1. Nhà ấy nuôi bốn con chó. Nhà mặt tiền đường nội bộ ở TP.HCM, vỉa hè rộng. Chủ nuôi thường bày biện bàn ăn lấn chiếm vỉa hè. Mấy con chó không khi nào cột cũng tự do chạy nhảy từ trong nhà ra ngoài đường.
Trẻ con 4-5 tuổi trong xóm hằng ngày đạp xe ngang qua lại nhiều lần hoảng hồn khi chó trong nhà nhảy ra sủa lớn.
Và chuyện xui rủi cũng đến vào một buổi chiều, cậu bé 7 tuổi ở nhà trọ đang chạy nhảy gần nhà đó đã bị một con chó xồ ra cắn chảy máu chân.
Xóm ồn ào khi mẹ của cậu bé đi làm về qua nhà nuôi chó bắt đền, yêu cầu chủ nuôi lo tiền thuốc ngừa bệnh dại. Người mẹ trẻ ấy như mếu máo khóc.
Chị đi làm tạp vụ, khoản tiền chích thuốc ngừa bệnh dại có thể bằng nửa tháng lương của chị. Bà chủ nuôi chó lớn tiếng: "Ngang nhà có chó phải đi từ từ, ai biểu nhảy nhót chi cho chó ghét".
Rồi bà kiên quyết từ chối chi tiền thuốc bởi vì: "Chó nhà này nuôi chích ngừa đàng hoàng, có bệnh đâu mà phải lo chích ngừa".
2. Quán cà phê nhỏ, toàn khách tuổi teen. Một hôm, khách mang theo con chó to tới quán và ngồi ở bàn ngoài vỉa hè. Em nhỏ bán vé số đi ngang, thấy con chó lạ mắt, em dừng lại nhìn vào con vật. Bất ngờ con chó phóng ra cắn một phát vào đầu em nhỏ.
Sau lúc hoảng hồn, em đi bộ về phía cha mình đang bán vé số gần đó. Em khóc. Cha em quay lại quán "xin tiền thuốc".
Chủ quán nói giọng tỉnh bơ: "Quán không có nuôi chó". Anh bán vé số chỉ vào con chó đã cắn con mình, lúc đó vẫn không dây, không rọ mõm. Cô chủ quán nói: "Chó của khách, mà khách của em toàn học sinh sinh viên, không có tiền đâu mà đền!". Rồi cô bỏ đi vào quán máy lạnh, đóng cửa lại, tránh mặt người cha đang khổ sở lo lắng ngoài kia.
Cậu trai - chủ con chó - chở chó về nhà sau khi đưa cho người cha của bé 200.000 đồng gọi là phụ tiền chích mũi đầu và trấn an rằng chó này đã chích ngừa nên em bé không lo bệnh dại.
3. Chó cắn trẻ em: trách nhiệm người nuôi chó đến đâu? Nhất là với những trẻ em có "hoàn cảnh khó khăn" như trong hai câu chuyện này? Cách đền bù dễ được chấp nhận nhất là người nuôi chi hoàn toàn hoặc một phần tiền chích ngừa cho nạn nhân. Nhưng như vậy vẫn chưa đủ nếu tính cả những tổn hại tinh thần và thiệt hại về sau với đứa trẻ bị chó cắn.
Trẻ em hay ôm, vuốt ve hoặc tò mò nhìn lâu vào mắt chó lạ. Điều này có thể khiến con vật bị kích động, xông tới. Tai họa có thể đột ngột đến và vẫn còn may nếu vết thương nhỏ.
Đã có nhiều chuyện người đi thể dục bị chó cắn trọng thương. Cũng có chuyện chó vào tận trường học tấn công trò và thầy. Nhiều con chó cắn người, không phải chó hoang nhưng chủ chó không nhận con vật mình từng yêu thương. Cũng chỉ vì né trách nhiệm đền bù khi chó mình nuôi tấn công người khác.
Khi không thể chối cãi chuyện chó nhà mình cắn người lại né trách nhiệm bằng cách nói chó đã chích ngừa. Ngay cả khi chủ nuôi có giấy của thú y chứng minh đã chích ngừa đi nữa, liệu người nuôi có yên tâm nếu không tự bỏ tiền đi chích ngừa bệnh dại?
Nhiều trẻ nhỏ, đặc biệt ở trẻ chưa biết nói, phụ huynh khó có thể nhận biết con mình bị chó mèo cào/cắn với vết thương nhẹ. Vậy làm sao để phòng bệnh dại ở trẻ nhỏ, trước nguy cơ bị con vật gây thương tích?