ tiếp thu ý kiến của phụ huynh và đang cân nhắc để có phương án tốt nhất trên cơ sở đảm bảo quyền lợi của học sinh".
Xác định mô hình hoạt động
Cũng theo ông Hiếu, trường ở TP Thủ Đức sẽ hoạt động theo quy chế trường chuyên. Nhà trường sẽ tiếp tục tuyển sinh cấp THPT với học sinh có độ tuổi từ 15, có tư chất thông minh, đạt kết quả tốt trong rèn luyện, học tập ở cấp THCS và đủ năng lực học tại trường chuyên.
Trường ở quận 1 tuyển sinh đối tượng học sinh từ cấp THCS đến THPT có sức khỏe, đạo đức tốt, học lực từ trung bình trở lên. Nhà trường sẽ hoạt động theo mô hình trường chất lượng cao - hội nhập quốc tế (không phải trường tiên tiến, hội nhập quốc tế mà nhiều trường phổ thông ở TP.HCM đang thực hiện).
Trong đó, việc tuyển sinh lớp 6 sẽ thực hiện thông qua bài khảo sát do sở ra đề, việc tuyển sinh lớp 10 được thực hiện chung trong kỳ tuyển sinh lớp 10 của toàn thành phố.
Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết một trong các tiêu chí khi thực hiện tách trường Trần Đại Nghĩa là không làm tăng số lượng người hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Về tài chính thì đảm bảo không làm giảm mức độ tự chủ về tài chính hiện có. Tuy nhiên, cả hai trường cần tận dụng cơ sở vật chất hiện có đồng thời xây dựng, bổ sung trang thiết bị để đẩy mạnh quy mô hoạt động theo đúng mô hình đã xác định.
Theo đánh giá của Sở GD-ĐT TP.HCM, hai trường mới đều đủ khả năng tổ chức bán trú, tức là học sinh có thể học tập và sinh hoạt cả ngày ở trường. Trong đó, trường ở TP Thủ Đức có tổng diện tích đất: 22.219,4m2; 30 phòng học, có nhà thi đấu, sân bóng đá mini, bóng rổ, cầu lông, phòng tập aerobics, bãi tập thể dục thể thao...
Trường ở quận 1 có diện tích 12.381,1m2; 80 phòng học, khuôn viên nhà trường có cây xanh bóng mát, có vườn hoa, cây cảnh, có sân chơi... Cả hai cơ sở đều có đủ các phòng chức năng như thư viện, phòng thí nghiệm lý hóa sinh, phòng thí nghiệm công nghệ, phòng vi tính, phòng học tiếng nước ngoài; nhà tập đa năng và các khu phụ làm văn phòng.
Riêng trường ở quận 1 có thư viện tiên tiến - thông minh với đầy đủ trang thiết bị, hệ thống máy tính được kết nối Internet đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, dạy - học của giáo viên và học sinh.
Từ quy định của Luật Giáo dục
Đánh giá về tác động xã hội sau khi chia tách Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, Sở GD-ĐT TP.HCM cho rằng: Trường ở TP Thủ Đức vẫn sẽ giữ được sức hút trong công tác tuyển sinh vào lớp chuyên ở cấp THPT; giúp phát huy thế mạnh của nhà trường về bồi dưỡng học sinh giỏi và giáo dục toàn diện. Học sinh chuyên vẫn có điều kiện khi tham gia xét tuyển, xin học bổng, tham gia giao lưu học thuật quốc tế...
Trường ở quận 1 tiếp tục thực hiện chương trình cấp THCS, THPT cũng như mô hình trường chất lượng cao - hội nhập quốc tế (tức là giáo dục học sinh theo hướng tiệm cận với trình độ giáo dục của khu vực và quốc tế) đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của học sinh và phụ huynh.
Phương án tách trường như trên sẽ không gây biến động lớn về việc sắp xếp, tổ chức cơ cấu, nhân sự, việc tổ chức và thực hiện chương trình giáo dục. Đồng thời, trường ở quận 1 vẫn tiếp tục khai thác được thế mạnh của mình trong việc đào tạo học sinh cấp THCS.
Được biết, việc tách trường xuất phát từ quy định của Luật Giáo dục và quy chế trường chuyên về việc không cho phép lớp không chuyên tồn tại trong trường chuyên.
Dự kiến Trường Trần Đại Nghĩa chỉ tuyển 350 học sinh lớp 6 cho năm học 2024 - 2025 thay vì 535 học sinh như năm trước.