Việt Nam - Top 5 khu vực về khử các-bon
Báo cáo Chỉ số Kinh tế Net Zero 2023 của PwC cho thấy, dù đã đạt được những tiến bộ nhất định về khử các-bon trên toàn khu vực, với việc đạt mức tăng gấp đôi (2,8%) vào năm 2022, song khu vực châu Á - Thái Bình Dương cần nỗ lực thu hẹp khoảng cách giữa các nước trong khu vực. Trong bối cảnh đó, Việt Nam hiện nằm trong Top 5 nền kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương đạt được tốc độ khử các-bon cần thiết để đáp ứng mức Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), với tỷ lệ 6,5%, đứng sau Singapore (với 10,8%), New Zealand (8,5%) và đứng trên Hàn Quốc (4,4%)... Tỷ lệ khử các-bon 6,5% mà Việt Nam đạt được vào năm 2022 vượt xa mức 2,5% cần thiết để đạt được mục tiêu NDC.
Có một số yếu tố đang thúc đẩy tốc độ khử các-bon ấn tượng của Việt Nam. Việt Nam đã triển khai nhanh chóng các dự án điện năng lượng tái tạo trong những năm gần đây. Ngoài ra, những cam kết quốc tế mạnh mẽ của Việt Nam về chống biến đổi khí hậu, cùng với việc Chính phủ ưu tiên tăng trưởng xanh thành chiến lược và chính sách phát triển then chốt, đang thúc đẩy những kết quả tích cực này.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn đầu trên hành trình tăng trưởng xanh. Khuôn khổ chính sách đã được thiết lập chặt chẽ hơn nhưng vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, điều này nhấn mạnh tiềm năng to lớn để tiếp tục phát triển các nỗ lực khử các-bon của Việt Nam.
Cam kết mạnh mẽ hướng đến Net Zero
Những nỗ lực gần đây của Việt Nam hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) cho thấy sự chuyển hướng đáng kể trong chính sách và cam kết quốc gia.
Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26 năm 2021 đóng vai trò bước ngoặt, thúc đẩy Việt Nam đưa ra các cam kết đầy tham vọng. Kể từ đó, các nhà hoạch định chính sách đã đưa khử các-bon và tăng trưởng xanh thành các yếu tố cốt lõi trong các mục tiêu phát triển của đất nước. Điều này được thể hiện qua hàng loạt chính sách then chốt: Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh (nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết về khử các-bon trong các lĩnh vực kinh tế chính), Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu (nhấn mạnh việc thích ứng chủ động với biến đổi khí hậu, giảm khí nhà kính xuống mức ròng bằng 0 và giải quyết các lỗ hổng và rủi ro về khí hậu), Luật Bảo vệ môi trường 2020 (yêu cầu xây dựng lộ trình giảm thiểu các-bon); Quyết định 01/2022/QĐ-TTg và Nghị định 06/2022/NĐ-CP (xác định rõ các ngành, mục tiêu khử các-bon và các cơ sở phát thải cần phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính và triển khai các hành động giảm thiểu, bao gồm cả mốc thời gian để triển khai thị trường các-bon), Quy hoạch điện 8 và Chương trình quan hệ đối tác về chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP) (tập trung vào việc khử các-bon trong lĩnh vực năng lượng), Quyết định số 876/QĐ-TTg (phê duyệt Chương trình hành động chuyển đổi sang năng lượng xanh và giảm thiểu phát thải các-bon và metan từ lĩnh vực giao thông vận tải)...
Đây chỉ là một vài minh chứng cho việc Chính phủ Việt Nam đã tích cực theo đuổi các chính sách toàn diện, trên phạm vi toàn nền kinh tế nhằm đạt được mục tiêu khử các-bon.
Những nỗ lực ban đầu về giảm phát thải khí nhà kính đã mang lại kết quả tích cực trong các lĩnh vực như năng lượng, giao thông vận tải, nông nghiệp, sử dụng đất và lâm nghiệp, và công nghiệp. Theo tài liệu NDC được cập nhật năm 2022, ước tính, Việt Nam đã giảm được khoảng 85 triệu tấn CO2 trong giai đoạn 2014 - 2020.
Cách tiếp cận hoạch định chính sách theo hướng từ Trung ương xuống các ngành của Việt Nam xứng đáng được ghi nhận, vì đã có bước đi quan trọng trong việc định hướng. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải nhanh chóng xây dựng các kế hoạch, thông tư và hướng dẫn thực hiện. Các tài liệu này sẽ chuyển đổi tầm nhìn thành các kế hoạch cụ thể ở cấp địa phương, đảm bảo thực hiện hiệu quả và tối đa hóa tác động của chương trình nghị sự khử các-bon đầy tham vọng của Việt Nam.
Lộ trình Net Zero: Các giải pháp khuyến nghị
Lộ trình hướng tới Net Zero của Việt Nam cần có một cách tiếp cận chiến lược và cụ thể hóa các hành động. Dưới đây là một số hành động và khuyến nghị chính mà Chính phủ và doanh nghiệp có thể cân nhắc:
Thứ nhất, từ lập kế hoạch sang ưu tiên hành động. Mặc dù các tiêu chuẩn và quy định là rất quan trọng, việc quá phụ thuộc vào việc xây dựng các quy định có thể cản trở tiến trình. Việt Nam có thể tránh được cuộc chạy đua đánh đổi những lợi ích lâu dài nhằm tăng lợi thế cạnh tranh bằng cách nhanh chóng chuyển đổi các chính sách thành các hành động cụ thể. Khử các-bon là cuộc đua đường dài và cần nỗ lực bền bỉ. Trọng tâm nên chuyển từ việc đặt mục tiêu sang thực hiện và đạt được tiến bộ có thể đo lường được, thay vì phấn đấu cho sự hoàn hảo ngay lập tức.
Thứ hai, tách rời tăng trưởng khỏi phát thải. Các doanh nghiệp cần tập trung vào việc tách rời nguyện vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam khỏi mức tiêu thụ năng lượng và phát thải CO2. Điều này đồng nghĩa với ưu tiên các hành động mạnh mẽ trong các lĩnh vực kinh tế then chốt như năng lượng, giao thông vận tải, nông nghiệp và công nghiệp.
Thứ ba, Chính phủ cần tiếp cận toàn diện và có các giải pháp riêng biệt cho từng ngành. Việc thực thi hiệu quả đòi hỏi một cách tiếp cận thống nhất giữa tất cả các cơ quan chính phủ. Điều quan trọng cần lưu ý là xác định các sáng kiến mang lại tác động cao nhất cho nguồn lực đầu tư là điều quan trọng và chọn ra các giải pháp hiệu quả nhất cho các ngành khác nhau.
Thứ tư, ngành năng lượng sẽ là động lực cho khử các-bon. Với tiềm năng đáng kể, ngành năng lượng nên trở thành nền tảng cho các nỗ lực khử các-bon của Việt Nam. Điều này đòi hỏi các khoản đầu tư không nhỏ, nhưng những lợi ích tiềm năng là rất lớn. Việc tháo gỡ những nút thắt trong quá trình thực hiện Quy hoạch điện 8 (PDP8) là rất quan trọng. Cần triển khai nhanh chóng các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió trên bờ và ngoài khơi, đi kèm với việc mua sắm/định giá cạnh tranh cùng với các khoản đầu tư tương ứng vào lưới điện để tích hợp phù hợp năng lượng tái tạo biến đổi. Bên cạnh đó, cần đảm bảo quá trình chuyển đổi công bằng trong ngành khi chuyển đổi từ than sang năng lượng thay thế.
Thứ năm, mở rộng quy mô trên tất cả các ngành và xây dựng khuôn khổ chính sách vững chắc. Những thành công đạt được trong lĩnh vực năng lượng có thể đóng vai trò là mô hình nhân rộng các nỗ lực khử các-bon trong lĩnh vực giao thông vận tải, nông nghiệp và công nghiệp. Thiết lập các tiêu chuẩn, quy định và chính sách liên quan trong các lĩnh vực này sẽ đóng vai trò then chốt trong việc khởi xướng và thúc đẩy tiến trình.
Thứ sáu, thiết lập giá các-bon và cơ chế thị trường. Thúc đẩy phát triển thị trường các-bon và triển khai định giá các-bon sẽ giúp doanh nghiệp và Chính phủ thu hút thêm nguồn tài trợ để hỗ trợ các nỗ lực giảm phát thải.
Thứ bảy, tài chính chiến lược. Việc thúc đẩy dòng chảy vốn đầu tư từ khu vực công đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững. Chính phủ nên nghiên cứu các phương thức tài chính hỗn hợp, xây dựng khuôn khổ để tận dụng các nguồn tài chính công, tư nhân và ưu đãi. Hỗ trợ tài chính quốc tế về biến đổi khí hậu, các ngân hàng đa phương, tài chính nước ngoài, tài chính xanh và thị trường vốn trong nước đều là những nguồn tài trợ tiềm năng.
Thứ tám, khuyến khích tiềm năng khu vực tư nhân. Cung cấp hướng dẫn và hỗ trợ thường xuyên cho các doanh nghiệp là chìa khóa để khuyến khích họ tham gia vào hành trình khử các-bon. Điều này đòi hỏi phải thay đổi tư duy từ việc tuân thủ quy định đơn thuần sang tập trung vào việc tạo ra giá trị cho doanh nghiệp và mở ra các cơ hội thị trường mới thông qua các nỗ lực giảm phát thải.