Ngày 8-4, Thủ tướng Benjamin Netanyahu cho thấy ông không dọa suông khi tuyên bố Israel đã xác định được ngày sẽ mở chiến dịch tại Rafah, nơi nương náu cuối cùng của khoảng 1,4 triệu người Palestine từ khắp Gaza. Công bố được đưa ra giữa lúc các nhà đàm phán Israel đang tham gia thảo luận ở Cairo (Ai Cập) về thỏa thuận ngừng bắn với Hamas.
Đã định ngày tấn công
"Hôm nay tôi đã nhận được báo cáo chi tiết về cuộc đàm phán ở Cairo, chúng tôi không ngừng nỗ lực để đạt được mục tiêu của mình, trước hết là thả tất cả con tin và đạt được chiến thắng hoàn toàn trước Hamas. Chiến thắng này đòi hỏi phải tiến vào Rafah và tiêu diệt các tiểu đoàn khủng bố ở đó. Điều đó sẽ xảy ra, đã có một ngày cụ thể", Hãng tin Reuters dẫn lời ông Netanyahu nhưng không tiết lộ đó là ngày nào.
Một quan chức Israel không nêu tên cho biết Israel đang mua 40.000 lều để chuẩn bị cho việc sơ tán ở Rafah. Hiện chưa rõ người dân địa phương sẽ được bố trí di tản đi đâu và có thể tiếp nhận bao nhiêu người. Áp lực có thể giảm bớt phần nào nhờ việc cho phép người tị nạn quay lại Khan Younis, nhưng khu vực này cũng chẳng còn mấy nhà cửa sau nhiều tháng Israel tàn phá.
Ở phía bắc Gaza, Israel tiếp tục thực hiện các cuộc không kích và đột kích tại những nơi mà họ cho là căn cứ của Hamas. Tháng trước, quân đội nước này đã xông vào Shifa, bệnh viện lớn nhất Gaza, làm bùng lên giao tranh dữ dội trong và quanh cơ sở này.
Israel cho biết đã tiêu diệt khoảng 200 chiến binh Hamas trong cuộc đột kích nhưng các quan chức bệnh viện cho biết nhiều thường dân nằm trong số những người thiệt mạng.
Israel đã nhiều lần tuyên bố đánh Rafah bất chấp sự can ngăn lẫn đe dọa của đồng minh. Ngày 8-4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller khẳng định Mỹ vẫn cho rằng đây là sai lầm và yêu cầu Tel Aviv phải có kế hoạch bảo vệ dân thường.
"Chúng tôi đã nói rõ với họ rằng chúng tôi nghĩ có một cách tốt hơn để đạt được mục tiêu", ông Miller nói. Các lãnh đạo của Pháp, Ai Cập và Jordan cũng ra tuyên bố chung cảnh báo kế hoạch "chỉ mang lại thêm chết chóc và thống khổ", đồng thời kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức ở Gaza.
Ngoại trưởng Pháp Stephane Sejourne thậm chí đề nghị trừng phạt Israel để mở đường cho cứu trợ. Trong khi đó Thổ Nhĩ Kỳ áp lệnh hạn chế xuất khẩu sang Israel. "Quyết định này sẽ được giữ nguyên cho đến khi Israel tuyên bố ngừng bắn ngay lập tức và cho phép dòng viện trợ nhân đạo đầy đủ và không bị gián đoạn vào Gaza", Bộ Thương mại nước này tuyên bố.
Đàm phán vẫn bế tắc
Ngày 9-4, Hamas cho biết đang nghiên cứu đề xuất thỏa thuận của Israel dù cáo buộc Tel Aviv không đáp ứng các đòi hỏi của họ. Trong các cuộc đàm phán rơi vào bế tắc trước đó, Hamas yêu cầu ngừng bắn hoàn toàn, kiểm soát hàng cứu trợ và Israel rút quân hoàn toàn khỏi Gaza.
Trên Đài Al Jazeera, người phát ngôn cấp cao của Hamas Sami Abu Zahry cũng "đặt ra câu hỏi về mục đích nối lại đàm phán" của Israel trong khi vẫn dọa đánh Rafah. "Sự thành công của bất kỳ cuộc đàm phán nào đều phụ thuộc vào việc chấm dứt hành vi gây hấn", ông Zahry nói.
Một nguồn tin thân cận với các cuộc đàm phán mới nhất tiết lộ với AFP rằng Hamas đang xem xét một lệnh ngừng bắn kéo dài sáu tuần và trao đổi các con tin là phụ nữ và trẻ em Israel bị họ bắt hồi tháng 10-2023 để đổi lấy 900 tù nhân Palestine.
Theo đó, giai đoạn đầu tiên của ngừng bắn sẽ cho phép người dân Palestine trở lại phía bắc Gaza và chuyển 400-500 xe tải viện trợ lương thực hằng ngày tới Gaza.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Qatar Majed al-Ansari nói với Đài BBC rằng ông "hôm nay lạc quan hơn vài ngày trước" nhưng cũng chưa chắc chắn hoàn toàn sẽ đạt được thỏa thuận. Ngược lại, một quan chức Palestine nói với Reuters là tình hình vẫn bế tắc do Israel từ chối chấm dứt chiến tranh và dỡ bỏ lệnh phong tỏa Gaza kéo dài 17 năm qua.
Tại Washington, người phát ngôn Nhà Trắng cho biết Mỹ hy vọng đạt được thỏa thuận thả con tin càng sớm càng tốt vì nó cũng sẽ dẫn đến lệnh ngừng bắn kéo dài khoảng sáu tuần. Chính quyền Tổng thống Joe Biden đang sốt ruột hối thúc các bên thúc đẩy Hamas đồng ý thỏa thuận trong bối cảnh sức ép ngày càng lớn ở cả trong và ngoài nước.
Liên Hiệp Quốc xem xét việc kết nạp Palestine
Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã chuyển đơn xin gia nhập của Palestine cho ủy ban tiếp nhận thành viên mới. Bà Vanessa Frazier, đại sứ Malta tại Liên Hiệp Quốc và chủ tịch Hội đồng Bảo an tháng 4-2024, cho biết 15 thành viên hội đồng sẽ xem xét liệu Palestine có được cấp tư cách thành viên đầy đủ tại Liên Hiệp Quốc hay không. "Hội đồng đã quyết định rằng cuộc thảo luận này phải diễn ra trong tháng 4", bà Frazier xác nhận ngày 8-4.
Palestine xin gia nhập Liên Hiệp Quốc từ năm 2011 nhưng tiếp tục thúc đẩy việc này vào đầu tháng 4-2024 trong bối cảnh cuộc chiến ở Dải Gaza vẫn ác liệt. Một trong những đề xuất được nhắc đến thời gian qua là chính quyền Palestine sẽ kiểm soát Dải Gaza thời kỳ hậu chiến tranh.
Vòm-C là phiên bản dùng cho hải quân của hệ thống phòng không Vòm sắt, được đặt trên tàu hộ vệ lớp Sa'ar 6.