Với trọng tâm chiến lược của Mỹ hiện đang chuyển sang khu vực Ấn Độ Dương –Thái Bình Dương với mục đích chế ngự Trung Quốc, các lực lượng vũ trang Mỹ đang ráo riết vũ khí hóa khu vực châu Á-Thái Bình Dương vốn đang dần trở thành tâm điểm toàn cầu về rủi ro xảy ra xung đột lớn tiếp theo.
Mỹ có hơn 750 căn cứ tại 80 quốc gia
Quân đội Mỹ trong lịch sử vẫn là một lực lượng viễn chinh, điều này dẫn tới thiết lập các căn cứ quân sự ở nước ngòai. Theo ông David Vine, giáo sư về nhân chủng học chính trị tại ĐH American, quân đội Mỹ vận hành hơn 750 căn cứ hải ngoại trải khắp 80 quốc gia.
Lính Mỹ rời căn cứ không quân Bargam ở Afghanistan hồi tháng 7. Ảnh: TWITTER
So với sự hiện diện quân sự khổng lồ trên toàn cầu của Mỹ, Trung Quốc chỉ có một căn cứ quân sự hải ngoại tại Djibouti. Bộ Tư lệnh châu Phi của Mỹ tin rằng căn cứ hải quân của Trung Quốc ở Djibouti đủ lớn để hỗ trợ tàu sân bay, điều khiến Mỹ lo ngại.
Tổng thống Mỹ Joe Biden gần đây tuyên bố lực lượng Mỹ sẽ tiếp tục đối phó quân địch từ “đường chân trời” bằng cách tiến hành không kích thông qua mạng lưới căn cứ quân sự rộng lớn của Mỹ.
Nhật, quốc gia láng giềng của Trung Quốc là nơi có số lượng tối đa căn cứ quân sự/cơ sở quốc phòng của Mỹ. Hơn 53.000 lính Mỹ hoạt động từ 120 căn cứ quân sự tại quốc gia châu Á này.
Riêng quần đảo Okinawa đã chiếm 62% tổng số căn cứ Mỹ tại Nhật và bao phủ 25% toàn bộ quần đảo. Futenma, Kadena, Hansen, Torii, Schwab, Foster và Kinser là một số căn cứ quân sự lớn trên quần đảo Okinawa.
Hàn Quốc, một nước láng giềng khác của Trung Quốc, có 73 căn cứ quân sự Mỹ với khoảng 26.400 lính Mỹ và nhân viên đồng minh đồn trú tại đây.
Một số cơ sở quân sự nổi bật của Mỹ tại Hàn Quốc là Trại Humphreys nằm ở TP Pyeongtaek, phía nam thủ đô Seoul; Army Garrison Yongsan ở trung tâm Seoul; Trại Walker ở đông nam TP Daegu, hai căn cứ không quân ở Osan và Gunsan, phía nam Seoul.
Căn cứ hải quân Vịnh Guantanamo (Cuba), nơi có một trại giam giữ. Ảnh: TWITTER
Đức có khoảng 119 căn cứ quân sự Mỹ với khoảng 33.900 lính Mỹ đồn trú. Căn cứ không quân Ramstein mang tính biểu tượng ở bang Rhineland-Palatinate (tây nam Đức), là cơ sở quốc phòng chiến lược đặc biệt của Mỹ tại Đức.
Căn cứ này từng được sử dụng để tiến hành các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ tại Pakistan, Yemen, Afghanistan và Somalia. Các căn cứ của Mỹ tại Nhật và Hàn Quốc có lẽ có tầm quan trọng đặc biệt trong khuôn khổ chiến lược mới của Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhằm kiềm chế sự bành trướng của Trung Quốc.
Các căn cứ quân sự của Mỹ được phân loại như thế nào?
Các căn cứ quân sự hải ngoại của Mỹ được chia thành hai loại chính là căn cứ lớn (Bases) và căn cứ nhỏ (Lily Pads).
Các căn cứ lớn bao gồm các cơ sở quân sự rộng hơn 4 hecta hay trị giá hơn 10 triệu USD. Những căn cứ này thường có hơn 200 quân nhân Mỹ. 439 hay 60% căn cứ nước ngoài của Mỹ thuộc loại này.
Màn biểu diễn “voi đi bộ” (elephant walk) của máy bay không người lái (UAV) MQ-4C Triton của Hải quân Mỹ, UAV RQ-4 Global Hawk của Không quân Mỹ, oanh tạc cơ B-52 Stratofortresses, máy bay tiếp nhiên liệu KC-135 Stratotankers tại căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam năm 2020. Ảnh: TWITTER
Căn cứ nhỏ là những căn cứ nhỏ hơn 4 hecta hay có giá trị chưa tới 10 triệu USD. Những căn cứ này bao gồm những điểm hợp tác an ninh và căn cứ phục vụ tác chiến. 40% căn cứ hải ngoại của Mỹ còn lại thuộc loại này.
Theo dữ liệu triển khai quân sự toàn cầu của Mỹ do tạp chí Conflict Management and Peace Science Journal công bố, tính đến năm 2020, Mỹ đã triển khai 173.000 binh sĩ tại 159 quốc gia.
Cả quân đội Mỹ lẫn Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) được cho vận hành nhiều cơ sở bí mật trải dài dọc Đông bán cầu. Một số quốc gia này được xác định là Pakistan, Iraq, Syria, Djibouti, Kuwait, Chad, Cameroon, Nigeria, Qatar, Saudi Arabia. Những cơ sở bí mật này chủ yếu được sử dụng làm căn cứ chứa máy bay không người lái, đôi khi có lực lượng hoạt động đặc biệt.
Sau Chiến tranh Lạnh, Mỹ đã có ý định đóng cửa các căn cứ quân sự ở nước ngoài, đặc biệt là những cơ sở đóng tại châu Âu. Chính quyền Tổng thống Bill Clinton đã dẫn đầu việc cắt giảm một số căn cứ quân sự ở nước ngoài quan trọng nhất.
Ngay cả chính quyền Tổng thống George W.Bush cũng đã đóng cửa vài trăm căn cứ quân sự hải ngoại. Năm 2012, chính quyền Tổng thống Barack Obama đã triệu hồi hai lữ đoàn quân đội từ Đức, song quyết định được đảo ngược sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea.
Gần đây nhất, chính quyền Tổng thống Donald Trump đề xuất rút 12.000 quân nhân Mỹ khỏi Đức. Tuy nhiên, động thái này bị Quốc hội Mỹ ngăn chặn.
Giờ đây, với việc quân đội Mỹ rút khỏi Afghanistan, có suy đoán rằng nỗ lực hạn chế số lượng căn cứ quân sự của Mỹ ở nước ngoài sẽ tiếp tục.